Giật mình những bé gái “vác ba lô ngược”

Mang thai ở tuổi vị thành niên là chủ đề của ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay. Việt Nam đã và đang "góp một phần" không nhỏ để Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA phải đi đến quyết định lựa chọn chủ đề nóng này.


Đứng đầu Đông Nam Á về trẻ con… phá thai




Đứng đầu Đông Nam Á về trẻ con… phá thai

Theo số liệu của UNFPA, hiện có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Trong số đó có hàng triệu trẻ em gái phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi; phải mang thai và sinh con khi chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.

Đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo thai không an toàn ở trẻ em gái vị thành niên và nữ thanh niên trẻ cao; ước tính năm 2008 số ca nạo thai không an toàn ở vị thành niên trong độ tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca; thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi…

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Còn theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai.

Báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây cho thấy, tỷ lệ phá thai to ở người vị thành niên khá cao, chiếm hơn 10% trong tổng số ca phá thai; các trường hợp phá thai to trên gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên…

Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế - chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Với con số mang thai vị thành niên và nạo hút thai nêu trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

Chìa tay cho bé gái

Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bởi, mang thai ở tuổi vị thành niên làm mất đi tiềm năng ở các em, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất hoặc hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống hay khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo…

Do đó, UNFPA khuyến nghị, cần thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em; thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho vị thành niên.

Một việc cần làm nữa là ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên tròn 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học; ủng hộ việc thực hiện các chương trình mang lại nhiều tác động tích cực trong đó xác định được các đối tượng và xây dựng giá trị của nhóm trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ phải kết hôn sớm và có thai ngoài ý muốn; tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn.

Đây cũng là nơi thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo Xuân Phương
PLVN