Giữ chồng bằng thói chua ngoa

(Dân trí) - Những bà vợ luôn tìm mọi cách để giữ chồng khỏi “đi hoang” kiếm tìm “của lạ”. Dịu dàng có, ân cần có, chăm sóc cũng có, và đanh đá, chua ngoa đôi khi cũng được họ mang ra áp dụng triệt để.

Hồi Phi mới lấy Hương, cả nhà ai cũng tấm tắc khen cô dâu mới ngoan hiền dễ thương. Sống với nhau hơn bảy năm trời chưa một lần hai vợ chồng to tiếng. Vì thế, dù Phi có "thèm phở" mấy lần nhưng vợ chồng cũng tìm cách nói chuyện thẳng thắn với nhau chứ không giận hờn, cãi vã.

 

Phi có cô đồng nghiệp rất thích mình, anh đi đâu cô cũng bám theo, tối nào cũng nhắn tin chúc ngủ ngon. Tuy Phi không có ý gì nhưng Hương biết anh cũng xuôi xuôi nên mới để yên cho cô nàng tác oai tác quái.

 

Cho đến khi Phi có việc đi dự tiệc, anh rủ vợ theo. Hương có việc bận nên đến sau. Lúc đến nơi thấy cô bạn đồng nghiệp của chồng cứ xoắn xuýt bên cạnh, bực mình Hương đến gần ôm hôn chồng.

 

Bị cô đồng nghiệp chồng "xỉa" một câu: "Gớm, tình cảm thế! Già mà còn…", Hương quay phắt lại, tươi cười: "Cảm ơn em ngày ngày chúc vợ chồng chị ngủ ngon. Chị già rồi nên chồng ngày nào cũng phải dỗ ngủ, tình cảm thế này ăn thua gì". Cô đồng nghiệp sượng người quay đi, cũng không thấy nhắn tin nữa.

 

Đanh đá kiểu của Hương là nhẹ nhàng, kiểu "ăn miếng trả miếng" hay "con giun xéo lắm cũng quằn". Đây là kiểu đanh đá thông minh, biết tùy lúc tùy chỗ và không chịu để ai bắt nạt.

 

Rất nhiều cô vợ áp dụng cách này để bảo vệ gia đình, mặt đối mặt với kẻ thứ ba để tỏ rõ ưu thế của mình là người vợ hợp pháp và là người được chồng yêu, dập tắt hy vọng của kẻ địch muốn chen chân vào.

 

Cách này không những hiệu quả, mà còn giúp tâm lý chị em được thoải mái. Có chồng ủng hộ họ càng an tâm hơn về hạnh phúc gia đình.

 

Song không phải ai cũng có đủ lý trí và sự thông minh để đanh đá đúng chỗ, đúng "liều lượng". Nhiều chị em giận quá mất khôn, cứ xông thẳng vào mà đánh tay đôi, lùng sục đối thủ để chửi rủa, cấu xé. Kiểu đanh đá này thường khiến ông chồng ngượng ngùng mà các bà vợ cũng chẳng vui vẻ gì, lại có dịp cho thiên hạ gièm pha.

 

Xóm của Thanh ai cũng biết đến cô, thỉnh thoảng có người còn nhờ cô đi… đánh ghen hộ. Cung chỉ vì máu Hoạn Thư của Thanh cao quá, không lúc nào cô không vật vã khi biết chồng đi với cô nọ, cô kia dù đó là công việc. Thấy số lạ là phải truy đến cùng.

 

Chồng Thanh biết vợ yêu mình quá nên được nước làm tới vì cô chỉ đổ lỗi cho người tình của anh là "quyến rũ chồng bà" chứ không bao giờ dằn vặt anh cả.

 

Lần nào phát hiện hoặc nghe phong thanh, Thanh cũng tìm được cô nàng xấu số kia, làm một trận tơi bời chửi rủa. Tệ hơn mà gặp nàng nào cũng đanh đá là cả hai xông vào đánh nhau, cào xé quần áo trong khi ông chồng lặn mất dạng, tối về nhà xin lỗi ngọt ngào vài câu. Thế là xong.

