Giáo dục giới tính cho con: Cha mẹ đứng ở đâu?
(Dân trí) - “Chuyện tế nhị như thế nói ra sợ cháu xấu hổ. Chính tôi còn ngượng nữa là…”, bác N.K.T (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết khi nói về cậu con trai đang là sinh viên năm nhất đại học.
1. “Lớn lên rồi sẽ biết”!
Đây là câu nói quen thuộc và thường trực của đa số các bậc phụ huynh khi được hỏi gia đình đã hướng dẫn gì về chuyện tình yêu, tình dục cho con họ khi bước vào độ tuổi dậy thì. Bác N.T.H.N (chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội) có hai cô con gái đang tuổi “cặp kê” vừa xén vải cho khách vừa lắc đầu: “Ôi dào,có gì mà phải hướng dẫn. Lớn lên rồi biết tất ấy mà. Ông bà ta xưa có ai hướng dẫn đâu mà vẫn con đàn cháu đống đấy thôi!”.
Không chỉ riêng bác N.T.H.N mà còn rất nhiều bậc cha mẹ có con ở độ tuổi vị thành niên khi được hỏi đều có chung thái độ và câu trả lời như vậy. Nhưng “bao giờ cho đến ngày xưa?”. Cuộc sống lam lũ mưu sinh hằng ngày đã khiến họ vô tình quên mất thiên chức giáo dục con cái của mình.
Không được hướng dẫn, giáo dục, tự tìm hiểu mày mò là con đường “đến với tri thức” của hầu hết các em. Cha mẹ đừng giật mình khi nhìn thấy con cái họ chăm chú vào màn hình tivi mà hai nhân vật chính trong phim là 1 nam và 1 nữ đang ở tình trạng thiên nhiên hết mức có thể. Cũng đừng ngạc nhiên khi chúng thử khả năng “diễn xuất” của mình như hai diễn viên nọ!
Dẫu biết rằng “tự học” là con đường dẫn tới thành công của không ít những bậc trí thức nhưng ở lĩnh vực sức khỏe sinh sản này, việc “tự học” đôi khi mang lại mùa quả đắng?
2. Có lớn mà chưa có khôn!
Theo quy luật tự nhiên, bước vào độ tuổi dậy thì, các em có xu hướng độc lập trong suy nghĩ và hành động, muốn được coi và được đối xử như người lớn. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, các em vẫn là những đứa trẻ vô tư hồn nhiên. Sự khác biệt trong suy nghĩ, sự xa cách trong tâm lí cùng vô số mối quan tâm thường nhật vô hình chung đã làm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.
“Cứ đi học về là cháu ngồi lì trong phòng, chốt cửa lại bảo phải học bài, không muốn ai làm phiền. Nhiều lúc muốn tâm sự với con mà khó quá”, chị Đ.N.H (Thanh Xuân - Hà Nội) thở dài khi nói về cô con gái 16 tuổi của mình. Cũng có gia đình ý thức được là phải giáo dục cho con nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu và phải làm như thế nào. “Chuyện tế nhị như thế nói ra sợ cháu xấu hổ. Chính tôi còn ngượng nữa là…”, bác N.K.T (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết khi nói về cậu con trai đang là sinh viên năm nhất đại học.
Các em thì phân trần “Chẳng lẽ tự nhiên lại hỏi bố mẹ “chuyện ấy”, nhỡ bố mẹ lại nghĩ này nọ, sợ mình hư hỏng rồi cấm đoán linh tinh…”
Lại có những gia đình phó mặc trách nhiệm cung cấp tri thức sức khỏe sinh sản cho nhà trường và xã hội. Như bác V.H.G (Gia Lâm - Hà Nội) là một ví dụ “Chúng tôi bận trăm công nghìn việc làm sao có thời gian mà quan tâm đến mấy chuyện ấy. Các cháu đóng tiền đi học, nhà trường phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và dạy cho các cháu cách phòng tránh chứ!”.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn xã hội phát triển lành mạnh thì từng gia đình phải lành mạnh. Mà “nền tảng giáo dục của gia đình có vai trò quyết định đến việc hình thành nhân cách và lối sống của con trẻ”, TS Nguyễn Thị Nhường - Học viện Báo chí và tuyên truyền nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Thiết nghĩ, cha mẹ hơn ai hết phải là người chủ động, tích cực tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản và có trách nhiệm giáo dục cho con cái những tri thức cần thiết ngay từ thuở nhỏ, tạo tâm lí vững vàng cho các em!
3. Tạm kết
Thiếu thông tin, thiếu hiểu biết sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Tự học, tự mày mò tìm hiểu rồi làm theo đầy kích động đã và đang là nguy cơ với giới trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM thì hiện nay ở Việt Nam, hằng năm có đến 70.000 ca nạo phá thai trẻ vị thành niên. Thế nên, cần lắm sự chung tay giữa phụ huynh - nhà trường và xã hội trong việc định hướng cho vị thành niên những kiến thức xung quanh vấn đề tính dục, tình dục, tránh những hậu quả đáng tiếc gây ra từ thiếu hiểu biết mà nếu lưu tâm một chút, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Đỗ Anh Ngọc