Hai kẻ không thật thà

Cuối cùng Chùng cũng quyết định bỏ lên phố kiếm việc. Chùng không thể sống khổ cực mãi ở cái làng quê này, mà chẳng ma nào nó chịu lấy. Sức trai, lên phố Chùng kết ngay với việc cửu vạn. Công việc nặng nhọc, nhưng mỗi tháng cũng gom góp được vài trăm gửi về quê.

Một ngày, Chùng gặp hên. Sau khi phá căn bếp cho đôi vợ chồng mới cưới, nhóm cửu vạn của Chùng được trả công tới 2 triệu đồng. Đã thế, chàng rể cưới được vợ đẹp hào phóng còn cho thêm hai trăm nghìn.

 

Đêm đó, về nhà mệt rã rời, lão Huân rủ Chùng ra đầu quán tẩm quất đầu ngõ thư giãn. Chùng nói: “Cửu vạn như mình ai lại đi thư giãn”. Lão Huân cười: “Cửu vạn thì không phải là người chắc? Miễn là mình có tiền thì người ta phải phục vụ”. Lưỡng lự một lúc, Chùng cũng gật đầu đi với lão Huân.

 

Hai người vừa bước vào, bà chủ quán đã đon đả: “Hai anh này nhìn quen quen, hôm nay trúng mánh gì phải không?”. Rồi bà gọi to: “Các em đâu?”.

 

Bà vừa nói đến đó, có hai cô gái từ trong đi ra đón hai người. Một cô vừa già vừa xấu hơn cô kia, õng a õng ẹo đón lão Huân, còn cô kia vẫn đứng một chỗ yên lặng. Lão Huân đưa tay với cô gái kia, ra ý tôi thích cô này phục vụ hơn. Chùng vẫn đứng đờ người ra đấy.

 

Bà chủ cười: “Ở quán tôi có lệ, chủ được chọn khách chứ khách không được chọn chủ. Tú Năm, để yên cho Tú Sáu chọn khách trước”. Lúc này, cô gái tên Tú Sáu nói với Chùng: “Anh tẩm quất chứ, thế thì lên tầng”. Chùng đi theo, lão Huân vẫn hậm hực vì phải đi với cô gái kém xinh.

 

Lên bàn nằm cho cô Tú Sáu tẩm quất, Chùng vẫn cứ thắc mắc tại sao cô gái này lại chọn mình, một kẻ xấu trai thấy rõ. Còn lão Huân, những khắc khổ trong cuộc sống vẫn không xóa được hết những nét rất đàn ông của lão. Lão có tướng nhất trong nhóm cửu vạn, đến bà chủ nhà trọ chồng làm thủy thủ, đi biển suốt cũng để mắt đến lão. Thế mà cô gái tẩm quất khá ưa nhìn lại chọn Chùng.

 

Ngập ngừng mãi, Chùng mới dám hỏi cô gái thắc mắc của mình. Cô gái nói: “Đàn ông có chút hình thức cũng dễ lừa lọc, không chung thủy”. Thế rồi, vừa tẩm quất cho Chùng, cô gái cứ thế kể về mình cho Chùng nghe như hai người đã thân quen lâu lắm rồi.

 

Cô tên là Quỳnh, Tú Sáu chỉ là nghệ danh ở quán tẩm quất gội đầu này. Năm 15 tuổi, Quỳnh bị người cha dượng hãm hại nên cô chán đời trốn nhà lên phố. Một mình bơ vơ ở chốn thành thị, Quỳnh bị bán vào phục vụ ở một lầu xanh.

 

Rồi chính ở lầu xanh ấy, Quỳnh gặp một người đàn ông đẹp trai, giàu có nói yêu cô thật lòng, hứa một ngày sẽ chuộc Quỳnh ra khỏi chốn này. Quỳnh cứ tin tưởng và dành hết tình cảm cho hắn. Cho đến khi cô có thai, báo tin cho hắn thì hắn đã cao chạy xa bay, cô chẳng biết đường nào mà lần. Biết Quỳnh mang thai, Tú bà ở quán lầu xanh đuổi Quỳnh. Quỳnh sinh được cô con gái, chẳng có tiền nuôi con, lại đến quán tẩm quất này kiếm sống.

 

Đêm hôm đó, hai người nói chuyện đến tận khuya. Lão Huân đã về từ lâu mà Chùng vẫn còn ở lại. Đến tối, Quỳnh chỉ lấy ở Chùng đủ số tiền để đưa cho bà chủ, còn khoản tiền cho mình cô từ chối. Cô nói: “Hôm nào rảnh anh Chùng qua chỗ mẹ con nhà em chơi”.

