Hội chứng “độc thoại” của các bà vợ

“...Tôi là cái thảm để ông chùi chân à? Đi làm về tôi còn nấu cơm, giữ nhà, nuôi dạy con. Tôi định thuê người giúp việc thì ông bảo mẹ ông ngày xưa một mình nuôi bảy đứa con, có cần ai giúp...”.

 
Hội chứng “độc thoại” của các bà vợ - 1


“... Việc nhà ngập đầu nhưng ông bảo đàn ông vào bếp, rửa chén thì hèn lắm. Tối nào ông cũng về trễ, lại còn lầm lì không nói. Hôm qua tôi thăm mẹ tôi bị ốm, ông gọi điện tới, chẳng hỏi thăm sức khỏe mẹ mà cứ hỏi khi nào tôi về. Về nhà, không có ai là ông bực mình. Ông thương vợ con hay chỉ muốn có người dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho ông? Ông thương con sao không đưa đón con đi học, không tắm con, không chơi với con?

 

Ông nhiều lý lẽ, sao không ra ngoài mà đấu với thiên hạ, lại yên phận làm một anh nhân viên quèn, bị la mắng không dám mở miệng. Ông tưởng tôi không dám ly dị sao. Để xem, khi ông già, đau ốm, ai lo cho ông...”.

 

“Trích đoạn” này không phải là cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng mà là cuộc độc thoại trong... suy nghĩ của bà Tạ Quỳnh Liên, một nhân viên ngành bưu điện.
 
Nóng trong người

 

Sau khi chồng bà dắt xe ra khỏi nhà, cuộc “lời qua tiếng lại” đã không chịu kết thúc mà bà vẫn tiếp tục “nói” với chồng bằng suy nghĩ. Kiểu ngôn ngữ này như cỏ dại gặp mưa rào, sinh sôi một cách vô kế hoạch. Đang triền miên độc thoại với ông chồng, không kiềm chế được cơn bực bội khi cô con gái phóng xe vào nhà, bà quát con: “Đi đâu bây giờ mới về? Chơi mãi không biết chán sao?”. Thái độ phớt lờ, chạy thẳng lên lầu, vào phòng riêng đóng ầm cửa lại của cô con gái càng làm bà cáu hơn, lại bộc phát một cuộc độc thoại khác: “Cái thân tôi mắc tội gì mà cả chồng lẫn con đều như người xa lạ...”. 

 

Bà Thái Thu Thủy, chủ một đại lý mỹ phẩm, không bao giờ tin ông chồng đã nộp hết thu nhập cho mình. Vì thế, bà cũng không thể vui vẻ “duyệt” cho ông nhận lại các khoản tiền theo đề xuất của ông. Bà thông cảm nhu cầu gặp gỡ bạn bè “có chút bia bọt” của ông, nhưng không tin ông chịu dừng cuộc vui khi tàn bàn nhậu. Và tất nhiên, để chi phí cho tăng hai, tăng ba, ông phải bí mật tích lũy tiền. Một lần, bà phát hiện trong túi quần ông một cái bao cao su. Sau cuộc độc thoại kéo dài suốt ba ngày, trong tâm trạng “hận thù” ông chồng phản bội, bà mới dứ dứ “vật chứng” trước mặt ông. Ông thản nhiên: “Trời! Bà lượm ở đâu rồi đổ cho là của tôi...”. Bà tra hỏi mãi, ông mới chịu khai: “Có mấy em của nhóm tuyên truyền sức khỏe sinh sản, đưa cho tôi trong quán nhậu...”. Lời giải thích này  làm sao thuyết phục được bà, chỉ càng khiến bà củng cố thêm quan điểm: “Không nên tin vào đàn ông”. Nỗi nghi ngờ của bà luôn gắn với một hình bóng phụ nữ khác. Có những tháng ông đưa tiền cho bà ít đi vì “doanh thu của công ty giảm” lại càng “thúc đẩy” để bà sản xuất thêm kịch bản độc thoại. Phòng ngừa bao giờ cũng tốt, bà lên kế hoạch rình rập chồng để bắt quả tang.

 

Làm mát suy nghĩ

 

Nhiều lý do dẫn đến độc thoại. Có bà vợ không muốn nói ra, hoặc không biết cách nói ra vì không tự tin vào sự diễn đạt của mình. Có bà vợ chán phát biểu vì ông chồng làm lơ, hay im im như “thóc giống”. Cũng có bà vợ cảm thấy bị lép vế trước ông chồng “ào ào, nóng nảy”. Độc thoại bằng suy nghĩ là một lối thoát để họ tuôn ra hết những ấm ức.

 

Để chỉ trạng thái độc thoại, các nhà tâm lý dùng thuật ngữ “chìm ngập vào biển cảm xúc tiêu cực”. Đó là lúc những ông chồng, bà vợ đang bực tức người bạn đời, buông thả cho xúc cảm hung hăng “tung hoành” và không còn kiểm soát được nó.

 

Về mặt sinh lý học, trong trạng thái chìm ngập cảm xúc tiêu cực, đẩy sự giận dữ chạy vào bên trong, sẽ xảy ra tình trạng “nóng trong người”, vì nhịp tim sẽ tăng lên trên 100 nhịp/phút (bình thường là 82 nhịp/phút ở phụ nữ, 72 nhịp/phút ở nam giới, tùy tầm vóc của cá nhân).

 

Ở giai đoạn này, cảm xúc hoàn toàn chiếm ưu thế, lấn át lý trí, khiến cái nhìn càng như một mũi khoan, chỉ biết xoáy vào những điều tệ hại của người bạn đời. Kiểu nói về nhau trong đầu, bằng suy nghĩ, nguy hiểm gấp nhiều lần những lúc hai người nói thẳng vào mặt nhau, bởi nó sẽ tiết ra “chất độc” khắc sâu thêm nỗi chán chường, hủy hoại mối quan hệ vợ chồng.

 

Không ít bà vợ giải nhiệt bằng cách tập thể dục, luyện yoga, làm từ thiện, đi mua sắm... nhưng vẫn không tắt hẳn được cái “đài tiếng nói” nội tâm của mình về chồng, người đã làm mình tổn thương. Theo các chuyên viên tư vấn, lý tưởng nhất là hai vợ chồng nên cùng trao đổi, bàn bạc, thậm chí tranh luận với nhau. Khi đã nhận ra mỗi người cần phải điều chỉnh bản thân như thế nào, các bên tự nhiên sẽ giảm được chương trình “độc thoại”. Tuy nhiên, các bà vợ cũng đừng quá mong đợi chồng mình sẽ ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe các bà góp ý, mà các bà phải biết tự pha chế sẵn cho mình loại “sinh tố” nhằm “làm mát” suy nghĩ, từ đó mới thoát khỏi chứng độc thoại.

 

Nguyên liệu cho loại sinh tố này trước hết là ý thức bảo vệ sức khỏe và nhan sắc. Không một bà vợ nào độc thoại trong đau khổ mà bảo toàn được vẻ tươi trẻ. Giữ bình an bên trong trước mọi tình huống xảy ra ngoài ý muốn trong gia đình là yêu cầu thứ nhì. Có như vậy mới dễ dàng tập trung tìm giải pháp, tìm kiếm sự hỗ trợ và hạn chế được tình trạng độc thoại. Tiếp theo, các bà phải biết bày tỏ ý kiến và cảm xúc của mình nhưng đừng tranh thủ lúc ăn cơm, hay lúc chồng đang xem bóng đá, mà hãy biết chờ thời điểm thích hợp.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, thành viên một CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc Q.Gò Vấp, chia sẻ kinh nghiệm: “Giận chồng đến mức... không nói ra được. Tôi tự phát chứng độc thoại, kết quả là bị nhức đầu đến mất ngủ. Tôi đã cứu mình bằng cách khi gặp chuyện không vui là pha cho mình một cốc nước chanh, ngồi nhấm nháp để nhắc mình bình tĩnh. Sau đó, để tránh độc thoại, tôi làm một việc nào đó mà mình yêu thích, như xem lại album ảnh của các con. Khi nào cảm thấy tâm trạng thật “ổn định, vững chắc”, tôi mới nói chuyện với chồng. Dần dần, gia đình tôi có thói quen “phê bình và tự phê bình”, mọi thành viên đều dễ dàng đối thoại với nhau trong sự tôn trọng. Không ai cảm thấy bị tổn thương khi được nói, được nghe bằng tình cảm yêu thương của những người chung một mái nhà”.

 

Theo Phunuonline

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm