Giữ cha cho con

Trước đây, nạn nhân của bạo hành gia đình thường là những người vợ không có khả năng tự lập về kinh tế, sống ở vùng nông thôn lạc hậu… Hiện nay, nhiều phụ nữ thành thị, có trình độ học vấn, tự chủ về kinh tế vẫn chấp nhận bị chồng ngược đãi chỉ vì muốn con còn cha.


Âm thầm chịu đựng



Âm thầm chịu đựng

Bi kịch của gia đình chị Ngọc Liên bắt đầu khi chị được cha mẹ trao quyền thừa kế căn nhà năm tầng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Cha mẹ chị chỉ muốn trao riêng căn nhà cho con gái để nuôi cháu ngoại. Chồng chị Liên lại muốn được đồng đứng tên sở hữu nhà với vợ, nên dùng mọi thủ đoạn khủng bố tinh thần vợ. Một hôm, anh kêu vợ đưa 500 triệu đồng để mở nhà hàng, chị nói không có tiền, anh lập tức chửi rủa nặng nề. Chịu không xiết, chị Liên đành phải hỏi mượn tiền người chị đang ở nước ngoài đưa cho chồng. Mở được nhà hàng rồi, chồng chị Liên ở luôn lại đó cùng cô nhân tình nhưng thỉnh thoảng vẫn về kiếm chuyện với vợ. Chị Liên năm nay mới 30 tuổi, nhưng khi một người bạn thân biết chuyện khuyên chị ly dị rồi làm lại từ đầu, chị rưng rưng nước mắt nói: “Mình chịu đựng vì sợ con nhỏ thiếu cha!”

Bảo Thu, kế toán trưởng một công ty xây dựng lớn ở quận 1, cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình suốt mấy năm nay. Bấy lâu nay, Thu phải thường mượn tiền giúp chồng xoay xở làm ăn. Gần đây, làm ăn thua lỗ, chồng Thu bắt vợ ký tên bán nhà để trả nợ. Chị không đồng ý vì sợ vợ chồng con cái nheo nhóc dắt nhau đi mướn nhà trọ. Chồng chị liền đánh, bóp cổ vợ, dù chị mới xuất viện do mổ bướu cổ cách đó một tuần! Cô bạn khuyên Thu bỏ chồng, chị trả lời: “Ổng hay đánh tui nhưng lại thương con lắm. Hai đứa nhỏ cũng thương ba. Để con cái không hưởng được tình thương của cha là tui có lỗi với hai đứa nhỏ”.

Chịu đựng không là cách giải quyết tốt nhất

Dưới góc độ chuyên môn, thạc sĩ tâm lý học Đoàn Bắc Việt Trân phân tích, tình thương con của người mẹ gần như luôn đi cùng với lòng hy sinh. Suy nghĩ của người mẹ “chịu đựng chồng để con có cha” là biểu hiện của lòng hy sinh ấy. Nhưng giữa con và mẹ có sự gắn kết đặc biệt. Trẻ càng nhỏ thì sự gắn bó và nhạy cảm với mẹ càng lớn. Nếu người mẹ sống trong tâm trạng buồn khổ, căng thẳng, hoặc có vấn đề về sức khoẻ tinh thần thì dù mẹ có cố gắng che giấu, con trẻ vẫn cảm nhận được và cũng trở nên lo âu. Xấu hơn nữa là khi trẻ biết được nguyên nhân làm cho mẹ buồn đau, trong nội tâm của trẻ xuất hiện cảm xúc có lỗi vì không thể giải hoà cha mẹ, bị giằng xé vì không biết đứng về phía cha hay mẹ.

Về phương diện huyết thống, cho dù người cha không sống cùng với con nhưng vẫn có cách chăm sóc con, nếu người cha ấy thật sự thương yêu con mình. Thêm vào đó, quyền và trách nhiệm của cha mẹ cũng được xác định bởi các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, và tốt nhất là nên được mỗi người cha/mẹ thực hiện một cách tự nguyện. “Giữ cha cho con” không phải là giữ lại sự hiện diện thể chất của một người cha trong nhà, vì điều đó không làm người cha yêu thương con hơn, thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của người làm cha, nếu bản thân người cha ấy không tự nguyện nhận lấy phần nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Người vợ cần sáng suốt hành động

Thạc sĩ tâm lý Việt Trân gợi ý hướng giải quyết: khi nhận thấy cách hành xử có biểu hiện bạc đãi, bạo hành của chồng, người phụ nữ đừng từ bỏ quyền của một người vợ được pháp luật bảo vệ. Cách tích cực là thông qua giao tiếp với chồng kết hợp với việc vận động người thân từ hai bên gia đình để nhắc nhở và ngăn chặn hành vi bạo lực của chồng. Kỹ năng thương lượng cũng có thể giúp ích trong trường hợp người chồng còn có ý chí sửa đổi. Còn một khi mọi nỗ lực không đem lại kết quả, người vợ cần sáng suốt hành động và quyết định để tránh tổn thương thêm cho chính mình.

Theo Minh Cúc
SGTT