Hết hồn với... vợ làm đẹp đón Tết

(Dân trí) - Nghe tiếng lạch cạch, thấy con Lu vừa gầm gừ vừa quẫy đuôi rối rít tôi vội nhìn nhanh ra cửa: “Chào cô, cô hỏi ai?”. “Cái anh này! Nặng gần chết không xách hộ người ta còn đùa!”. Trời đất ơi! Cô vợ thân yêu của tôi sao ra nông nỗi này?

Mái tóc dài, suôn mượt như mây giờ bị cắt cụt ngủn, nhuộm màu tím như mấy cô diễn viên Hàn Quốc, cặp môi cánh hồng bị xăm đỏ như ăn ớt, còn nữa, đôi mày lá liễu cuốn hút là thế giờ cũng chịu chung số phận, đến con Lu nổi tiếng tinh khôn còn ngờ vực huống hồ là tôi…
 
           


           

“… À, ừ! Em... khác quá!”. Nhìn bộ mặt nghệt của tôi nàng quẳng mạnh giỏ thức ăn xuống sàn: “Anh xem lại mình đi, đàn ông như thế có đáng không, tôi làm đẹp là vì ai?”. Rồi nàng lu loa lên một cách oan ức. Quả thực, nhiều lúc nghĩ cũng thấy tội, vợ con người ta được ăn sung mặc sướng, ba ngày đi spa, bốn ngày đi tắm trắng mà mình thì, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc, hết giờ làm mới tất tưởi chạy ra các quán hàng rong mua thức ăn, mang tiếng là ở thành phố nhưng nào đã biết cái siêu thị đen hay đỏ, nhưng biết làm sao được, đồng lương của cô công nhân với anh bảo vệ quèn như tôi thì rau muống còn không đủ nữa là.

 

Giờ tan sở nhìn mấy cô nhân viên văn phòng ra về trong lòng lại thầm tiếc, tôi thề trong số hàng trăm cô gái kia nhiều người thua vợ tôi xa lắc nếu xét trên bình diện nhan sắc, chẳng qua môi trường làm việc đã cho họ cách ăn diện nên mới sang trọng quý phái ngần ấy thôi, người đẹp vì lụa chứ báu gì, có khi phải nén buồn động viên vợ “ đẹp mà nhờ dao kéo với mĩ phẩm anh chả thiết”, nhưng hỡi ôi! Cái lời động viên đầy sự đãi bôi ấy làm sao mà chống đỡ nổi với cái trào lưu phim ảnh, văn hóa ngoại trong cái kỷ nguyên hội nhập với cái căn bệnh đồng bóng di căn của đàn bà. Vậy là các nàng đua nhau làm đẹp bằng mọi giá, người giàu thì đến nơi sang trọng, người nghèo thì đến nơi xập xệ một chút mà người quá nghèo cũng không sao, có tất, bất kể mĩ phẩm tốt, xấu, nguồn gốc xuất xứ không thành vấn đề miễn sao đáp ứng đủ cho cái nhu cầu đa dạng của thượng đế.

           

Cám cảnh! Ngày nào đọc báo cũng thấy nhan nhản mĩ viện phi pháp, trung tâm làm đẹp chui với những gương mặt biến dạng, thoạt nhìn đã nổi da gà, không biết ngày nào đến lượt nhà mình đây? Tưởng vợ chồng trẻ hờn dỗi tí cho vui, cho cuộc sống thêm phong phú ai dè “chiến tranh lạnh” khá lâu, phải dỗ mãi nàng mới chịu nghe ra, lại mất cả tuần nịnh hót nàng mới chịu về quê ăn Tết, vừa thăm quê vừa cho nàng tận mắt nhìn thấy cái đẹp đích thực, thuần hậu của người dân quê. Nhưng cái thâm ý của thằng tôi đã nhầm, suốt đoạn đường về, các tiệm uốn - ép - sấy - gội người đông như kiến. Các bà các cô ngoại tứ tuần, chân lội ruộng sâu, phèn ăn vàng ươm đến tận đầu gối cũng duỗi tóc thẳng đơ, cắt so le, nhuộm đủ màu trông thật nhức mắt. Nhìn nàng hả hê tôi khẽ thở dài, mình lạc hậu hay lẩm cẩm đây?

 

Đình Dũng