Hai lần xuất ngoại

(Dân trí) - Dì về làm dâu khi mẹ chú vừa xây xong căn nhà hai tầng to đẹp ở phố mới, ai cũng tấm tắc khen bà giỏi, một thân nuôi ba đứa con lại vẫn có thể xây được cái nhà to.


Hai lần xuất ngoại



Họ cần gì phải biết là bà vay nợ những ai, rồi trao cho chú dì phải có trách nhiệm trả bao nhiêu. Bên cạnh đó đồ cưới, sính lễ dì phải sắm toàn bộ, hệt như là tự đi cưới chồng vậy, rồi thì phải trả nốt phần công thợ giữ lại bảo hành, hoàn thiện sơn nhà và sắm sanh đồ đạc… Tất cả đều “áo gấm đi đêm”.

Mà mẹ chồng thì nay kể lể đất này là của ông cha để lại, mai tiếp tục kể công “tao tích cóp cả đời mới dựng được căn nhà” dì nghe mà cũng nẫu ruột, nhưng thôi, cho mẹ chồng về nhất cũng chẳng chết ai, nhịn một tí, vì bà nói cũng không hoàn toàn sai.

Đất thì bà đã chia rành rẽ từ trước thành hai phần, chú một phần, bà một phần, tất nhiên là chỉ có mình tên chú trong bìa đỏ. Dì thật thà cho rằng đương nhiên vậy, chả ai chia đất cho con dâu cùng đứng tên bao giờ. Thôi thì cứ sẵn đất sẵn nhà, giờ chỉ việc trang bị thêm có thấm vào đâu, thế đã là nhàn nhã sướng hơn ối kẻ. Dì cúc cung tận tụy chẳng nề hà sớm hôm, chiều chuộng mẹ chồng và cả hai bà chị chồng ghê có tiếng.

Năm ấy cơ quan tạo điều kiện cho nhân viên ra nước ngoài làm kinh tế, dì được một xuất. Dù rất xót ruột đứa con mới hơn hai tuổi nhưng vì nợ vẫn còn, nhu cầu lại lắm, cũng coi như là cơ hội đi cho mở mang đầu óc, nên dì bàn với chồng và cả hai thống nhất dì sẽ đi một năm.

Có người “đếm cua trong hang” hộ, khuyên khi về kiếm lấy mảnh đất mà làm của để dành. Còn chú dì thì “chưa đẻ đã đặt tên”, đã tính khi về cũng cố cóp nhóp thêm rồi lên cái tầng ba, kẻo giờ mà đẻ thêm đứa nữa nhà sẽ thành chật. Dù có người thân tình cảnh báo về việc vợ đi xa, chồng ở nhà đổ đốn, nhất là khi có tiền trong tay, thế nên tiền cứ cất vào một chỗ, khi nào về thì vác theo… nhưng dì vẫn tin tưởng chú, luôn đau đáu hi vọng “Gái có công chồng chẳng phụ”. Nên làm được đồng nào là cứ tuồn đều về cho chú còn lên kế hoạch sửa sang cửa nhà.

Có ai ngờ lòng người cũng dễ “thích nghi” đặc biệt là khi sẵn tiền, cái giỏ chẳng có cái hom giữ, thì còn lại được bao nhiêu đâu. Chú cứ quẳng con cho bà nội rồi đi chơi, coi như tự bù đắp cho mình những tháng ngày cô đơn ở nhà trông con cho vợ “bay nhảy”. Rồi chẳng chịu được nên chú phải đi đến nhà thổ để giải quyết nhu cầu.

Hồi đầu chú dì chuyện trò còn mặn mà, sau thì cứ nhạt dần, song dì lại nhủ đàn ông vốn không thích thể hiện tình cảm. Dì cố động viên mình chăm chỉ hơn nữa kiếm tiền về xây dựng tổ ấm.

Vậy mà chỉ sau có một năm, trở về dì thấy mình lạc lõng. Chú như dính bùa ngải của con bé bán hoa, chết dấp ở đó chẳng chịu làm ăn chi, bao người can giải chẳng được. Đã thế luôn nghĩ vợ cũng như mình, thiếu tình cảm thể nào chẳng sa ngã, chả thằng này thì thằng khác.

Dì về chưa được nửa tháng chú đã kiếm chuyện rồi lớn tiếng đuổi dì đi “Cô chẳng có gì, chả là cái thá gì trong nhà này hết”.

Dì đành phải “xuất ngoại” lần hai, lần này là bẽ bàng trở về nhà ngoại, ôm theo đứa con cùng vài bộ quần áo và lời hăm dọa của chú, nếu không biết điều thì đứa con cũng bị chú giành về nốt, vì hiện tại điều kiện của chú đang hơn hẳn và đến giờ phút này dì mới biết mình dại.

TSL