Hành trình "tìm" con nhờ ống nghiệm (1)

Lấy mẫu tinh trùng xong phải nộp ngay cho phòng xét nghiệm trong vòng nửa giờ, nếu trễ hơn là hỏng. Nhưng mãi mấy ngày sau, chồng tôi mới thú nhận là anh “luýnh quýnh quá, làm đổ mất cái lọ rồi”.

Với những người tìm đến dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm, việc tìm kiếm một đứa con là cả hành trình gian khổ. Có đủ mọi trạng thái tình cảm: Khao khát, hy vọng, mong đợi, vui sướng, thất vọng, tuyệt vọng, đau đớn... Sau đây là câu chuyện của một phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm: 
 

Tôi đã bước sang tuổi 40. Tôi thường trốn tránh những ngày lễ thiếu nhi, tết Trung thu, những cuộc họp mặt có dắt theo trẻ con. Ngay cả xem TV tôi cũng không dám mở chương trình thiếu nhi.

 

Chồng tôi đã bước sang tuổi 50, ngày hai buổi thầm lặng đi về, xem chừng mỏi mệt. Căn nhà hầu như không có tiếng người. Thỉnh thoảng em chồng có đưa vợ con sang chơi. Thằng bé 5 tuổi chạy loanh quanh khắp nơi. Khi họ về rồi, sự im lặng như được nhân lên, bầu không khí gần như đặc quánh.

 

Vượt qua nỗi sợ

 

Khoảng 10% các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh. Ở Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng cần trợ giúp sinh sản.

 

Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ gần bằng nhau. Nguyên nhân thường là viêm ống dẫn trứng, buồng trứng, bất thường bộ phận sinh dục... Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.

Tôi đã vài lần đề cập chuyện đi làm thụ tinh trong ống nghiệm với chồng, nhưng anh ậm ừ nên tôi cũng bỏ lửng, rồi bị công việc lôi đi.

 

Cho tới sau một đợt stress nặng, tôi khóc như mưa, quyết liệt đòi làm thì mới vỡ lẽ anh bị một “nỗi sợ rất đàn ông”: Sợ không có tinh trùng. Tôi bảo cứ đi xét nghiệm mới biết, đâu thể căn cứ vào mắt thường, nhưng anh cứ chần chừ.

 

Tôi đã một mình đến Bệnh viện Từ Dũ TP HCM làm hồ sơ. Cầm cái lọ và tờ giấy xét nghiệm về, tôi đặt lên bàn làm việc của anh, nói giọng chắc nịch: “Em đã đăng ký rồi, người ta phải đợi cả năm trời mới được làm, còn em nhờ quen biết mà được cho làm ngay. Nếu mình không làm lúc này, tuổi càng lớn càng khó".

 

Đó là tôi nói xạo với anh, chứ bác sĩ nói phải sắp hàng chờ, còn nếu muốn thu ngắn thời gian chờ đợi thì chọn loại dịch vụ, đóng thêm 3 triệu đồng và làm đơn gửi ban giám đốc bệnh viện, trình bày lý do xin được làm sớm.

 

Thấy anh có vẻ xuôi xuôi, để tăng thêm hiệu quả, tôi nói: “Anh thử giùm em đi, nếu không được cũng đâu có sao”. Thời điểm nộp mẫu tinh trùng cũng nghiệt, được cố định chỉ có hai lần trong ngày và đều trong giờ hành chính. Có thể chọn một trong hai cách: Đến bệnh viện để lấy hoặc lấy ở nhà. Cách nào cũng có cái hay, cái dở. Lấy ở bệnh viện không sợ khâu bảo quản, nhưng mấy cái phòng để dành cho chuyện tế nhị này nhỏ xíu, nằm ngay trong khu vực ồn ào, bên ngoài luôn có người sắp hàng chờ đến lượt.

 

Ông xã tôi chọn ngay cách thứ hai. Tôi dặn anh tỉ mỉ cách lấy để không làm ảnh hưởng tới kết quả như phải rửa tay sạch, không sát trùng lọ đựng và để lại cho anh tờ giấy hướng dẫn một số động tác kỹ thuật bệnh viện phát cho.

 

Quan trọng nhất là khi lấy mẫu xong phải mang ngay tới nộp cho xét nghiệm trong vòng nửa giờ, nếu trễ hơn là hỏng. Mãi mấy ngày sau, tôi hỏi, câu đầu tiên anh nói là “luýnh quýnh quá, anh làm đổ mất cái lọ rồi”. Suýt nữa tôi cáu lên, sau đó anh nói đã trở lại Từ Dũ xin cái lọ khác, lấy mẫu đem nộp lại rồi.

 

Tôi nôn nóng hỏi: “Kết quả đâu?”, anh rụt rè đưa ra một tờ giấy. Nghĩ cũng buồn cười cho cái gọi là tự ái đàn ông, chuyện lớn lao như đầu tư kinh doanh có thể quyết định dễ dàng, nhưng lại không dám đối mặt với một kết quả xét nghiệm.

 

“Anh bị thiếu số lượng tinh trùng và cả chất lượng. Chắc không làm được rồi” - giọng anh nhuốm vẻ thiểu não. Tôi nói chắc như đinh đóng cột là được, vì tôi đã được bác sĩ tư vấn rồi. Vậy là coi như xong bước đầu tiên. Phần anh vậy là tạm xong, trong khi tôi còn phải đối mặt với một quá trình rất dài và gian nan sắp tới.

 

Canh bạc 20 triệu đồng

 

Những ngày sau đó, hầu như mỗi ngày tôi đều phải đến bệnh viện, có ngày hai lần, để làm các xét nghiệm, lấy kết quả, nghe bác sĩ tư vấn, chích thuốc… Chuyện chờ đợi là thường xuyên, vì vậy những người đồng cảnh chúng tôi có rất nhiều dịp để hỏi han chuyện của nhau.

 

Chị Nghĩa, 39 tuổi, một chủ vựa trái cây ở An Giang, đã làm tới lần thứ năm. Hai lần đầu không thành công, lần thứ ba bác sĩ tư vấn nên xin trứng. Tìm mãi mới được một đứa cháu họ đáp ứng đủ điều kiện, đã có chồng và con, tuổi 20-30.

 

Chị nói: “Mình đã giải thích với đứa cháu hết rồi, bác sĩ đã dặn không được gần chồng trong suốt thời gian chích thuốc kích thích buồng trứng, vậy mà tới khi siêu âm phát hiện nó có thai, coi như tiêu mười mấy triệu đồng của mình”.

 

Lần thứ tư, chị chuyển sang Bệnh viện Phụ sản quốc tế để coi có hên hơn không. Vẫn thất bại, và quay lại Bệnh viện Từ Dũ. Chị nhắc đi nhắc lại: “Lần này là lần cuối cùng, được hay không được gì cũng ngưng”. Nhưng rồi chính chị rốt cuộc cũng vẫn làm tiếp tục.

 

Nghe chuyện chị Nghĩa, tôi lại thêm sợ. Nhất là khi chị cho biết ngay chính bác sĩ cũng không thể giải thích được tại sao chị không đậu thai. Trong số khoảng 15 người cùng làm thụ tinh trong ống nghiệm đợt này với tôi, có khá nhiều người đã làm lần thứ hai.

 

“Tiền công” cho bác sĩ chỉ 7-10 triệu đồng, nặng nhất là tiền thuốc. Cứ 3-4 ngày mua một đợt thuốc, mỗi lần 5-6 triệu đồng. Cầm trên tay một cọc tiền đủ xài trong cả năm nhưng chỉ đổi được mấy ống thuốc nhỏ xíu. Tùy theo đáp ứng thuốc có tốt hay không, chi phí là 10-40 triệu đồng.

