Giận và thương

(Dân trí) - Nhớ ngày còn đi học, tên bạn nối khố hiền khô thường bị tôi, vốn không phải đứa tai quái lắm thẳng tay “đàn áp”. Thời gian trôi, tôi đi lấy chồng, nó ráo hoảnh chúc: “Mong cho chồng bà nhẫn nhịn được một phần như tôi”.

 
Giận và thương - 1


Tôi nhe răng cười: “Ngươi mà không vớ được đứa chanh chua gấp hai lần ta thì ta về làm con hầu cho ngươi cả đời”. Lời nguyền ấy chỉ tôi và nó biết, ấy thế mà thành hiện thực.
 

Tôi vốn không có khả năng “trông mặt mà bắt hình dong” song khi đôi tân lang tân nương tiến đến chào rồi đi chỗ khác, chồng tôi đã nhận xét: “Em xem, mặt gẫy, miệng rộng, trán dô… tướng này thì không chỉ chồng bị sỏ mũi đâu mà chưa biết chừng nó dắt cả nhà thằng Hưng đi ý chứ”.  

 

Tôi vểnh tai nghe quan viên hai họ chép miệng: “Khổ thân cái bầu, giữa tháng tám nắng như đổ lửa thế này, phải đi dự đám cưới bố mẹ mình thế kia kể cũng vất thật! Mà nào có gần cho cam, tận Quảng Bình về Hà Nội, đi suốt hai ngày mới rước được mẹ con nó về đây, sung sướng gì”.

 

Một người tiếp lời: “Tôi mà như nó tôi theo không về cho đỡ mệt, mà con này ghê gớm lắm. Bố mẹ thằng Hưng cũng có thích đâu, giận đấy nhưng đành chịu. Cái thằng ngoan hiền nhất xóm, có khi nhất huyện này, thế mà...”

 

Tôi ghé tai hỏi thằng bạn cùng lớp ngồi cạnh: “Thế mấy tháng rồi, sao phải vội vàng thế nhỉ?”. Tên này vờ cau mặt: “Cái bà này ơ tờ dốt, phải kiểm tra trước khi mua chứ, mới bốn tháng rưỡi thôi. Con cá Hưng vừa sộp vừa dễ câu như thế ngu gì bỏ qua”.

 

Vừa lúc đó tôi giật mình nghe tiếng cười hết cỡ của ai đó. Đang lầu bầu “Đồ vô duyên!” thì ngoảnh nhìn thấy vợ chồng Hưng đang tiến vào hôn trường, ra chủ nhân của nụ cười ấy là vợ Hưng.  

 

Tôi rùng mình liên tưởng cảnh không khéo cô dâu hứng chí nhảy lên giằng mic hát “Ngày lấy chồng, em đi qua con đê...” thì hãi quá, nhưng không là mẹ Hưng hắng giọng, đứng lên xin hát tặng đôi bạn trẻ bài: “Quảng Bình quê ta ơi”, không quên nhìn sang đại diện nhà gái nhờ vả: “Các bác khoan khoan hò khoan giúp em với nhá!”.

 

Đến đoạn: “Quảng Bình (Khoan khoan hò khoan) bao mến thương (Khoan khoan hò khoan)...” đã thấy mấy người đứng tuổi cười ngặt nghẽo, không ngại ngùng bàn tán: “Chúng nó thế kia rồi còn khoan khoan, đừng đừng thế nào được nữa!”.

 

Hết bài đó cô còn xung phong hát thêm bài nữa, ai nấy nín thở chờ, cô hát bài “Giận thì giận mà thương thì thương”. Lòng tôi bỗng chùng xuống, khi nhận được thông điệp của hai bài hát mà cô muốn gửi đến các con.

 

Bố Hưng bị ung thư vòm họng, chưa đến hồi nguy kịch song vẫn đang phải nằm điều trị trong bệnh viện, bao nhiêu khoản phải lo, phải tính, giờ đến việc ngoài ý muốn thế này. Lại theo quan niệm của các cụ “Một, ba, sáu, tám kim lâu”, hai đứa bằng tuổi nên năm nay đều “Kim lâu” cưới là không tốt. Vợ Hưng làm cho nhà trẻ tư nhân, lương đủ tiền đổ xăng đi làm, chẳng biết rồi sẽ ra sao. Lại còn đứa con chỉ bốn tháng nữa chào đời. Không giận sao được, nhưng rồi, con cháu nhà mình ai chẳng thương…

 

 TSL