Giúp bạn quản lý tài chính

(Dân trí) - Đã qua rồi cái thời chồng là trụ cột còn vợ ngửa tay cầm tiền đi chợ, nấu cơm mỗi ngày. Giờ bạn là một phụ nữ năng động trong cuộc sống có tác phong công nghiệp. Hãy chủ động hơn trong vai trò “tay hòm chìa khóa” của gia đình.

1. Mở tài khoản tiết kiệm

 

Không kể đến tài khoản chung của hai vợ chồng, bạn nên trích ra mỗi tháng 10% thu nhập của mình để cho vào tài khoản riêng, đứng tên bạn.

 

Lý giải cho điều này, chuyên gia hoạch định tài chính Susan Strasbaugh hài hước nói: “Hoặc bạn hoặc chồng bạn có thể “thổi bay” tài khoản chung bất cứ lúc nào. Khi đó, tài khoản riêng sẽ đảm bảo cho bạn có đủ tiền trang trải nhiều việc những lúc đau ốm, khó khăn hay khủng hoảng”.

 

Trường hợp bạn ở nhà nội trợ và không có thu nhập hàng tháng, hai vợ chồng vẫn nên rõ ràng, công bằng về số tiền mỗi người được phép chi tiêu mỗi tháng. Bạn đừng quên trích 10% từ “tiêu chuẩn” ấy của mình cho mục đích tiết kiệm.

 

2. Thẻ tín dụng riêng

 

Nên có ít nhất 1 thẻ tín dụng riêng để thường xuyên sử dụng. Điều này sẽ có tác dụng tốt trong trường hợp thẻ tín dụng của chồng bạn chẳng may có vấn đề.

 

3. Mở tài khoản dưỡng già

 

Nghiên cứu cho thấy, số phụ nữ tuổi 65 trở lên sống trong nghèo khó cao gấp đôi số nam giới cùng độ tuổi, cảnh ngộ. Bởi thế, dù độc thân hay có gia đình, bạn vẫn cần mở tài khoản dự phòng cho những lúc về hưu. Có vậy cuộc sống sau này mới được đảm bảo, nhất là trong trường hợp bạn không may nửa đường đứt gánh.

 

Con số trích ra hàng tháng tùy thuộc ở bạn, dao động từ 1-10% thu nhập, phổ biến là 6%.

 

4. Kế hoạch cho những lúc khó khăn

 

Nếu bạn có con nhỏ hoặc đang phụng dưỡng người cao tuổi, hay còn ai đó sống phụ thuộc vào thu nhập của hai vợ chồng, cần có kế hoạch phụ cấp rõ ràng cho những người này nếu không may một trong hai bạn đột ngột qua đời. Cách phòng xa tốt nhất là tham gia mua bảo hiểm.

 

5. Ngăn nắp gọn gàng

 

Trường hợp khẩn cấp, bạn sẽ không phải bới tung đống giấy tờ quan trọng hay vất vả tìm mật khẩu.

 

Mỗi năm một lần, hãy liệt kê toàn bộ tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, các khoản cho vay, đầu tư, bảo hiểm và các số liệu tài chính khác kèm số PIN hay mật mã truy cập, đưa chúng vào một file an toàn trên máy tính hoặc ghi ra giấy cất vào hộp đựng tài liệu quan trọng.

 

Có thể bạn cũng cần đến cả tên luật sư của mình, di chúc và thông tin chi tiết về những tài sản khác.

 

6. Quan hệ với chuyên gia tài chính

 

Nếu sở hữu tài sản lớn, bạn có thể cần đến chuyên gia lập kế hoạch tài chính. Hãy tham dự các buổi nói chuyện về quản lý tài chính, đặt câu hỏi để hiểu và có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình tài chính của mình. Quan trọng hơn cả, đừng ký bất kỳ văn bản tài chính nào nếu bạn không thực sự hiểu về nó.

 

7. Chi tiêu bao nhiêu thì vừa?

 

Mức chi hợp lý tùy thuộc nơi bạn sống nhưng dao động trong khoảng sau:

 

1. Nhà cửa: 35-45% tổng thu nhập hàng tháng

 

2. Ô tô hay phương tiện đi lại: 15-25% tổng thu nhập hàng tháng

 

3. Thức ăn: 10-20% tổng thu nhập hàng tháng

 

4. Phần trả cố định 1 lần mỗi tháng (thẻ tín dụng hay các khoản vay): 10-20%

                               

5. Sắm sửa vật dụng: 8-15% tổng thu nhập hàng tháng

 

6. Y tế (bảo hiểm, thuốc men): 8-15% tổng thu nhập hàng tháng

 

7. Chi tiêu cá nhân: 5-10% tổng thu nhập hàng tháng

 

8. Tiết kiệm/đầu tư: 5-10% tổng thu nhập hàng tháng

 

9. Quần áo: 3-5% tổng thu nhập hàng tháng

 

Huyền Anh

Theo RB