 

Thái độ của chồng Thanh là hiếm gặp, vì anh ta hay lăng nhăng và ý thức được sức cuốn hút của mình. Còn lại đa số các ông chồng mới ăn vụng lần đầu hoặc có sĩ diện cao nếu bị vợ làm um làm tỏi lên thế, chẳng sớm thì muộn cũng chiến tranh lạnh, hoặc to tiếng cãi nhau với vợ. Vợ mà không khéo léo hoặc để cơn giận che mờ mắt thì chồng có khi còn bỏ đi theo người tình để an ủi cô ta.

 

Không đánh tình địch, không thèm tiếp xúc với người đe dọa hạnh phúc của gia đình, nhiều bà vợ chọn cách dằn vặt và đanh đá với chồng.

 

Phát hiện ra chồng đang ngoại tình, lập tức vợ tra hỏi, gạn chuyện đến khi ra vấn đề. Nhưng ra vấn đề xong cũng không dứt, họ bắt đầu đay nghiến, dày xéo, mặt nặng mày nhẹ với chồng con, và cứ khi nào cãi nhau là họ lôi điệp khúc cũ ra khiến người chồng cảm thấy chán nản mệt mỏi vô cùng.

 

Tiệp chồng Thúy là nạn nhân của cô vợ trái tính trái nết này. Hồi còn yêu nhau thỉnh thoảng Thúy có ghen, nhưng cô không bao giờ làm gì quá đáng và luôn giữ thể diện cho anh trước mặt bạn bè. Lấy nhau về anh mới thấy sự hãi hùng của cái gọi là "giữ thể diện" đó.

 

Mấy lần Tiệp đi cùng đồng nghiệp, có hơi thân mật một chút bị Thúy bắt gặp. Cô vẫn cười nói nhưng về nhà anh mới cảm thấy hãi hùng.

 

Sau ba ngày liên tiếp không nói không rằng, ngày thứ tư Thúy cho chồng nghe một loạt ca khúc "tại sao anh lại như thế…", "anh hết yêu em rồi…" kèm cả "clip" của những kỷ niệm yêu đương giữa hai người mà cô "tua đi tua lại" trong nước mắt. Tiệp chỉ còn nước hết an ủi dỗ dành lại xin lỗi, hết xin lỗi lại quay ra dỗ dành.

 

Đanh đá không phải là xấu, nhưng đanh đá với chồng có lẽ là không nên. Các ông chồng thường không thích bị đè đầu cưỡi cổ hay bị dằn vặt, đay nghiến. Dù họ có sai thì các bà cũng không được xách tai, làm mất thể diện họ trước mặt mọi người.

 

Cũng không nên giận hờn quá đà để chứng tỏ ta đây ghê gớm. Giận vừa phải, hờn vừa phải, dịu dàng ân cần và tha thứ đúng lúc sẽ giữ được chồng quay về với tổ ấm gia đình.

 

Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng Phi có hơi chán vợ nhưng anh chẳng bao giờ bỏ bê gia đình để đến với người khác. Anh yêu cái đanh đá trẻ con của Hương, những lúc Hương ghen trong mắt chồng bao giờ cũng là một biểu hiện của tình yêu.

 

Thanh mệt mỏi sau mỗi lần đi đánh ghen nhưng chẳng biết làm thế nào khác. Những lần như thế, không hiểu chồng cô có nhận ra tình yêu của vợ hay không nhưng anh vẫn mặc kệ, lờ đi thái độ dữ dằn của vợ.

 

Hẳn anh biết rõ rằng nói thì nói thế, mắng thì mắng thế chứ còn lâu Thanh mới dám bỏ đi. Trường hợp này có lẽ, sự im lặng của vợ mới là đáng sợ nhất.

 

Tùng Nhi