Giành quyền nuôi con

(Dân trí) - Có những cuộc ly hôn, khó khăn lớn nhất không phải việc phân chia tiền bạc, tài sản mà vấn đề nan giải lại nằm ở chính những đứa con - “của để dành” vô giá của cả hai vợ chồng.

Yêu con đâu chỉ có mẹ

 

Trước cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, anh Minh chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa án: Bé Bin 2 tuổi sẽ theo mẹ, còn anh nhận quyền thăm nuôi hàng tháng.

 

Nhường lại mái nhà nhỏ cho hai mẹ con, với thu nhập của mình, anh dư sức mua một căn hộ chung cư mới và bắt đầu những tháng ngày “cô đơn lẻ bóng”. Ngày anh dọn đồ, bé Bin cứ bi bô quanh bố. Anh ứa nước mắt khi hôn vào đôi má bầu bĩnh của con dặn dò:

 

Bin ở nhà với mẹ ngoan nhé, thỉng thoảng bố sẽ về thăm con.

 

Bé Bin hồn nhiên vẫy bàn tay nhỏ xinh: “Bye bye bố”. Cu cậu cứ nghĩ bố chỉ đi công tác dăm bữa nửa tháng lại về.

 

Mấy ngày đầu chưa quen, anh Minh nhớ con đến phát điên. Những buổi tối nhàn rỗi, chân tay anh cứ như thừa thãi. Thường thì giờ này hai bố con hết chơi xếp hình lại chơi bóng đá, chơi ô tô, xe lửa… Mong ngóng mãi mới đến cuối tuần để thăm con, nào ngờ hai mẹ con lại hối hả thu xếp về bên ngoại. Đồ chơi, quần áo đẹp anh đành ngậm ngùi gửi lại cô giúp việc trong nhà.

 

Thời gian trôi qua, số lần bố con gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh không bận thì hai mẹ con cũng bận. Đôi ba lần, chịu không nổi, anh Minh phải cáo ốm về sớm, qua nhà trẻ thăm con. Tết sắp đến, dù đã cố gắng đề xuất với mẹ bé Bin để hai bố con đi chơi với nhau một buổi, anh muốn bù đắp những thiếu hụt tình cảm trong suốt thời gian qua cho con, nhưng mẹ bé còn ngần ngại.

 

Anh Minh hiểu, mẹ Bin đang có bạn trai mới. Sự xuất hiện của anh có thể khiến quan hệ của họ không thoải mái, thậm chí rạn nứt. Như vậy, việc thăm nuôi con của anh càng khó khăn gấp bội phần.

 

Suy đi tính lại, anh muốn đổi quyền nuôi con nhưng mẹ bé phản đối quyết liệt.  Không một giây phút nào có thể yên lòng khi anh Minh biết thời gian sắp tới mẹ Bin sẽ đi bước nữa. Nhưng nếu gây sức ép để được nuôi con, không biết anh có phạm luật?

 

Cùng cảnh “hậu ly hôn”, nhưng anh Hiếu lại có một cô công chúa nhỏ. Bé Hoa năm nay đã vào lớp một, hiện sống với mẹ cùng ông bà ngoại.

 

Công việc lái xe chở hàng buộc anh Hiếu thường xuyên ra Bắc vào Nam. Sau mỗi chuyến hàng về, không bao giờ anh quên mua quà cho con. Bù lại, bé Hoa cũng rất yêu bố. Lâu lâu không thấy bố, bé biết bấm di động líu lo chuyện trò. Anh Hiếu thấy ấm lòng và hy vọng con gái mình không phải chịu bất kỳ thiệt thòi nào so với chúng bạn.

 

Nhưng chẳng được bao lâu, đột nhiên chị Hà, mẹ bé Hoa, đổ bệnh. Căn bệnh của vợ cũ khiến anh đêm ngày lo lắng, trằn trọc không yên khi nghĩ về tương lai, hạnh phúc của cô con gái nhỏ.

