Họ dùng từ “say nắng” để nguỵ biện tội lỗi

Người đàn bà lẳng lơ ấy, đã rơi vào cuộc đời người đàn ông tử tế của tôi, tước mất của tôi sự tự tin của người đàn bà hoàn hảo.

 

Họ dùng từ “say nắng” để nguỵ biện tội lỗi - 1

 

Cả “người đàn ông tử tế” của đời tôi, và cô gái ấy đều cho rằng chỉ bởi một phút yếu lòng, chút chếnh choáng qua cơn say nắng mà trở thành cô ả lăng nhăng và gã chồng tệ bạc.

Bước qua “5 năm lần thứ nhất” với 2 đứa con, chẳng phải quá tự kiêu, nhưng tôi dám khẳng  định rằng tôi là một người phụ nữ tương đối hoàn hảo trong vai trò làm vợ, làm mẹ, thậm chí là cả vai trò làm dâu trong một gia đình cổ  hủ tứ đại đồng đường.  

Khi đã sống hết mình phụng sự chồng con, phụng sự gia đình chồng, tôi tin hạnh phúc gia đình sẽ vì sự cố gắng hết mình ấy của tôi. Nhất là khi bên cạnh tôi có người đàn ông hiền lành, tử tế, tôi càng tin tưởng dù có 5 năm lần thứ bao nhiêu đi chăng nữa, thì tình cảm của chúng tôi, sự bền vững của gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ suy chuyển. 

Ấy vậy nhưng, cái sự tự tin của tôi đã trở nên thái quá khi một người đàn bà lẳng lơ rơi vào cuộc đời người đàn ông tử tế của tôi. Cô ấy là một đồng nghiệp lâu năm của chồng tôi. Chúng tôi đã từng coi cô ấy như một người em gái trong gia đình. 

Hằng – tên người con gái ấy – cũng thuộc dạng có nhan sắc,  có học thức. Tôi vốn không coi cô ta là mối nguy hiểm của tôi, dù biết chắc chắn, ở cơ quan, chồng tôi và Hằng là những cộng sự tích cực của nhau.  

Cô ấy không còn quá trẻ để dại khờ, để không nhận ra rằng một cô gái chưa chồng chẳng dại gì mà đâm đầu vào một người đàn ông đã có vợ. Tôi cũng nghĩ, những kẻ có học thức không bao giờ để những  điều tội lỗi làm mù lương tri. 

An toàn trong những khuôn mẫu đạo đức của mình, nên tôi như “chết đứng” khi một ngày được tận mắt chứng kiến chồng tôi và cô gái ấy tình tứ bên nhau. Gã đàn ông tử tế của đời tôi run rẩy đến tội nghiệp khi đứng giữa một bên là vợ, và một bên là cô nhân tình bé nhỏ. Cả hai đều nhanh chóng thú nhận với tôi rằng chỉ bởi những phút “say nắng” khiến họ không làm chủ được mình. 

Gã đàn ông tử tế của tôi biện minh rằng tôi quá hoàn hảo, quá chỉn chu, khiến gã chỉ nhìn thấy ở tôi bóng dáng một “bà mẹ”, một người bảo mẫu tận tâm. Thế nên, trong một phút yếu lòng, gã đã bị "say nắng” bởi sự hồn nhiên, trẻ trung của cô nàng đồng nghiệp. 

Gã bảo, gã đâu yêu cô ta, mà chỉ ở bên cô ta để sống lại với ký ức yêu đương thời tuổi trẻ với người vợ già cỗi. “Những cơn say nắng nhất thời, ai chẳng có. Nó sẽ không bao giờ phá vỡ hạnh phúc gia đình, mà chỉ làm gia tăng hương vị cuộc sống. ” – gã nguỵ biện khi phủ nhận tội lỗi của mình.

Cũng với chiêu bài “say nắng”, ả đàn bà “linh miêu” kia thú nhận với tôi rằng sự vững chãi của một người đàn ông đã có gia đình khiến cô ta bị mê hoặc. Những va chạm trong công việc thường ngày, sự thông cảm sẻ chia trong công việc đã  khiến cô ấy và chồng tôi có những rung cảm ngoài tình đồng nghiệp. 

Cô ta không có ý định phá vỡ gia đình của chúng tôi, nhưng vì những cơn say nắng cứ đến dồn dập, khiến cô ta không làm chủ được bản thân, và có tội với tôi. Tất nhiên, họ nói là việc của họ, đó chẳng qua chỉ là sự nguỵ biện của một gã đàn ông vô trách nhiệm và người đàn bà lăng nhăng. 

Họ đâu còn là những đứa trẻ để cho phép trái tim mình rung động đơn thuần trước người bạn khác giới! 

“Say nắng” đừng dùng một từ quá nhẹ nhàng như vậy để bao che cho những xúc  cảm thân xác tội lỗi. Thà rằng họ cứ nói với nhau là họ yêu nhau đi. Cô ta chứng minh được với tôi là gã đàn ông tử tế của tôi yêu cô ta đi, tôi sẽ tình nguyện làm người rút lui để nhường lại mối tình chân chính cho họ.  

Đừng nói say nắng, để nguỵ biện rằng tội lỗi của mình chỉ là bởi một phút yếu lòng của lý trí.

Theo Nhật Thanh

Pháp luật Việt Nam

 

Họ dùng từ “say nắng” để nguỵ biện tội lỗi - 2