Hai chàng rể

Việt lấy xe máy đưa hai mẹ con đến cổng nhà bố mẹ vợ, đứng chờ bà ngoại bé Ben lạch cạch mở cổng, lễ phép chào bà rồi mới đi.

 
Hai chàng rể - 1


Lần nào cũng vậy, hễ vợ ngỏ ý muốn đưa con đến nhà ông bà ngoại chơi là Việt tự nguyện đưa đi, khi nào vợ con muốn về, gọi điện, Việt lại có mặt ngay để đưa hai mẹ con về. Tuyệt nhiên, anh không ở lại bên đó ăn uống hay cà kê cả ngày bao giờ, trừ phi bên ngoại có giỗ, tết hay kì cuộc nào đó mà nghĩa vụ làm con xét thấy nên phải có mặt.

 

Không phải bố mẹ vợ khó tính, hay xét nét hay phân biệt đối xử con dâu, con rể gì, thậm chí Việt hiểu bố mẹ vợ rất thoải mái, thương con quý cháu, quan niệm dâu-rể một nhà nhưng anh vẫn cho rằng với các cụ “dâu là con, rể là khách” nên ra chiều luôn giữ ý, giữ tứ trong cách cư xử với đằng ngoại.

 

Vợ chồng Việt lấy nhau đã mấy năm nhưng từ ngày cưới, Việt chưa bao giờ ngủ qua đêm lại bên nhà bố mẹ vợ. Có lần, Việt đưa vợ và con đến nhà ngoại ăn giỗ, tối ấy trời giông bão ầm ầm, đường phố ngập lụt, giao thông tắc nghẽn nhưng mặc dù bố mẹ vợ tha thiết bảo cả nhà Việt ở lại ngủ trên tầng ba, căn phòng trống Mai từng ở trước đây nhưng Việt chỉ để vợ con ở lại, còn mình nhất quyết đội mưa gió đi về giữa đêm khuya.

 

Bố mẹ Mai chỉ sinh được hai cô con gái, giờ tuổi đã cao nên nhà có công to việc lớn gì đều phải trông cậy vào các con, đặc biệt là hai cậu con rể. Vốn bản tính thương con thương cháu, lại là những người dễ tính, không câu nệ chuyện phép tắc nên hai ông bà rất thoải mái, coi con rể như con trai vậy, có chút tiền hương hỏa cũng chăm chăm để dành lại cho các con.

 

Biết vậy nhưng Việt vẫn luôn giữ ý, thậm chí là khách sáo trong cách cư xử với bố mẹ vợ, luôn tâm niệm con rể chỉ là khách. Biết tính con rể cả như vậy nên hai ông bà cũng bảo nhau chú ý trong cách cư xử để Việt khỏi băn khoăn.

 

Thi thoảng có đồng quà tấm bánh muốn cho cháu ngoại cũng phải tế nhị đưa cho con gái, tránh công khai trước mặt con rể, kẻo cậu lại tự ái sau lần bé Ben bị ốm, bà ngoại đến nhà thăm, rút ví đưa cho con rể mấy trăm ngàn mua sữa cho cháu, vậy là Việt từ chối đây đẩy, ra chiều có phần tự ái. Thấy vậy, Mai phải thủ thỉ với mẹ để bà hiểu tính con rể luôn giữ ý với đằng ngoại, sợ bị mang tiếng phụ thuộc vào nhà vợ.

 

Việt đã có lần gay gắt với vợ khi cô vô tư kể chuyện tháng này chậm lương đến tiền học của bé Ben cũng chưa có tiền đóng rồi nhận tiền của mẹ cho, khiến Việt cảm thấy bẽ mặt! Đến cái xe máy tay ga của Mai do bố mẹ mua cho, Việt cũng giữ ý không sử dụng bao giờ.

 

Số tiền mấy chục triệu bố mẹ vợ cho hai vợ chồng Mai làm vốn sau khi bán mảnh đất sau nhà nhưng Việt tế nhị để vợ đứng tên và tuyên bố không bao giờ đụng đến số tiền ấy, tiền bố mẹ đẻ cho Mai, cô muốn sử dụng thế nào thì tùy.

 

Khác hẳn với Việt, cậu em rể kết hôn với cô em gái út của Mai lại rất hòa đồng với bên vợ, xem mình đúng là con cái trong nhà. Hầu như lần nào đưa vợ con về bên ngoại chơi, cậu cũng ở lại đó cả ngày, ăn uống, đánh cờ rồi vận quần áo cộc ngồi uống bia, xem bóng đá với bố vợ.

 

Đến nơi, thấy có việc gì cần làm, không cần bố mẹ vợ sai bảo cậu cũng lăn vào làm. Từ việc đóng lại cái đinh treo rèm cửa, sửa chiếc cửa sổ cho đến việc hì hụi cắt tỉa lại mấy chậu cây cảnh. Cậu này cũng chẳng nề hà vào bếp, tự tay chế biến mấy món tủ. Hết bữa, cậu xăng xái bê mâm rồi tiện tay lau luôn mặt bàn ăn.

 

Nếu bố mẹ vợ đi đâu về có quà hay được ai biếu thứ gì tỏ ý cho cháu hay con rể là cậu vui vẻ nhận, thậm chí có lần bố vợ có cái áo mặc chật đưa cậu mặc thử rồi cho luôn, cậu cũng vui vẻ nhận.

 

Lễ phép, tôn trọng bố mẹ vợ, hòa đồng nhưng không có kiểu xuề xòa thế nào cũng xong. Cái gì đáng nói cậu mới nói, cái gì đáng nhận mới nhận, tuyệt nhiên không “được thể” dù bố mẹ vợ luôn có thành ý giúp đỡ vợ chồng cậu. Với anh rể, cậu luôn xem như bề trên, tham khảo ý kiến của anh.

 

Nhà có hai cậu con rể, bố mẹ Mai hiểu thôi thì mỗi đứa một tính, mỗi đứa một quan điểm nên cũng lựa tính từng đứa mà cư xử. Điều quan trọng là cả hai luôn kính trọng và quan tâm đến ông bà. Ngày lễ ngày Tết, những lúc cần, chúng đều có mặt đầy đủ, mỗi khi ông bà trái nắng trở trời nếu không đến được nhưng cũng nhấc điện thoại hỏi thăm. Thế là ông bà vui rồi.

 

Theo TGPN