Gia trưởng

Mỗi khi đưa bạn nhậu về, chồng tâng bốc vợ bằng cách giới thiệu những “tài lẻ” của vợ, chẳng hạn vợ tôi nấu ăn tuyệt vời, vợ tôi rất muốn chồng nhậu ở nhà với bạn bè, vừa rẻ tiền, lại vệ sinh, khỏi phải “bo” em út; vợ tôi rất “tội”, vợ tôi số một…

 
Gia trưởng


Vợ biết chồng bị bệnh “gia trưởng” nặng, lúc nào cũng đưa vợ vào thế “đã rồi”, chỉ nói để chữa cháy.

Vợ tức anh ách nhưng trước mặt mọi người đành cười gượng. Trong suốt cuộc nhậu, chồng sai vợ “chạy bàn” giống mấy cô phục vụ, ra lệnh liên tục đến nỗi mấy ông bạn ái ngại, ra hiệu cho vợ cứ “nghỉ ngơi” để mấy ổng tự nhiên.

Một lần, bố mẹ chồng từ quê vào thăm, nửa tháng sống chung với bố mẹ, chồng “lên cơn” gia trưởng càng nặng, khiến bố mẹ già phải ngạc nhiên và bất bình về cách hành xử của con trai mình. 

Trong tất thảy mọi việc, vợ đều thấy bóng dáng gia trưởng của chồng. Ngầm phân chia “lãnh địa”, chồng giành làm những chuyện thuộc về đàn ông, nhưng lại không bao giờ mó tay vào việc nhà khiến vợ chồng chẳng mấy khi cùng “tọa độ” với nhau, việc ai nấy làm, không tránh khỏi buồn tẻ, nhàm chán. Chồng lúc nào cũng thích làm chủ, sai khiến vợ, thể hiện quyền lực của ông chủ gia đình. Chồng là người giỏi sắp xếp công việc, phân công cho mọi thành viên đâu ra đó, “cụ thể” cả trong phòng ngủ, nghĩa là vợ phải mắc màn, trải drap và sắp xếp lại gọn gàng trước khi rời giường. Chồng bảo đó là việc của phụ nữ.

Xem ra, mọi chuyện trong nhà đều là của phụ nữ cả, mà toàn những việc không tên, tuy không nặng nhọc, nhưng lại chiếm rất nhiều thời gian. Vì vậy, vợ thường nói nửa đùa nửa thật là chồng “khéo” sắp xếp. Với chồng, việc kiếm tiền là của đàn ông, đó mới là “việc nặng”, là quan trọng; những việc còn lại, chồng thường “chỉ tay năm ngón”. Vợ vừa buồn, vừa tủi thân, các con cũng bất bình. 

Chồng ơi, hãy gia trưởng sao cho đúng mực, đừng nghĩ khi mình nắm kinh tế là có quyền sai khiến người khác, điều đó chỉ cho thấy chồng chưa vững vàng về cách sống. Tiền bạc và quyền lực đã khiến chồng trở thành kẻ xa lạ trong mắt vợ con. Chồng lúc nào cũng cho là mình luôn biết và luôn đúng, nên rất chủ quan, áp đặt. Cũng là thể hiện quyền lực, nhưng nếu chồng biết vận dụng sự nhẹ nhàng, tế nhị, lòng bao dung, khách quan, sẽ dễ đạt “mục đích” hơn mà vợ con lại không thấy bị áp đặt. Sự tự nguyện bao giờ cũng có giá trị trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Theo PNO