 

Thế là từ hôm đó, đi bốc vác về Chùng lại tạt qua chỗ trọ mẹ con nhà Quỳnh. Dần dà, hai người xích lại gần nhau. Chùng chuyển hẳn đến ở với mẹ con Quỳnh. Tự nhiên lại có một gia đình, Chùng càng chăm chỉ hơn. Còn Quỳnh, gặp được người đàn ông chân thật, cô cũng xin nghỉ việc ở quán tẩm quất, gom góp vốn mở một quán gội đầu nhỏ.

 

Chùng dẫn Quỳnh về nhà ra mắt bố mẹ, lúc đầu ông bà cũng tay bắt mặt mừng, vì đứa con trai cuối cùng cũng lấy được vợ. Nhưng vốn cái tính Chùng thật thà, tất cả mọi chuyện về Quỳnh, anh kể sạch sành sanh cho bố mẹ không sót một chi tiết nào. Thế là bố mẹ anh nổi giận đuổi Quỳnh đi.

 

Bà mẹ anh nói: “Mày già rồi, không cưới được vợ thì cũng chẳng sao. Cứ ở thế, cứ sống thế còn hơn rước đĩ về nhà con ơi”. Chùng ôm đồ định bỏ đi theo Quỳnh, thì ông bố anh đòi lao vào tường để chết.

 

Chùng đành nói với Quỳnh: “Em đi đi, em đi khỏi cuộc đời tôi đi. Tôi cũng không yêu thương gì em đâu”.

 

Quỳnh gạt nước mắt bỏ đi. Một tháng sau, ông bố Chùng mất vì đau tim. Ba ngày bố xong, Chùng lại ôm đồ đạc nói với mẹ: “Con lên với Quỳnh đây”. “Ừ, mày đi luôn đi, đừng trở về nhà này nữa”.

 

Chùng lên phố, đến căn nhà nhỏ của Quỳnh thì cửa đóng kín mít, ra hàng gội đầu cũng đã đóng cửa. Một người quen bên cạnh cho anh hay: “Cách đây mấy hôm có người đàn ông nào đi ô tô đến đón mẹ con cô ấy đi rồi. Chắc là về quê”.

 

Chùng lùng theo địa chỉ của Quỳnh, về tận nơi tìm cô nhưng không thấy. Chùng mới biết ở đây chẳng có cô gái nào tên Quỳnh. Chùng lại lên phố tìm đến quán tẩm quất gội đầu, hồi trước anh gặp Quỳnh để hỏi lại địa chỉ của cô.

 

Bà chủ quán đưa tờ giấy ghi địa chỉ của Quỳnh cho Chùng và nói: “Con Quỳnh nói, không được cho anh biết địa chỉ của nó. Nhưng thương anh, tôi cho anh để anh về cho biết mọi việc”.

 

Chùng hỏi đường đến nhà Quỳnh, thì bà bán nước đầu làng cho hay: “Cô Quỳnh à? Cô ấy mới về đấy! Biệt tăm biệt tích mấy năm rồi bất ngờ trở về làng. May mà lão chồng của cô ta chưa kịp đi bước nữa không thì khổ thân”. Chùng nghe bà bán nước nói chết lặng cả người, nhưng vẫn vào tận nơi tìm bằng được Quỳnh để hỏi cho ra chuyện.

 

Chùng đang đứng trước nhà Quỳnh, chưa kịp gọi cửa thì con bé Hồng, con gái Quỳnh chạy lao ra ôm lấy cổ Chùng: “Bố, bố Chùng về rồi. Mẹ ơi, bố Chùng!”.

 

Quỳnh từ trong nhà đi ra, nhìn Chùng rồi nói một hơi: “Em tưởng kiếp này không gặp lại anh nữa. Mọi chuyện giờ anh đã biết rồi. Em chẳng phải là cô gái bán hoa nhưng em lấy phải một lão chồng gia trưởng, vũ phu. Em bỏ lên phố mang theo câu chuyện về cuộc đời mình, để mong tìm được một người đàn ông yêu em thật lòng. Em nghĩ, anh cũng đã bỏ em nên em mới quay về đây”.

 

Theo lời Quỳnh, Chùng bế bé Hồng ra cây đa đầu làng, chờ cô về soạn đồ đạc rồi ba người dắt nhau lên phố. Chùng nắm tay Quỳnh nói rõ: “Từ giờ, chuyện của hai ta sẽ là một. Chúng mình đừng nói dối gì nhau nữa”.

 

Theo Nguyên Phong

Hạnh Phúc Gia Đình