Giật mình trước một thế hệ măng non

(Dân trí) - Cũng ưỡn ngực, làm mặt lạnh, mặc váy áo “sexy”, đó là hình ảnh của vài cô bé mới chỉ 7, 8 tuổi nhưng đã học cách “diễn” chuyên nghiệp như người mẫu. Bất kỳ ai nhìn những tấm ảnh này cũng đều lo ngại về thế hệ “măng non” đang xấu theo người lớn.

Anh chị chính là “thần tượng”

Người lớn ở đây có thể là bố mẹ, anh chị, những người cùng sống trong gia đình, họ đều có thể gián tiếp hoặc trực tiếp tiêm nhiễm cho trẻ những tật xấu. Ở lứa tuổi vẫn còn non nớt và ngây thơ, hầu hết các em đón nhận tất cả một cách rất tự nhiên, vô thức.

 

Chị Thảo Liên (Tây Hồ, Hà Nội) từng gửi M, cậu con trai 6 tuổi ở nhà chị gái mỗi lần đi công tác xa. M. ở với bác và anh chị lớn lâu dần thành quen, nhiều hôm mẹ đến đón còn khóc không chịu về.

 

Một lần chị đến đón M thì cậu bé nóng nảy quát: “Mẹ cút đi, con *éo muốn về đâu”. Chị giận quá, đánh con, cậu bé vừa khóc vừa nói: “Chị Bảo với anh Quang suốt ngày nói thế mà bác có đánh đâu, sao mẹ lại tát con”.

 

Lo lắng trước những thay đổi của con mình, chị tìm cách gần gũi hơn với M. và gặng hỏi thì phát hiện ra bé đều học theo anh chị họ. Từ điệu bộ, ngôn từ, cái gì M. cũng lôi anh chị ra để làm “mẫu”, coi anh chị như “thần tượng”. Cậu bé thích nghe những bài hát tình yêu, và đòi mẹ dẫn ra hàng truyện tranh tìm mua “Chị em gái”, “Bí mật tuổi hồng”, “Những ngày tháng…”... 

 

“Tất cả đều là những cuốn truyện nói về tình yêu nam nữ tuổi học trò nhưng hình vẽ thì cố ý nhấn vào các chi tiết nhạy cảm trên cơ thể con người, lời thoại cũng không mang nhiều tính giáo dục, thế mà vẫn được bày bán trong khu vực truyện dành cho thiếu nhi”, chị Liên ngạc nhiên khi cầm đọc những quyển truyện mà cậu con trai chọn ở hiệu sách.

 

Hỏi con đọc truyện này ở đâu, cậu bé hào hứng hồn nhiên kể: “Chị Bảo nhiều truyện này lắm, tối nào chị cũng đọc đến khuya. Đọc truyện này thích hơn truyện mẹ mua nhiều”.

 

Không ít bậc phụ huynh vô tâm, coi nhẹ việc theo sát, quan tâm kỹ lưỡng đến con cái mà chỉ nghĩ đơn giản “con đi học đầy đủ, không bị điểm kém là yên tâm rồi”. Họ thường để mặc con tự tiếp cận với những kiến thức không tốt, hoặc bắt chước anh chị, người lớn. Nếu không kịp thời uốn nắn các em, đến khi “măng non” đã “già, đã “cứng” mới giật mình hay trách mắng con thì cũng muộn.

 

Sinh nhật tròn 9 tuổi vừa rồi, bé P.Nhi (P.C.T, Hà Nội) được tặng rất nhiều quần áo đẹp, nhưng vẫn chưa vui vì “mấy bộ này chả sexy gì cả, em thích mặc váy áo giống như của chị Quyên cơ. Mấy bộ chị ấy toàn trốn mẹ mặc đi chơi ý. Chị Quyên chụp ảnh về cho em xem đẹp lắm”.

 

Việc cô bé Nhi thích được mặc quần áo giống chị mình có thể là một biểu hiện bình thường ở lứa tuổi này. Nhưng khi chị của cô bé giấu bố mẹ mặc những bộ đồ không phù hợp, vô tình làm cho em cũng muốn “phải được như chị”, thì chuyện không còn bình thường nữa.

Đừng vội đổ lỗi cho các em

Những ngày qua cộng đồng mạng xôn xao về các tấm hình chụp các em gái chừng 7, 8 tuổi chỉ mặc quần áo lót trong các tư thế “gợi cảm” được cho là học theo của một “hot girl 9x” giới người mẫu.

 

Các bậc phụ huynh sốc, các bạn trẻ cũng sốc :“Tớ như không tin vào mắt mình, các em ý bé quá, sao lại có thể mặt lạnh và diễn như vậy được. Bạn bè tớ hay chính tớ cũng đã có những kiểu ảnh “tự sướng” hơi nhạy cảm một chút nhưng không đến mức này. Không hiểu người chụp cho các em nghĩ gì nữa?”, bạn Tú H (SN 1993, L.Q.Đ) vô cùng bất bình khi xem hết bộ ảnh.
 
Giật mình trước một thế hệ măng non - 1
Những “mầm non” tương lai cũng đang học theo những cái xấu của người lớn?
 

Nhiều bạn trẻ xem đây là một scandal đầu tiên đóng mác “10x” (từ tạm dùng để chỉ thế hệ các em sinh từ năm 2000, sau 9x) và là một “đòn trả đũa chứng tỏ mình” của đàn em với “dân anh chị”. Phản ứng của đa số các bạn trẻ là bất bình, sốc, tức giận nhưng cũng không ít bạn đã xem xét và bình luận một cách nghiêm túc:

 

“Mới đầu, mình cũng nghĩ là sao các em này hư hỏng thế, mới tí tuổi đầu mà đã bày đặt ưỡn ẹo, show hàng nhưng nghĩ kỹ thì có thể nhận ra chắc chắn là có bàn tay sắp đặt của người lớn”, lời khẳng định của nhóm bạn Khắc Hùng và T.Trang (SN 1992, Y.H).

 

Chất lượng bộ ảnh được đánh giá là không chuyên nghiệp nhưng với các góc chụp, và tư thế, động tác “diễn” của các em thì hiển nhiên là có sự “chỉ đạo”. Đa số các bạn trẻ phán đoán “đạo diễn hình ảnh” của bộ ảnh này chính là anh chị của các em.

 

“Mình nghĩ có thể đây là một trò đùa nghịch của một vài teen 9x. Vì nghĩ các em còn nhỏ nên khi chụp những tấm ảnh này là vô hại, họ post lên ý định chơi trội hoặc cố tình gây sốc với bạn bè. Họ cũng không ý thức được sự ảnh hưởng từ hành động của mình đến các em và cộng đồng” , Q.Chi (SN 1988, H.B.T) nhận xét.

 

Người chụp những tấm ảnh và post lên rõ ràng có mục đích không tốt khi đính kèm những dòng chữ cố ý thu hút chú ý, làm “nóng mắt” người xem như “Xem 10X tự sướng này”, “Bọn 8X, 9X đỡ đi”… 

Khó có thể tưởng tượng được rằng những em bé này có thể chủ động tự chụp ảnh, tự “biên tập” từ hình ảnh cho đến nội dung như thế. Hãy khoan đổ lỗi, nghi ngờ cho các em mà nên thử đặt câu hỏi, có khi nào chính chúng ta đã làm xấu các em không?

Trách nhiệm không chỉ thuộc về cha mẹ

M. Hương (1992, đang là học sinh lớp 11 P.H.C): “Em hư là do lỗi của mình, chứ không chỉ là do bố mẹ không uốn nắn đâu”. Bố mẹ là người suy nghĩ thoáng, gia đình sống theo phong cách Tây nên từ nhỏ Hương cũng được giáo dục theo tư duy “mở”. Hương có cá tính mạnh và sống độc lập, trưởng thành hơn so với nhiều bạn cùng lứa và nghĩ tìm hiểu “chuyện người lớn” là “chuyện bình thường”. Chỉ đến khi cô bạn nhìn thấy cậu em trai 9 tuổi lục lọi tủ quần áo của mình vì “em thích nhìn quần áo chíp của chị” thì Hương mới tá hỏa.

 

Nghĩ em còn nhỏ, nhiều lần Hương cũng thản nhiên thay đồ ngay trước mặt em. Nhiều cuốn tạp chí thời trang có ảnh nhạy cảm hay hình “âu yếm” của người lớn Hương cũng vứt bừa bãi trong phòng mà không ngờ rằng đó chính là nguồn gốc kích thích trí tò mò, gây ra những biểu hiện bất thường của cậu em trai.

 

Nhiều 9x cũng nhận ra rằng: “Trách nhiệm không chỉ là từ bố mẹ hay thầy cô giáo, mà chính là chúng ta, là anh chị, là thế hệ đi trước của các em”. 

Nếu như ngày trước, mọi người hay so sánh thế hệ 8x và 9x, thì nay nó cũng đang xảy ra với thế hệ 9x và thế hệ tiếp nối sau đó. Có cần thiết không khi phải phân chia ranh giới, cố tạo ra sự khác biệt và đặt định nghĩa cho mỗi thế hệ trong khi điều quan trọng là sự nhận thức và phát triển một cách hợp lý lại ít được quan tâm?

Ly Vũ