Giải quyết “hục hặc” tài chính

(Dân trí) - Tranh cãi tiền bạc trong gia đình được ví như cuộc chiến giành quyền lực của uyên ương. Thu xếp ổn thỏa chuyện này sẽ xóa dần những lần cãi cọ vặt vãnh. 3 mách nước sau là nhân tố chiến lược.

1. Đề ra mục tiêu lớn

 

Dù cuộc chiến giữa hai vợ chồng dễ nổ ra quanh vấn đề nên mua ô tô hay lát lại sàn nhà nhưng theo ý kiến chuyên gia, căng thẳng chuyện tiền bạc có thể giải quyết được nhờ đưa ra trước những mục tiêu dài hạn.

 

Nếu chồng/vợ bạn không phải người biết tiết kiệm, hãy hạn chế chi tiêu bằng cách thảo luận trước với nhau về những kế hoạch dài hạn như dành tiền để trả nợ, để đi du lịch hay lo cho con cái sau này.

 

Thay vì nói “anh không thể mua cái iPod đó được” bạn hãy nói “mình nên dành số tiền này cho chuyến du lịch lần trước đã bàn anh ạ”.

 

2. Quản lý ngân sách hàng ngày

 

Quản lý chi tiêu là nguyên nhân chính xảy ra xung đột tài chính giữa hai vợ chồng. Nguyên nhân thường là một trong hai người cứ muốn “dạy” người kia cách giữ tay hòm chìa khóa.

 

Do tính chất nhạy cảm của vấn đề (rất dễ gây cãi vã, chỉ trích và oán giận), hai vợ chồng cần phải thống nhất cách chi tiêu hàng ngày để thỏa mãn cả hai.

 

Có nhiều cách để làm được điều này, ví như “giải pháp 60%”. Trong khi cả hai cùng gánh vác khoản nợ của gia đình, mỗi người vẫn nên được giữ lại một phần thu nhập cho các nhu cầu cá nhân. Đó là cách tốt nhất để giữ được hòa khí.

 

Khi thảo luận kế hoạch chi tiêu, nên chọn đúng thời điểm và nói bằng thái độ bình tĩnh. Cũng cần hiểu rõ suy nghĩ, cảm giác của vợ/chồng mình. Anh/cô ấy có căng thẳng chuyện tiền bạc không hay nghĩ về nó rất thoải mái? Cha mẹ bạn từng thu xếp vấn đề này thế nào?

 

Nên nhớ vấn đề quan trọng nhất: phải đảm bảo cho cả hai có khoản chi tiêu cá nhân, cho mục đích giải trí mà không lo đến chuyện “giải trình” với bạn đời.

 

3. Vai trò của mỗi người

 

Cuộc sống hôn nhân luôn có một số lĩnh vực mà người này “nhỉnh” hơn người kia đôi chút về quyền kiểm soát. Với chuyện tài chính, nhường hẳn một người “cầm trịch” là ý tưởng khá hay. Tất nhiên trong trường hợp cả hai đều thoải mái và biết sống có trách nhiệm.

 

Tuy nhiên dù người nắm trọng trách là ai đi chăng nữa, nắm rõ tình hình tài chính vẫn nên là việc của cả hai vợ chồng. Chí ít mỗi người đều phải biết món tiền nào sắp phải tiêu hay khoản nợ nào đang đến kỳ phải trả.

 

Huyền Trang

Theo MSN