Giữ thể diện cho chồng
Hầu hết cánh đàn ông đều phụ thuộc vào vợ nên nếu đi vắng vài ngày là nhà cửa bề bộn, nền nếp gia đình đảo lộn hết cả. Vậy nhưng khi đến nhà Loan chơi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên…
Những lúc ngồi hàn huyên, tâm sự, mấy chị em chúng tôi thường phàn nàn với nhau về chuyện đi vắng 2 - 3 ngày là nhà cửa bề bộn, quần áo vứt mỗi nơi một chiếc, bát chén ngổn ngang, mấy bố con ăn mì tôm hoặc bánh ngọt thay cơm v.v... Đó là chưa kể tới chuyện chồng đi làm trễ, con thì đi học muộn vì thiếu sự đôn đốc, thúc giục.
Vậy nhưng đến nhà Loan chơi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi Loan làm nghề hướng dẫn viên du lịch luôn phải nay đây mai đó mà nhà cửa vẫn sạch sẽ, ngăn nắp, hai đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh.
Được như vậy chắc chắn là nhờ sự cần cù, chịu khó và bàn tay thu vén khéo léo của anh Thắng - chồng Loan. Chúng tôi hướng về Loan đầy ngưỡng mộ: “Số Loan sướng thế, lấy được người chồng đảm đang, hết lòng vì gia đình, thông cảm với đặc thù công việc của vợ nên tạo điều kiện để vợ yên tâm phấn đấu, theo đuổi niềm đam mê...”.
Những tưởng Loan sẽ rất hạnh phúc trước sự tán thưởng đó, nào ngờ cô chép miệng lạnh lùng: “Sung sướng cái nỗi gì? Cùng là phận đàn bà mà người ta may mắn lấy được người chồng giỏi giang, năng động nên “ngồi mát ăn bát vàng” đằng này số tôi hẩm hiu, cơ cực lấy được lão chồng chẳng có tài cán gì nên phải đứng mũi chịu sào lo toan miếng cơm manh áo cho cả gia đình.
Đàn ông sức dài vai rộng như thế mà có mỗi việc đưa đón con đi học, đi chợ mua đồ về nấu nướng cũng không xong thì còn làm được tích sự gì”. Loan cứ thao thao bất tuyệt chẳng đếm xỉa tới nét mặt ngại ngùng xen lẫn nỗi hụt hẫng, thất vọng của chồng.
Trước thắc mắc của chúng tôi về việc anh Thắng đường đường là một kĩ sư, mức thu nhập ổn định mà sao Loan lại nặng lời cứ như thể anh là kẻ thất nghiệp, ăn bám vợ, Loan thở dài phân trần: “Người ngoài nhìn vào bảo mình có ông chồng là kĩ sư giỏi, là trưởng phòng kế hoạch một công ty lớn thì hái ra tiền nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Thời buổi này nếu chỉ trông chờ vào đồng lương thì có mà đói rã họng ra. Ấy vậy mà “đức lang quân” của tôi lại cao thượng tới mức không bao giờ nhận một đồng “bồi dưỡng”, hối lộ. Nhiều lần người ta mang quà cáp phong bì tới tận nhà để nhờ vả việc trong tầm tay của anh ấy mà anh ấy kiên quyết khước từ. Lúc nào cũng hãnh diện vì mình là một đảng viên gương mẫu, lại còn nêu cao triết lý sống lỗi thời: Danh dự, tình cảm còn quan trọng hơn tiền bạc, của cải gấp bội lần. Vật chất không tạo nên hạnh phúc đích thực…”. Loan ấm ức so sánh với nhà một số đồng nghiệp của chồng rồi kêu ca, than thở về sự khó khăn, thiếu thốn của gia đình mình...
Nhìn nét mặt anh Thắng, tôi hiểu anh phải rất cố gắng mới giữ được sự bình tĩnh nhằm tránh những mâu thuẫn, va chạm vợ chồng để buổi hội ngộ đông đủ hiếm hoi của nhóm bạn thân chúng tôi được vui vẻ, trọn vẹn...
Cuộc nói chuyện trên đường về của chúng tôi chủ yếu xoay quanh chủ đề gia đình Loan. Đều là phận gái, song tất cả chúng tôi đều không đồng tình với cách cư xử thiếu tế nhị nếu không muốn nói là nông nổi của Loan.
Một trong những điều tối kị nhất trong hôn nhân là chỉ trích, coi thường chồng trước mặt người khác bởi đàn ông rất đề cao sĩ diện. Lẽ ra Loan phải tự hào vì có người chồng không chỉ biết kiếm tiền một cách chính đáng bằng năng lực của mình mà còn thầm lặng hi sinh bản thân khi nhận về mình trách nhiệm chăm con để vợ toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp.
Không phải đấng nam nhi nào cũng chấp thuận việc vợ liên tục vắng nhà cho dù vì lí do công việc. Chẳng nói đâu xa, ngay một đồng nghiệp của Loan bị chồng ghen tuông, ích kỉ nên bắt phải lựa chọn: Nếu muốn gia đình yên ấm, vẹn toàn thì phải bỏ nghề, còn nếu tiếp tục làm hướng dẫn viên du lịch thì kí vào đơn li dị...
Đằng này anh Thắng luôn khuyến khích, ủng hộ Loan làm tốt công việc của mình. Vì luôn nỗ lực chăm cho hai con khoẻ mạnh, dành thời gian kèm cặp con học bài nên hết giờ làm việc ở cơ quan bao giờ anh cũng vội vã, tất bật chứ không thong dong như những nam đồng nghiệp khác.
Rất nhiều lần vì từ chối lời mời gọi đi nhậu nhẹt của đồng nghiệp mà anh bị khích bác, trêu chọc là “kém tắm”, “tám vía”, “mặc váy”...vv. Chính Loan bộc bạch cùng chị em tôi điều đó song cô lại không ngọt ngào, động viên chồng mà cứ vạch trần, chê bai những tính cách của anh làm cô chưa hài lòng mà nói chính xác là chưa đáp ứng được những đòi hỏi vô lí xuất phát từ sự ham hố vật chất thái quá của cô.
Với những tình cảm chân thành nhất chúng tôi đã khuyên Loan nên thay đổi cách nghĩ, cách nói năng, cư xử nhằm tránh làm tổn thương người bạn đời và duy trì tổ ấm đang rất nồng nàn, hạnh phúc của mình. Hi vọng Loan hiểu điều đó...
Theo Gia Nguyên
Phụ nữ Việt Nam