“Hằn” lên nhau
Có người bảo vợ chồng thường hằn những nếp gấp của mình lên nhau. Chỉ cần vài năm “cộng hưởng” là vợ chồng đã hao hao giống nhau: chung một sở thích, một trường cảm xúc, một phản ứng trước bất kỳ hiện tượng nào. Họ đã “lây” nhau mà không hề hay biết.
Vợ luôn chú ý giữ gìn vóc dáng, làn da nên rất “đầu tư” cho ăn uống. Thế nhưng, chồng có sở thích cố hữu là ăn cay (vợ thì sợ ăn cay sẽ nổi mụn). Chẳng lẽ mỗi bữa cơm phải chia làm hai? Sự “lây” ở đây bắt đầu bằng việc sợ bày biện phức tạp, thôi thì vợ gắng ăn cay một chút, còn nhiều cách để cải thiện làn da, đâu cứ phải không ăn cay là có làn da đẹp. Còn nữa, chồng thích ăn những loại cá to (ít xương), vợ lại thích ăn cá nhỏ (nhiều xương). Sau một thời gian dài ăn… thử cá to, vợ đâm nghiện. Riết thành quen, bữa ăn nào cũng phải cá to thì vợ chồng mới gật gù. Sau mới biết, chỉ vì tiếc tiền nên ngày trước vợ quen ăn cá nhỏ.
Sự “lây” là cả một quá trình. Ngày trước, vợ hay thẹn thùng, không dám nói những từ ngữ mạnh bạo. Chồng thì trái ngược, lúc nào cũng chuyện trò thoải mái, nhiều lúc còn suồng sã đến kinh ngạc. Vợ góp ý nhiều nhưng chồng vẫn không thể “gò mình” mà thay đổi được. Trong đời sống vợ chồng, ai có “tần số phát sóng” mạnh sẽ lấn át được nửa kia. Quả nhiên, chỉ sau một thời gian không dài, vợ đã “nhiễm” lối pha trò và những hành động quá tự nhiên của chồng, thậm chí vợ còn được chồng “phán xét”: “Em bây giờ “thô” hơn cả anh nữa!”. Nghiệm lại, chỉ cần giữ ý tứ những lúc cần thiết, còn trong cuộc sống thường nhật, vợ chồng cứ cởi mở và thoải mái với nhau.
Thường thì vợ có xu hướng “lây” từ chồng nhiều hơn vì vợ là phụ nữ, là phái yếu, là một “thế giới mềm” biết nhún nhường và nhẫn nhịn. Vợ biết gạt bỏ cái tôi sang một bên để “tiếp nhận” thêm cái tôi mới của chồng. Nhưng xét kỹ lại, người dễ bị “lây” là người dành tình cảm nhiều hơn cho nửa kia, không kể đó là vợ hay chồng. Vì chỉ có tình yêu và sự cảm thông lớn hơn thì con người mới dễ dàng chịu sự “đồng hóa”. Với họ, đó chắc hẳn không phải là “lây”, là bị “đồng hóa” mà là sự giao hòa tình cảm.
Vợ bị té, ngồi rên hừ hừ. Chồng lấy thuốc bôi lên vết trầy cho vợ, vừa bôi vừa xuýt xoa, hít hà như thể chính mình bị thương. Trước một sự việc khó hiểu, chồng nhíu mày một cái thì y như rằng vợ cũng nhíu mày, nhăn trán. Chưa biết sự thể thế nào, hễ thấy chồng cười thì vợ cười theo, chồng buồn thì mắt vợ cũng rơm rớm. Vợ (chồng) cứ thế “sao chép” hành động, suy nghĩ của nhau một cách tự nhiên và lâu bền.
Vợ chồng sống với nhau càng lâu càng dễ đồng cảm và thấu hiểu cho nhau vì sau nhiều năm sống chung, mỗi người không chỉ sống cuộc đời của mình mà còn sống cuộc đời của người kia. Họ “lây” nhau một cách êm ái, ngọt ngào, không ai cảm thấy bị ép buộc. Đó không chỉ là sự giống nhau một cách ngẫu nhiên, thoáng chốc mà là cả một quá trình “tập yêu”. Thế nên, dù nén ép một chút cá nhân để “lây nhau” nhưng vợ chồng luôn cảm thấy yên ấm và hạnh phúc.
Theo Vũ Hoài
PNO