Hạnh phúc mong manh

Nhiều người nhiễm HIV vẫn khao khát một mái ấm gia đình nhưng việc tìm bạn đời, bước qua lực cản của gia đình và xã hội với họ không hề đơn giản.

Chuyện vợ chồng anh Trấn, chị Hoài là một ví dụ. Khi thông báo với gia đình sẽ lấy Hoài, một bệnh nhân HIV/AIDS mà anh quen lúc đi nhận thuốc ARV miễn phí, anh Trấn bị cha mẹ phản đối quyết liệt.

 

Trong khi gia đình Hoài sung sướng vì con mình tìm được điểm tựa cuộc đời, thì anh Trấn lại đứng trước "tối hậu thư" của cha: "Sắp chết tới nơi mà còn yêu với cưới. Nếu mày cãi lời, cứ theo con đó cuốn gói ra đường, tao từ mày luôn!".

 

Khát khao cuộc sống vợ chồng, Trấn và Hoài tổ chức lễ cưới đơn sơ không có mặt hai gia đình rồi thuê nhà trọ sống chung. Một thời gian ngắn sau, do sức khoẻ và tiền bạc không cho phép, anh dẫn vợ về tạ tội với cha mẹ, cam chịu cảnh sống bị khinh miệt, hắt hủi.

 

Ly chén Hoài vừa ăn uống xong rửa thật sạch, nhưng mẹ chồng cũng giật lấy, đem ngâm, kỳ cọ hoặc vứt luôn. Mẹ bệnh, Hoài mua thuốc, bà nhất định không uống, còn nặng lời: "Cô đầu độc con tôi chưa đủ sao? Cô đến đây chỉ ăn bám và lây bệnh".

 

Vừa đi làm về tới cửa, gặp lúc mẹ mắng nhiếc vợ vì tội... dám đỡ đứa cháu chạy chơi vấp té, anh Trấn chỉ còn biết gạt nước mắt, lủi vào phòng riêng của hai vợ chồng ở hốc cầu thang. Đêm đêm, Hoài rúc vào lòng chồng tức tưởi: "Nếu không vì tình yêu của anh, em không chịu nổi cảnh này đâu".

 

Ngược lại, hiểu và không cấm nhu cầu kết đôi của con, nhưng lại có những bậc cha mẹ mưu cầu cho con cuộc sống vợ chồng bất chấp pháp luật và lương tâm.

 

Khi biết cậu quý tử có quan hệ với cô bạn cùng nhiễm HIV, bà Huỳnh Trang, một thương gia ở quận 7, TP HCM sợ sẽ càng nặng nợ thêm, nên nhờ mai mối tìm dâu dưới quê. Bà dự tính, thay vì thuê người giúp việc chăm sóc con, thì cưới vợ cho nó lợi hơn nhiều. Biết đâu mai này bà còn có cháu nội thủ thỉ, không bị chê cười "phú gia đoản hậu".

 

Cô gái được chọn là Kim Oanh quê Sóc Trăng. Có thai vài tháng, tình cờ một lần đi khám, Oanh suy sụp khi nhận kết quả HIV dương tính. Vừa về đến nhà chồng, Oanh gào lên: "Tại sao các người ác quá, thù hằn gì mà lây bệnh cho tôi và cả con cháu của các người nữa?".

 

Bà Trang hết phủ nhận kết quả xét nghiệm, lại đổ thừa cho con dâu ngoại tình. Quẫn trí, Kim Oanh không bỏ về quê như dự tính ban đầu mà ở lại nhà chồng, suốt ngày nguyền rủa, chửi mắng, hăm doạ. Không chịu nổi, bà Trang nói: "Cũng tại trước đây nhà cô ham tiền, chứ tôi đâu có ép. Tôi tưởng có người vợ đảm đang, con tôi sẽ đỡ bệnh, nào ngờ cô bỏ bê nó".

 

Trong nỗi hối hận, chồng Oanh cũng không thiết uống thuốc, nằm liệt ngày này qua ngày khác như một xác chết.

 

Giúp người nhiễm HIV hoà nhập và phòng vệ

 

Trước yêu cầu kết hôn của người nhiễm HIV, sự cấm đoán hoặc sốt sắng quá mức của cha mẹ đều vô tình phạm luật và thiêu cháy hạnh phúc con mình trong quãng đời ngắn ngủi còn lại.

 

Luật Hôn Nhân và gia đình không cấm người nhiễm HIV/AIDS kết hôn. Trên thực tế, khát vọng sống để yêu, chia sẻ tình cảm lứa đôi của những người này càng gấp gáp, mãnh liệt hơn cả người khoẻ mạnh. Và gia đình cần lưu tâm để có cách xử trí đúng đắn và nhân văn trong từng trường hợp. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, phụ huynh nên giúp con hoà nhập nhưng phải biết phòng vệ cho mình, cho bạn tình của con.

 

Một lần thân mật quá trớn trong quán cà phê, người bạn trai của Hoàng Mai, thợ làm tóc ở quận10, TP HCM "đòi hỏi", Mai từ chối khéo: "Nếu anh muốn thì phải chờ đến đêm tân hôn". Cảnh "lửa gần rơm" cứ liên tục tiếp diễn, Mai quá bối rối, đau khổ nhưng chiều bạn thì... không nỡ.

 

Hiểu tình cảnh khó xử của con, ba Mai đã cho người bạn trai biết tình trạng nhiễm HIV của cô. Anh này biết chuyện không dám gặp lại, khiến Mai vô cùng tuyệt vọng.

 

Hơn một năm sau, Mai dũng cảm nói việc nhiễm bệnh của mình, ngay khi một anh bạn đồng nghiệp tỏ tình. Dù rất sốc nhưng anh này không lung lay ý định kết hôn. Tuy nhiên, anh đã không thuyết phục được gia đình chấp nhận cô con dâu có HIV.

 

Đường cùng, ba mẹ Mai quyết định: "Nếu hai con đã suy nghĩ kỹ và cương quyết thì tổ chức một lễ ra mắt nhỏ và đăng ký kết hôn. Ba mẹ dù nghèo nhưng sẽ sắp xếp cho hai con ở tại nhà mình".

 

Vợ chồng Mai đã tìm hiểu kỹ các kiến thức phòng chống HIV/AIDS, dùng bao cao su để chống lây nhiễm. Sống chan hoà, vui vầy và được "cưng" nhất nhà nên sức khoẻ của Mai tiến triển tốt. Mai còn được chồng khuyến khích làm tuyên truyền viên, để giúp những người đồng cảnh vượt qua nỗi đau.

 

Hầu hết cha mẹ thường cấm cản con mình quen biết, kết hôn với người nhiễm HIV. Thậm chí nhiều người còn chụp mũ "sống truỵ lạc, lang chạ, hư hỏng" đối với những ai không may vướng phải căn bệnh này.

 

Trường hợp kết hợp "hai dấu cộng" thì gia đình dễ chấp nhận hơn là chỉ một trong hai người mắc bệnh. Điều đó đã khiến những cặp tình nhân đâm ra chán nản, dẫn đến quan hệ "trần trụi" để cả hai cùng bệnh như nhau, như là một giải pháp tiêu cực tạo áp lực cho gia đình. Phản ứng mù quáng ấy để lại nỗi đau, gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Theo Phụ Nữ