Giận đến mấy, thấy Tết cũng thôi

(Dân trí) - Chị nói không muốn về quê chồng ăn tết, vì sợ sự có mặt của mình khiến có người không vui, lại “dông” cả năm. Vài năm nay tết chị chỉ về thăm như một người khách, cùng lắm là ngủ một tối, chơi một hôm rồi đi.

Chị và mẹ chồng không hợp nhau, cũng vì từ những ngày đầu, bà đã có ác cảm. Bà chửi chị là cái loại chân tay không về nhà chồng, rồi còn liên tục chê bai bố mẹ chị, cũng chỉ vì nghèo. Ngày chị sắp đẻ bà vẫn bắt bò từng bậc cầu thang, lau cho bằng sạch từ nền lẫn tay vịn. Rồi còn nhiều nhiều điều cay đắng, tủi nhục khác nữa… Một thời gian sau chị xin phép đi theo chồng, bà cũng chẳng cần vì lúc bấy hai đứa em anh đang chuẩn bị lấy vợ.

Ai cũng thấy bà đối xử quá ư bất công với con cả, cái thằng gầy nhom gầy nhách, học hành đã chẳng bằng ai, ra đời tự lập với đôi bàn tay trắng, đã thế lại chẳng biết điều lấy đứa nào nhà khá giả một chút, lại vơ cái thể loại “mạt hạng”, vậy là bà ghét.

Với bà chỉ thằng hai, thằng út, lấy được cô vợ giàu mới là đáng quý, bà thiên vị họ ra mặt. Thái độ bất công của bà dành cho vợ chồng chị cứ ngày một ngang nhiên gây bức xúc cho chị, nhưng đó cũng là động lực không nhỏ khiến hai vợ chồng nắm tay bảo ban nhau cố lên.

Có lần đi đám cưới dưới thành phố, bà có ghé qua nhà anh chị, đúng lúc con bé nhà chị lười ăn, phun cháo phì phì, tay gạt phăng cái thìa, chị điên quá tét nó một cái. Bà thẳng tay chỉ mặt chị: “Tao coi như không có thứ con dâu ăn hại như mày”. Chồng chị về bà thuật lại, đoạn nói với cả ông, xúi con trai phải bỏ vợ, bỏ cái loại không được cái nước non gì đấy. May anh cũng độ lượng, thông cảm cho vợ, nói đỡ xin bà bỏ qua cho. Vậy là khoảng cách cứ ngày một lớn.

Ngày mẹ chồng bị tai nạn gẫy chân, phải nằm viện, chị đến trông nom chu đáo, vì hai cô em dâu “bận quá” gửi đỡ bà ít tiền viện phí, hôm nào tiện thì ghé qua sau, cho đến tận hôm bà xuất viện cũng không thấy tăm hơi. Bà chị gái chồng thì leo lẻo “Tôi là gái, lo cho đằng chồng còn chưa hết việc, ôm sao được chuyện nhà này. Ở đây có các mợ rồi đó thôi”.

Sau chuyện ấy bà có vẻ bớt căng thẳng với chị, bớt khắt khe hơn, tuy nhiên họ vẫn rất khách sáo, giữ ý với nhau. Chị cũng cảm thấy không được thoải mái khi về nhà chồng. Anh không muốn làm vợ khó xử nên để tùy ý chị. Tết đến chị lại bàn, con còn nhỏ, về quê đông người, nơi ăn chốn ở không tiện, nên chỉ anh với đứa lớn về thôi, chị với đứa bé trông nhà, đón tết ở đây.

Năm nay gia đình chồng chị có biến, chú út nuôi mộng giàu sang, quyết chí xuất khẩu lao động, nhà chỉ còn vợ con chú ấy. Em trai thứ hai của anh bị vỡ nợ, phải bỏ trốn vào mãi trong Tây Nguyên trồng cà phê. Trong khi đó vợ thì đã kịp nộp đơn ly hôn, không còn bất cứ ràng buộc, gửi lại con cho ông bà nội nó. Kinh tế gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng, thế nên năm nay ông bà hết dám lớn tiếng, ăn nói khiêm nhường hẳn.

Nhớ lại những gì đã từng đối xử với con dâu, tết ông bà không dám bảo cả nhà chị về. Anh cũng ngập ngừng, anh biết tổn thương trong lòng chị không dễ, không sớm mà nguôi ngoai được. Anh xác định sẵn tết này vẫn chỉ có hai bố con về quê một hai ngày rồi đi.

Kề năm mới anh bàn với chị việc sắm tết, chị ậm ừ, rồi khẽ bảo anh: “Năm nay cả nhà về quê nội ăn tết, đồ sẽ lỉnh kỉnh lắm, xem ở quê không có thứ gì thì hẵng sắm ở đây, về đó mua sau…”. Anh cười, nụ cười như một đứa trẻ.

An Miên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm