"Hoạn Thư" áo trắng

Tình yêu tuổi học trò vốn trong sáng nay đang bị những cơn ghen làm vấy bẩn. Phải làm sao để đưa các em cùng những rung động đầu đời về đúng chỗ của mình?

Đang cùng cả nhà xem TV, chị Minh Lý, 42 tuổi ngụ ở đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TPHCM, thảng thốt khi thấy bé Linh, 14 tuổi, con gái chị, chạy về nhà khóc tức tưởi.

 

Người Linh bốc mùi nồng nặc và áo quần đầy vết bẩn. Tóc Linh còn vương những sợi dài loằng ngoằng như ruột gà. Vội đưa con vào nhà tắm, chị xối nước giúp con gội đầu. Gần hai tiếng đồng hồ tắm gội, tóc con chị vẫn còn mùi khó ngửi.

 

"Hoạn Thư" và bom thối

 

Vẫn còn khóc lóc rấm rứt, Linh giãi bày với mẹ: "Con đi học về đến khúc gần công viên, bỗng một người đi xe máy chạy đến, ném bọc gì đó vào người con rồi bỏ chạy. Con chẳng biết hắn là ai nữa. Con sợ quá, mẹ ơi!".

 

Vợ chồng chị Lý nhìn nhau lo lắng. Từ xưa đến nay, gia đình chị vốn rất ôn hòa, chẳng xích mích với ai. Ngay lúc ấy, chuông điện thoại di động của Linh reo vang.

 

Chẳng biết đầu dây nói gì, sắc mặt Linh bỗng tái mét. Cúp máy xuống, Linh hoảng sợ bảo: "Mai con không đi học đâu. Bố mẹ đừng báo công an. Nếu báo, con sẽ lãnh a-xit chứ không phải lòng gà thối như lần này đâu". Chưa dứt lời, Linh đã òa khóc.

 

Vợ chồng chị Lý càng hoang mang hơn. Vừa dỗ dành vừa trấn an con suốt buổi tối, chị Lý mới vỡ lẽ con mình đang bị... đánh ghen.

 

Mọi chuyện bắt đầu từ khi Linh ngồi uống nước mía ngoài cổng trường cùng Ngọc Lâm, một nam sinh khác lớp, Thúy Chi, "bồ ruột" của Lâm, nhìn thấy và tiến đến chửi bới Linh. Nhờ bạn bè và bà chủ quán can ngăn, hôm ấy, Linh về nhà an toàn.

 

Biết Thùy Chi nổi tiếng là "Hoạn Thư", Linh tìm cách lánh mặt Lâm. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao Lâm lại tìm Linh tán tỉnh hoài.

 

Thấy bạn trai cứ tò tò theo Linh trước mặt mình, Chi càng tức tối. Chi photo hàng loạt tờ rơi thả trong lớp, trên ghế đá... với nội dung bêu xấu Linh là kẻ chuyên đi quyến rũ trai.

 

Không chỉ vậy, Chi còn bỏ thư vào hộc bàn Linh và gửi nhiều tin nhắn đe dọa "Nếu còn tiếp tục quyến rũ anh ấy, tao sẽ cho mày thành Chung Vô Diệm".

 

Tuy hoảng sợ nhưng nghĩ chắc Chi không dám làm bừa, Linh đã không kể bố mẹ nghe. Kết quả: cô bé đã bị lãnh bom thối từ "Hoạn Thư" tuổi teen.

 

Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, vợ chồng chị Lý quyết định báo với giám hiệu nhà trường. Anh chị còn đến nhà Thùy Chi để nhờ phụ huynh của "Hoạn Thư nhí" ngăn chặn con mình.

 

Trước mặt cha mẹ và thầy cô, Chi "Hoạn Thư" thú nhận: "Thấy Lâm cứ đi theo Linh, con ngứa mắt nên thuê người làm vậy cho bõ ghét".

 

"Con thuê người ở đâu, ai chỉ con thuê?", mẹ Chi hỏi giọng ngạc nhiên.

 

"Con thuê mấy thanh niên thất nghiệp trọ trong con hẻm gần trường. Con hay vào hẻm ăn vặt nên biết họ", Chi hồn nhiên kể.

 

"Con có biết khủng bố tinh thần người khác là phạm pháp không?", thầy giám thị nghiêm khắc hỏi.

 

"Không, con làm vậy chỉ vì muốn Linh sợ mà rời xa Lâm. Khi ấy, Lâm sẽ quay lại với con. Con không muốn mất Lâm", Chi thành khẩn giải thích.

 

Sau khi giáo dục cho Chi hiểu hành động của cô bé là phạm pháp và có thể bị đưa vào trại giáo dưỡng, nhà trường cấm túc Chi hai tuần. Chi bị hạ hạnh kiểm và phải làm cam kết sẽ không tái phạm.

 

Gia đình Chi đến tận nhà xin lỗi Linh và hứa sẽ để mắt trông chừng con. Tuy nhiên, vợ chồng chị Lý vẫn quyết định chuyển trường cho Linh.

 

"Tôi không muốn sự cố này trở thành nỗi ám ảnh trong suốt những năm học của con bé", chị Lý bức xúc nói.

 

Vì sao teen ghen?

 

Trái với suy nghĩ trước đây, chuyện ghen tuông của tuổi học trò không còn vớ vẩn mà trở nên nghiêm trọng hơn. Để giành người yêu, các em sẵn sàng dọa nạt lẫn hành hung "tình địch".

 

Theo các chuyên viên tâm lý, tuổi thanh thiếu niêu, với nhiều biến đổi tâm sinh lý, nên thay đổi thất thường và không thể đoán trước. Phần lớn các em xem tình cảm trong giai đoạn này như tình yêu đầu đời và rất trân trọng.

 

Mặt khác, những em yêu sớm thường thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm từ gia đình. Khi tìm được một người khác giới có thể chia sẻ, tâm sự, các em cảm thấy gắn bó và nghĩ đó là yêu.

 

Trong suy nghĩ của các em, yêu có nghĩa là đối tượng mà các em thích phải thuộc về mình. Đối tượng phải dành hết thời gian và tình cảm cho mình. Các em không ý thức được rằng yêu còn bao hàm cả nhiều cung bậc tình cảm khác như tha thứ, hy sinh...

 

Do đó, khi phát hiện "bồ" có những cử chỉ thân thiết với người khác, ngay lập tức, các em sẽ nổi cơn ghen. Đôi khi, "bồ" chỉ cho bạn mượn vở, chào hỏi đôi ba câu... cũng đủ để châm ngòi cuộc chiến.

 

Sợ mất người yêu, các em dùng mọi cách để dằn mặt "tình địch". Những "Hoạn Thư" tương đối hiền lành thường khủng bố bằng bom thư, tin nhắn nặc danh, bêu xấu...Những "Hoạn Thư" giang hồ hơn thì thuê người hoặc tự mình hành hung "tình địch" không nương tay.

 

Hậu quả đau lòng từ cơn ghen nông nổi

 

Dù ghen nhẹ hay nặng, nếu không được can thiệp kịp thời, các "Hoạn Thư" áo trắng có thể gây nên những hậu quả đau lòng như câu chuyện dưới đây.

 

Cách đây nhiều tháng, Nguyễn Chiến Thắng, học sinh lớp 11, nhà ở đường Đặng Văn Bỉ, Q. Thủ Đức cặp bồ với Vy, bạn cùng lớp. Trước mặt bạn bè, Thắng luôn muốn chứng tỏ mình là người đàn ông duy nhất của Vy.

 

Một lần, trong giờ ra chơi, thấy Vy cười nói với Vũ, học sinh nam lớp trên, Thắng nổi cơn ghen. Không nói không rằng, Thắng chạy đến, đấm thẳng vào mặt Vũ. Quá bất ngờ trước hành xử của Thắng, Vy tuyên bố chia tay.

 

Thái độ của Vy càng làm Thắng điên tiết. Buổi chiều, khi Vũ và Vy vừa dắt xe ra khỏi cổng trường, Thắng đã gọi thêm một số thanh niên chặn đường, dùng mã tấu để dằn mặt kẻ cướp người yêu.

 

Kết thúc xô xát, Vy bị dụi ngã vào cột điện bất tỉnh. Vũ bị đâm thủng tim và chết trên đường đi cấp cứu. Thắng bị công an bắt giữ để điều tra.

 

Do vết thương nặng, Vy phải nghỉ học và bỏ thi một năm. Thắng bị đưa vào trại cải tạo thanh thiếu niên. Bố mẹ Thắng phải bồi thường cho gia đình Vy 34 triệu đồng và gia đình Vũ 100 triệu đồng.

 

Điều đau lòng là gia đình Thắng rất khó khăn. Bố Thắng mắc bệnh gan. Mẹ bán tạp hóa nuôi cả nhà. Cơn ghen của Thắng đã đẩy gia đình vào cảnh nợ nần. Các em Thắng có nguy cơ nghỉ học.

 

Phụ huynh nên giúp con thế nào?

 

Tuy để lại hậu quả đau lòng nhưng trong hầu hết các trường hợp con đánh ghen hoặc bị đánh ghen, các bậc phụ huynh đều không hay biết. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở, họ đấm ngực kêu trời thì đã muộn.

 

Để giúp con, các bậc cha mẹ không nên chủ quan xem thường những tình cảm của tuổi mới lớn. Hãy dành thời gian chia sẻ, tâm sự để giúp con bạn kịp lúc!

 

Nếu con bạn là nạn nhân, hãy kịp thời đưa con tránh xa mầm mống đe dọa và báo với giám hiệu nhà trường. Nếu nghiêm trọng, bạn có thể báo công an và chuyển trường cho con.

 

Ngược lại, nếu con bạn là "Hoạn Thư", bạn cần chỉ cho con thấy những hậu quả xấu từ hành động của chúng. Đồng thời, luôn theo sát con để ngăn chặn những hành động nông nổi.

 

Nếu trẻ bị kỷ luật hoặc cưỡng chế lao động, thay vì đánh mắng, hãy cảm thông và giúp con hòa nhập với môi trường xung quanh.

 

Quan trọng nhất, bạn nên nhìn nhận đây là giai đoạn con bạn đang học yêu và cần sự hướng dẫn của bạn. Có như vậy, bạn mới đủ cả bao dung lẫn tinh tế để hướng con đi đúng đường.

 

Theo Tiếp thị & Gia đình