 

Ông bà ngoại lại già yếu, thu nhập gia đình, rồi tiền học của bé Hoa trông cả vào mấy chục mét vuông nhà trọ. Suy nghĩ nát óc, anh Hiếu quyết định qua thưa chuyện cùng ông bà ngoại và chị Hà về quyết định đổi quyền nuôi con. Thế nhưng, nói chưa hết câu, ông bà ngoại đã giận dữ đuổi anh ra cổng: “Anh chê chúng tôi nghèo, không nuôi được con bé chứ gì?”. Còn chị Hà khóc ngất, mắng anh “nhẫn tâm”, “độc ác”….

 

Anh biết bé Hoa giờ là nguồn vui, nguồn an ủi và chỗ dựa tinh thần duy nhất cho cả nhà, nhưng thấy con thơ thẩn khi mẹ bệnh, ông bà ốm, anh như đứt từng khúc ruột. Tình trạng này kéo dài, anh Hiếu không biết phải làm sao.

 

Nỗi khổ “chia đôi” con

 

Có với nhau hai mặt con, cuộc hôn nhân của anh Hùng và chị Vân đổ vỡ. Đứa con gái 10 tuổi theo bố, còn bé nhỏ mới 4 tuổi ở với mẹ.

 

Vốn làm công nhân, lại lấy chồng ngoại tỉnh nên sau khi đường ai nấy đi, chị Vân đưa con về bên ngoại. Cứ đều đặn tháng một lần, chị khăn gói cùng bé nhỏ đi thăm bé lớn. Gọi là thăm chứ thực ra quãng đường xa xôi vậy, đến vừa kịp thấy mặt con rồi chị lại vội vàng, hớt hải chuẩn bị ra về trước khi trời tối.

 

Khổ thân bé lớn, cứ mỗi lần thấy bóng mẹ và em là bám chân nằng nặc đòi theo. Chị phải viện hết lý do này đến lý do khác, bé mới chịu ở lại cùng bố. Cũng đã đôi lần, chị Vân hối hận về quyết định “chia đôi con”. Nhiều đêm thương con, thao thức không ngủ, chị lại có ý nghĩ đón con về.

 

Ý nghĩ đó càng mạnh mẽ hơn khi khả năng chăm sóc con của anh Hùng ngày một đi xuống. Trước, khi còn làm chung một khu công nghiệp, chị hầu như quán xuyến mọi việc từ bé đến lớn trong gia đình. Chị đảm đang lại khéo léo nên hai cô con gái nhỏ đều thông minh, khoẻ mạnh. Giờ, anh Hùng hễ đi làm thì thôi chứ khi về nhà là chơi miết với bạn bè. Tắm rửa rồi đưa đón bé lớn đi học nhiều khi phải nhờ bà con hàng xóm.

 

Nuốt nước mắt vào lòng, chị nghẹn ngào nói với anh: “Em muốn đón con về cho chúng nó có chị có em”. Chẳng thể ngờ, anh giãy lên như phải lửa: “Cô về đi. Không có cô, bố con tôi vẫn sống tốt”.

 

Từ ngày đưa ra đề xuất ấy, chị Vân bị “cấm vận” luôn cả việc thăm con. Có hôm, chị vượt đường xa trong mưa lạnh buốt đến gặp con mà anh đóng sập cửa ngay trước mặt.

 

Xu hướng muốn nuôi con sau ly hôn có chiều hướng tăng không chỉ với những bà mẹ mà ngay cả những ông bố. Cách tốt nhất khi đã không còn là vợ chồng của nhau nữa là cả hai nên thỏa thuận việc nuôi con, sao cho chúng được hưởng những điều kiện tốt nhất.

 

Trường hợp muốn đổi lại quyền nuôi con nhưng hai bên không tự hỏa thuận được, một trong hai người, bố hoặc mẹ có thể đưa đơn lên tòa án để nguyện vọng chính đáng của mình được xem xét, giải quyết.     

 

Ngọc Anh