 

Lúc ngồi chờ khám trong phòng bác sĩ Lan, chị Hòa - một người đã làm lần thứ hai - nói: “Thiệt tình cái này giống như đánh bài, mà đặt một lần tới 15-20 triệu”. Một câu ví von hết sức hình tượng và chính xác. Đã tìm hiểu nhiều về quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như vậy. Cho nên sau khi nghe bác sĩ tư vấn, tôi xin về nhà để suy nghĩ thêm.

 

Có tới trên 60% trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm không thành công mà không hiểu tại sao. Đó là thử thách thứ nhất. Chích thuốc kích thích buồng trứng sẽ có nguy cơ quá kích buồng trứng, có thể dẫn tới chết người. Cứ 100 người thì có hai người bị nặng, tỷ lệ không phải nhỏ. Đó là thử thách thứ hai.

 

Nếu đậu thai thì có nguy cơ thai ngoài tử cung, phải mổ cấp cứu. Nếu đậu nhiều thai lại phải áp dụng kỹ thuật giảm thai, nghe kể là đau đớn lắm. Đối với người lớn tuổi như tôi, nếu có thai rồi phải nằm dưỡng suốt mấy tháng trời trên giường. Đó là tôi chưa lường trước được một tình huống cực kỳ xấu khác mà sau này đã xảy ra với tôi.

 

Nhưng rồi cũng phải đánh liều. Bắt đầu là chích thuốc để kích thích rụng trứng. Các cô y tá dặn mỗi ngày phải đến bệnh viện từ 7h đến 7h30 để chích, nếu trễ coi như phải chích lại từ đầu. Mỗi cô cầm sẵn một ống thuốc, một ống chích. Phòng chích khá nhỏ, chen chúc, người trước vừa xuống khỏi giường là người sau lập tức leo lên. Cô y tá chích liền tay mà vẫn không giải tỏa nhanh được số người chờ đợi.

 

Tôi vốn sợ chích, nhất là chích vào vùng bụng, xung quanh rốn, cho nên phải cắn răng, nhắm chặt mắt. Phải chích hàng chục mũi. Tới mũi thứ ba, thứ tư, vùng chích bắt đầu thâm tím do thuốc tan không kịp, nhìn rất ghê. Sau mỗi đợt chích, chúng tôi còn phải đi thử máu, đo lượng hoóc môn để bác sĩ điều chỉnh thuốc.

 

Những ngày đặc biệt

 

Rồi ngày quan trọng nhất cũng tới. Tôi đến bệnh viện để được chọc hút trứng, ông xã thì lấy tinh trùng. Nghe nói là sẽ đau lắm nên tôi chuẩn bị tinh thần trước. Ráng mà nghiến răng, nhắm mắt, tập trung tâm trí nghĩ đến đứa con yêu dấu sẽ ra đời để vượt qua sự đau đớn này.

 

Nằm nghỉ một ngày ở bệnh viện, nghe đủ thứ chuyện bi hài quanh cái ngày đặc biệt này. Có cặp vợ lấy trứng xong, chồng hồi hộp quá không lấy được tinh trùng. Nguy cơ toi mất vài chục triệu đồng và công sức chuẩn bị cả thể chất lẫn tinh thần. Thế là vợ càu nhàu, hối thúc. Càng hối, càng bí. Có chị đã phải tức tưởi ra về. Lại có trường hợp chồng lấy tinh trùng ở bệnh viện hoài không được, mới "chạy đâu đó” một chút, lấy được đem về nộp. Chẳng những vợ không khen mà còn giận, không thèm nói chuyện. Mấy tháng sau còn tra hỏi chỗ ông đã "chạy" là ở đâu!

 

Hai ngày sau, tới ngày cũng quan trọng không kém: Cấy phôi. Được hẹn có mặt ở bệnh viện từ sáng sớm, ngồi chờ trước phòng cấy phôi, ai nấy đều hồi hộp. Mỗi lần có người được đẩy ra trên băng ca, chị Hoài ở Bến Tre lại hỏi: "Mấy phôi, mấy phôi?". Nghe nhiều thì chúc mừng nhao nhao lên, nghe ít thì nín thinh.

