Hạnh phúc muộn màng

Cả xóm Mới đều khen ông Phốc là người cha dượng tốt nhất từ trước tới nay. Ông yêu cái Minh như con đẻ, dành hết tình yêu thương chăm sóc cho nó.

Mọi người bảo, cô Huyền mẹ cái Minh làm phật ý ông Phốc còn bị ông la mắng. Nhưng đối với cái Minh, ông chưa bao giờ xử tệ. Có bữa ông giận vợ định lôi ra đánh cho một trận, may mà cái Minh kịp lên tiếng: “Ba lại đánh mẹ rồi. Sao ba dữ đòn với mẹ thế? Ba mà đánh mẹ con không thương ba nữa đâu...”. Ngay lập tức, ông Phốc hạ cơn.

 

Cô Huyền đến với ông Phốc trong hoàn cảnh thật trớ trêu. Người chồng trước của cô rất yêu thương cô, chăm nom cho cô từng chân tơ kẽ tóc. Huyền những tưởng được an phận để hưởng hạnh phúc đến cuối đời. Ai dè...

 

Cái Minh vừa tròn năm tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi người chồng hết mực yêu thương của Huyền, cướp trắng cả niềm hạnh phúc bấy lâu nay cô dầy công vun đắp mà có được.

 

Huyền những tưởng không sống nổi sau cú sốc đau đớn đó, cô tự đặt ra lời thề cho bản thân sẽ thủ tiết thờ chồng. Thế nhưng, sự đời không cho người đàn bà đẹp đó nuôi con một mình.

 

Trong một lần đưa con đi cấp cứu, giữa cái sống và cái chết cận kề, thập tử nhất sinh, có một người đàn ông hảo tâm đã ra tay cứu giúp hai mẹ con Huyền, đóng toàn bộ số tiền lớn trả chi phí, lại còn tự nguyện hiến máu cứu mạng con bé Minh.

 

Ông Phốc đi vào cuộc đời hai mẹ con cô Huyền theo một lẽ tự nhiên - người mang ơn phải trả ơn kẻ gia ơn. Cũng kể từ ngày đó, cái Minh như đứa con gái được ông Phốc sinh ra lần thứ hai trên đời.

 

Ở xóm Mới, ông Phốc là một trọc phú. Ông cũng chăn nuôi, gieo trồng, đánh bắt cá tôm như bao người dân lao động ở nơi đây nhưng không phải kiếm sống, mà để vui vẻ thú điền viên.

 

Ông có nguồn sống chính được cung cấp từ những người thân họ hàng đang cư trú và làm việc ở nước ngoài. Chính vì thế nhà ông giàu, có thể nuôi sống nhiều người ăn ở sung túc quanh năm.

 

Cô Huyền về làm vợ ông không phải mó chân đụng tay bất cứ việc gì, ngoài việc vặt trong nhà và ăn ngon mặc đẹp lo chửa đẻ. Cái Minh cũng được sướng theo mẹ, chỉ việc chuyên tu vào học hành, lao động vườn tược nhẹ nhàng giúp ông Phốc.

 

Nó đã gọi ngay ông Phốc là “ba” kể từ ngày được xuất viện. Ông Phốc lấy làm sung sướng lắm, đem khoe chuyện đó cho toàn xóm Mới biết.

 

Hôm ấy chờ mãi không thấy Minh đi học về ăn trưa, cứ đinh ninh con bé bận việc ở trường về muộn nên hai vợ chồng ông Phốc để dành cơm cho con rồi ăn trước. Chưa kịp lùa miếng cơm vào miệng thì cả hai vợ chồng tá hỏa khi nghe tiếng người la thất thanh: “Có người chết đuối! Hình như là cái Minh nhà ông Phốc!”

 

Hai vợ chồng ông Phốc chạy thục mạng ra đầm sen cuối làng thì đã thấy người quây vòng trong vòng ngoài. Ông Phốc vội vàng rẽ đám đông lao vào, xốc nách cái Minh lên thì con bé đã ngừng thở từ bao giờ, mặt mũi, đôi môi tái nhợt.

 

Ông Phốc gầm lên đau đớn, đập đập hai tay xuống đất rồi xoa lia lịa lên khắp toàn thân cái Minh như người mất trí. Có người phải lôi ông Phốc dậy và quát vào mặt ông: “Con ông chết rồi! Chúng tôi đã làm tất cả nhưng nó vẫn không tỉnh lại!”.

 

Thế nhưng ông Phốc vẫn như không nghe, không nhìn thấy gì và không hiểu. Cô Huyền cùng bà con xóm Mới khênh con bé về nhà làm ma. Trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng người lao xao cùng khung cảnh những ngọn nến mập mờ khi tỏ khi nhòa, ông Phốc vẫn vô cảm như người câm người điếc.

 

Việc duy nhất của ông là không cho ai khâm liệm tử thi con bé Minh, cấm mọi người lại gần xác chết của nó rồi rải đầy những cánh sen hồng lên xác cái Minh.

 

Chỉ duy nhất một mình ông được ngồi gần Minh, vuốt ve bộ quần áo còn ướt sũng của nó, cùng nó cười đùa trò chuyện và lẩm bẩm những câu thần chú khó hiểu. Thỉnh thoảng ông Phốc lại rú lên đau đớn, đôi mắt đỏ ngầu như hai hòn than nhìn trân trân vào cái xác vô hồn.

 

Cái xác đó không còn nhảy múa, vui chơi, đọc bài được nữa, nhưng trong cái xác đó vẫn có dòng máu của ông, dòng máu tuy không có công sinh nhưng có công dưỡng. Ba ngày đã trôi qua.

 

Buổi chiều, ông thầy cúng cho giờ đem Minh ra đồng. Ông Phốc vẫn không hề hay biết và vẫn tiếp tục trò chuyện cùng người chết. Đúng lúc đội phu khuân vác quan tài chuẩn bị tiến vào buồng đặt áo quan thì bỗng nhiên ông Phốc ú ớ, thất thanh: “Kìa! Nó dậy rồi kìa! Con tôi tỉnh dậy rồi! Tỉnh dậy chào mọi người đi con!”.

 

Từ trong quan tài cái Minh từ từ ngồi dậy, dụi mắt lia lịa như miên man sau một giấc ngủ dài. Tất cả mọi người có mặt tại đó hoảng hốt chạy như có loạn, nhưng sau khi ngoảnh đầu lại thấy một cái Minh bằng da bằng thịt thật, mặt hoa da phấn, xinh đẹp rạng ngời như mẹ, thì họ dừng lại và thấy cái Minh ngơ ngác hỏi: “Sao con lại nằm ở đây hả ba? Con đang hái hoa sen ở đầm cơ mà...”

 

Ông Phốc mỉm cười nhẹ nhàng vỗ về con bé: “Ừ... Con đang hái hoa sen ở đầm. Nhưng không may trượt ngã xuống đầm sen. Từ nay con đừng hái hoa sen nữa nhé. Để ba hái sen đem về cho con”.

 

Cái Minh khe khẽ ôm cổ ông Phốc ghé sát tai ông: “Ba Phốc ơi con yêu ba lắm...”. Từ đó ông Phốc ở xóm Mới không chỉ nổi tiếng là người cha dượng hết mực thương yêu con riêng của vợ, mà còn danh bất hư truyền về tài nghệ đưa người từ cõi chết trở về.

 

Nhiều người háo chuyện lạ muốn viết chuyện về ông nhưng ông đều nhất định từ chối: “Chuyện của tôi có bí hiểm gì đâu. Chẳng qua tôi biết thần chết không hiểu gì về hai chữ yêu thương nên tranh thủ trò chuyện cùng nó, tiện thể trò chuyện với cái Minh, dặn dò nó phải thế nọ thế kia khi đối diện với thần chết. Tôi không trò chuyện cùng người chết mà chỉ nói chuyện với con tôi trong tâm tưởng mà thôi. Ai ngờ tử thần buông tha con bé. Tôi cũng không tưởng tượng nổi mình làm được điều đó”.

 

Tình yêu thương chân thực đã làm nên tất cả, không ngoại trừ những điều kỳ lạ.

 

Theo Nguyễn Minh Phương    

Hạnh phúc gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm