Hành khúc ngủ riêng của vợ chồng thời “mở”

Lý do tự nguyện "ra riêng” khá đơn giản - họ cần sự yên tĩnh về đêm: không bị kéo chăn bất ngờ, không giật mình vì tiếng con khóc, dễ "hoãn binh" khi không muốn "chuyện ấy", và nhất là không bị nghi kỵ, càu nhàu nếu có nhắn tin, xem bóng đá hay làm việc khuya.

Mới đây, K. (29 tuổi, 1 con) tới BV Tràng An (Hà Nội) khám phụ khoa, với triệu chứng "hạn hán", đau rát dẫn đến sợ hãi mọi lần gần gũi chồng, dù anh ấy có cố gắng bao nhiêu. Nguyên nhân chỉ có 1: vợ chồng K. đã ngủ riêng 3 trong 4 năm chung sống nên rất ít "giao lưu".

 

Chồng K. là giám đốc kỹ thuật một công ty lớn chuyên thiết kế vỏ ôtô, luôn chong đèn trước máy vi tính đến 1 - 2h sáng khiến chị hay mất ngủ, thỉnh thoảng phải sang phòng bên với con, rồi sau định cư hẳn ở phòng này từ khi nghe phong thanh về mối tình của chồng với cô thư ký.

 

Trường hợp khác, đức lang quân 42 tuổi đến chữa bệnh... "tắt điện" khi gần vợ. Sau khi khẳng định "chiến sĩ" của anh khoẻ và thừa khả năng "lâm trận", các bác sĩ cuối cùng tìm ra nguồn gốc của sự cố không mong đợi này là... ngủ riêng!

 

Vợ chồng bệnh nhân này từng có 14 năm "đồng sàng", cho đến một ngày cách đây 3 năm, anh trằn trọc đến gần sáng bởi tiếng ngáy như mèo rên suốt đêm của chị. Sau khi tìm mọi cách trị bệnh xoang, làm đều răng để trị ngáy cho vợ, anh vẫn không tìm lại được giấc ngủ ngon, bởi chị vẫn... không thôi ngáy!

 

Thế là, để bảo vệ sức khoẻ cho chồng, vợ anh lên tiếng xin... ngủ riêng. Hai người chỉ "gặp gỡ" những khi muốn gần nhau (thường do anh đánh tín hiệu và chủ động "tiến quân"). Xong việc, ai về phòng người nấy.

 

Lâu dần anh đâm ra lười biếng bởi muốn "đến" với vợ, phải leo 1 tầng cầu thang, mở đến... 2 cánh cửa!

 

Đêm đêm "hai giường bình yên"

 

Theo chuyên viên tâm lý , khoảng 15 năm trước, đa số các đôi vợ chồng ngủ riêng ở tuổi trung niên. Ở tuổi này, các bà vợ thường khó ngủ, phần do sự cố trào huyết tuổi mãn kinh, những lo lắng vì trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, lo tài chính gia đình..., phần bởi thói quen xấu khi ngủ ngày càng bộc lộ rõ của bạn đời.

 

Những phụ nữ có chồng thường xuyên ngáy to, nghiến răng, co giật chân tay hoặc nghiện thuốc lá nặng ít khi ngủ được hơn 4 giờ/đêm; ban ngày thường thấy bứt rứt, giảm khả năng tập trung. Do mất ngủ dài ngày, một số người vợ còn suy kiệt đến mức mắc các chứng ảo thanh, ảo thị, thậm chí hoang tưởng. Và giải pháp cấp thiếp với họ là tách khỏi chồng ban đêm.

 

Chưa kể một số phụ nữ vì lý do sức khoẻ (đã qua phẫu thuật cắt tử cung hoặc buồng trứng...), không còn khả năng đáp ứng "nhu cầu" của chồng, trốn tránh nằm chung giường với bạn đời.

 

Còn các cặp vợ chồng ngủ riêng thời nay hầu hết họ còn rất trẻ, công việc khá bận, mới có một con. Lý do tự nguyện "ra riêng", dĩ nhiên, không phải là sức khoẻ hay tật xấu của bạn đồng sàng nữa, mà là "sự yên tĩnh về đêm" cho bản thân.

 

Sự yên tĩnh vàng này bao gồm: Không giật mình vì tiếng con khóc, được trốn thay tã, dễ "hoãn binh" khi không muốn "chuyện ấy". Không bị kéo chăn, bị đạp bất ngờ, bị gác suốt đêm, bị ép ra tận mép giường hay trằn trọc cả đêm trong tiếng ngáy hay các loại mùi khó ngửi phả ra từ người bạn đời. Nhất là, không bị nghi kỵ khi muốn tí tách nhắn tin và bị càu nhàu khi chong đèn đọc sách, xem bóng đá, chơi game hay làm việc khuya.

 

Điều đáng ngại là trong nhịp sống gấp gáp, vợ chồng hầu như không có thời gian chung vào ban ngày, số cặp hài lòng với cảnh "một mình một giường" về đêm lại tăng.

 

"Dị sàng", có còn "chung mộng"?

 

Những chiếc giường riêng, tuy vẫn giúp vợ chồng duy trì cuộc sống hôn nhân nhưng lại khiến họ mất sự gắn bó, nhạt dần cảm xúc chăn gối, dễ thành nghi kỵ tình cảm của bạn đời rồi sa vào những cuộc tình vụng trộm.

 

Đó là chưa kể ngủ riêng thường được coi là dấu hiệu chấm dứt quan hệ vợ chồng (trừ trường hợp một trong hai người bị bệnh nghiêm trọng, trong đó có mất ngủ kinh niên), nó sẽ ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ, nhận thức của con cái về tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

 

Theo Vietnamnet