 

Tới phiên tôi được gọi tên vào phòng. Nghe bác sĩ thông báo: "Chị được 11 phôi, cấy năm, trữ lại sáu", tôi mừng vô cùng. Vậy là tinh trùng và trứng đều tốt. Việc đặt phôi tương đối nhẹ nhàng, diễn ra chỉ trong vài phút. Tôi được chuyển qua băng ca và đẩy ra ngoài. Lại đến lượt mình được nhao nhao hỏi "mấy phôi", tôi trả lời "11 phôi" mà lòng cũng có chút tự hào.

 

Những người chuyển phôi được đưa vào nằm trong một căn phòng nhỏ. Ai cũng có người thân theo chăm sóc, chỉ có tôi một mình vì chồng đi công tác, vả lại tôi hơi chủ quan, nghĩ tự lo liệu được. Bác sĩ khuyên chỉ cần nằm nghỉ 4 giờ, sau đó có thể về nhà sinh hoạt bình thường, chỉ tránh làm việc nặng. Khoảng 3 giờ chiều, mọi người ra về. Dù bác sĩ bảo là có thể đi được song chẳng ai dám đi! Để có thể nằm suốt trên băng ca cho tới lúc về nhà, tôi, chị Nghĩa và một chị nữa đã đăng ký xe dịch vụ của bệnh viện. Tôi là người về sau cùng.

 

Người lái xe cho chúng tôi lầm lì suốt buổi, có vẻ quạu nữa. Khi tôi về tới nhà, anh đã phụ khiêng băng ca lên lầu, tận giường để tôi có thể nhích người sang. Ra cửa, anh buông một câu: "Rồi nhé. Chúc chị thành công. Chị cứ vui vẻ, tự nhiên, đừng nghĩ ngợi gì hết là sẽ được".

 

Quá bất ngờ nên tôi nín thinh, tới chừng nghĩ ra mình phải cảm ơn thì anh đã đi rồi. Lâu nay tôi thường không quan tâm lắm tới những lời chúc, nhưng trong trường hợp này, lời nói của người tài xế tốt bụng ấy thật có giá trị, củng cố niềm hi vọng cho tôi biết bao.

 

Trước đó tôi cũng có nghe bác sĩ nói trạng thái tâm lý của người làm thụ tinh trong ống nghiệm rất quan trọng. Những người có tâm trạng thoải mái, vui vẻ thường thành công, còn những người quá lo lắng, kỳ vọng... oái oăm thay lại dễ thất bại. Khổ cái ai làm thụ tinh trong ống nghiệm mà lại không lo lắng, kỳ vọng kia chứ!

 

Bác sĩ dặn chỉ cần nằm 4 giờ, nhưng như tất cả phụ nữ khác, tôi đã nằm luôn 24 giờ trên giường cho chắc ăn. Tự dưng lâm cảnh ăn không ngồi rồi, vì không dám đọc sách, xem tivi nhiều. Bác sĩ hẹn 15 ngày sau sẽ thử máu xem có thai hay không.

 

Những ngày chờ đợi thật dài dằng dặc. Tới khoảng ngày thứ 13, đột nhiên tôi bị ra chút huyết. Gọi điện cho bác sĩ Lan, bác sĩ nói bây giờ cũng đâu làm gì được, cứ nằm dưỡng thôi. Theo lý thuyết, chỉ khoảng mười ngày sau cấy phôi đã có thể dùng que thử để biết có thai hay không. Hiển nhiên tôi rất muốn biết, nhưng lại sợ phải đối mặt với sự thất bại. Chi bằng kéo dài thời gian hi vọng.

 

Sáng hôm sau đi thử máu, bệnh viện hẹn hoặc chiều đến lấy kết quả, hoặc cứ chờ ở nhà, đích thân bác sĩ Lan sẽ điện thoại báo tin. Khoảng 16 giờ, điện thoại reo, giọng bác sĩ Lan rất vui: "Có thai rồi chị ơi!". Chỉ số hoóc môn của tôi rất cao. Vậy là tràn trề hy vọng. Chị Nghĩa lại thất bại. Trong 15 người đợt ấy, chỉ có chừng năm người được.

 

Gắn chặt với chiếc giường

 

Khoảng nửa tháng sau siêu âm, thêm một tin vui: Hai thai. Do lớn tuổi nên tôi được khuyên hạn chế đi lại. Bắt đầu quá trình gắn chặt với chiếc giường. Tôi lại bị nghén nặng, ăn vào ói ra, uống cũng ói, ói tới mật xanh. Bụng tôi không lớn lắm vì hầu như không ăn được, nhưng bác sĩ nói thai phát triển bình thường. Tôi đã lén siêu âm và biết là hai bé trai.

 

Giữa tháng thứ sáu, tự nhiên trong tôi có một nỗi sợ mơ hồ, không thể gọi tên. Tôi đọc nhiều sách thấy nói song thai có nhiều nguy cơ, tuổi lớn cũng nhiều nguy cơ. Không hiểu sao tự nhiên tôi chú ý nhiều tới chi tiết nếu sinh trước 28 tuần thì gọi là sẩy thai, còn sau 28 tuần là sinh non, sẽ khó nuôi được. Chỉ còn 10 ngày nữa là tôi phải đi khám định kỳ, cũng đúng cột mốc 28 tuần. Tôi trông từng ngày cho qua được cột mốc quan trọng này.

 

Tối đó tự nhiên thấy buồn buồn, tôi điện thoại cho Phương, cũng có song thai như tôi, nhưng khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Cô nói: "Chị không biết gì hả? Em bỏ con rồi chị ơi!". Lúc đầu giọng Phương khá bình tĩnh, nhưng được chừng vài ba câu, cô bắt đầu khóc ngất. Cô bị hở cổ tử cung nên không giữ được thai. "Em sinh hai bé gái, một bé mất sau khi sinh khoảng 10 phút, bé kia sống được sáu ngày. Con em dễ thương lắm chị ơi. Bé còn cười với em nữa mà”, Phương vừa nói vừa nấc lên. Gác máy rồi tôi còn bị ám ảnh mãi bởi tiếng khóc của Phương.

 

Tôi đi khám định kỳ khi thai đúng 28 tuần. Tôi thấy bác sĩ Lan thất sắc nhưng ngay lúc đó chưa ý thức được mức độ tệ hại mà tôi đang lâm vào. Bác sĩ Lan bảo tôi phải nhập viện ngay và tôi còn kịp nhìn thấy một cái lắc đầu thật khẽ.

 

Băng ca được đưa vô, các cô y tá tất bật chạy đi làm hồ sơ, một không khí khẩn trương, cấp cứu. Từ giờ phút này tôi phải nằm tuyệt đối trên giường. Tôi không hề biết rằng nếu sinh con vào lúc này thì điều đó hầu như đồng nghĩa với việc mất con. Ít bé sinh non trước 28 tuần sống sót. Càng ngày tôi càng nhận ra tình trạng bi đát của mình.

 

Tôi hỏi tất cả nữ hộ sinh ở khoa tôi nằm có trường hợp nào hở cổ tử cung như tôi mà giữ thai được tới gần sinh không, có cô nói có, có cô nói kiểu lấp lửng "không biết được, cũng tùy từng người".

 

Hỏi rồi tôi lại hỏi nữa, như bà điên. Chừng như tôi muốn hỏi cho tới lúc nào đó nghe được câu khẳng định có thể giữ được em bé thì thôi. Nhưng chẳng ai dám nói điều ấy...

 

Theo Thanh Nhẫn

Tuổi Trẻ

 

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

(Còn nữa)