Gia đình trẻ và nguy cơ đổ vỡ

Gia đình truyền thống vốn có nhiều ưu điểm. Ở đó ông bà được sum họp cùng con cháu, thỏa mãn nhu cầu tình cảm rất lớn của người già.

Con cháu cũng có điều kiện chăm sóc ông bà, cha mẹ nên các thế hệ gắn bó với nhau hơn. Trong những gia đình truyền thống, trẻ em được giáo dục tốt hơn. Chúng học được kỹ năng tương tác giữa các giới, các lứa tuổi; học được các kỹ thuật lao động qua cô dì chú bác. Đặc biệt, khi cha mẹ còn trẻ, chưa có kinh nghiệm dạy con, vai trò giáo dục của ông bà rất quan trọng. Khi vợ chồng trẻ mâu thuẫn, có người già cầm cân nảy mực hoặc làm cầu nối thì cũng ít đổ vỡ hơn.

Nhưng, lớp trẻ ngày nay có thích sống “tập thể” như vậy không? Tôi nghĩ, chẳng có mấy người. Mức sống được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ của con người cũng theo đó mà tăng lên và mang màu sắc cá nhân đậm nét hơn. Cho nên, gia đình truyền thống chỉ còn là vẻ đẹp của một thời. Dù ta có luyến tiếc thì nó vẫn phải nhường chỗ cho gia đình hạt nhân, kiểu gia đình tương thích hơn với đời sống hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

Để hình thành kiểu mẫu gia đình truyền thống, ông bà ta phải mất nhiều thế kỷ mới xác lập được tôn ti trật tự, nền nếp gia phong. Trong khi gia đình hạt nhân đang ở thời kỳ trứng nước mới được mấy chục năm, làm sao tránh khỏi chuệch choạc? Cần có thời gian, kinh nghiệm của ít ra vài ba thế hệ nữa mới vượt qua được giai đoạn ấu trĩ.

Gia đình trẻ và nguy cơ đổ vỡ



Có những đôi vợ chồng trẻ vừa thoát khỏi sự quản lý của cha mẹ, hai người một nhà sống quá tự do, buông thả, không ai bảo được ai. Người nào làm theo ý thích người ấy, thế là phát sinh mâu thuẫn. Không ít người trẻ chưa học được kỹ năng quản lý tài chính, chi tiêu vô kế hoạch, chưa hết tháng đã hết tiền, sinh ra cãi cọ, người nọ đổ tại người kia. Nhiều đôi đổ vỡ ngay trong năm đầu của hôn nhân sau khi “thần tượng” hiện ra như họ vốn có, khiến người ta vỡ mộng, nghĩ là đã chọn lựa sai lầm. Thực ra, chẳng bao giờ có hai con người hợp nhau hoàn toàn ngay từ khi bắt đầu chung sống. Sự khác nhau là tất yếu, nó đòi hỏi phải điều chỉnh để thích ứng và chấp nhận nhau chứ không phải cải tạo nhau theo ý muốn của mình.

Tôi cho rằng các đôi vợ chồng trẻ ngày nay nên quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn, đừng quá tập trung vào đời sống vật chất. Thử hỏi người ta lấy nhau để làm gì? Để có người yêu thương, chăm sóc, chia sẻ hay để lập “công ty” cùng nhau làm giàu? Có phải khi chưa kết hôn, tình yêu được nuôi dưỡng bằng những buổi hẹn hò, tay trong tay đi dạo hay ngồi thủ thỉ tâm tình hàng tiếng đồng hồ? Nhưng khi đã được sống chung một nhà, người ta lại không “gặp nhau” nữa. Người này vừa nói, người kia đã gạt đi hoặc mỗi người ôm laptop ngồi một phòng. Bao nhiêu khó chịu, uất ức dồn nén lại đến khi nổ ra thì… đổ vỡ.

Có lẽ cái mà gia đình trẻ cần nhất trong thời hiện đại này là dành thời gian cho nhau, khoảng vài giờ một ngày. Theo tính toán, mỗi tuần trừ ăn và ngủ, ta có trung bình 110 giờ cho mọi hoạt động, vậy khoảng 15 giờ dành cho hạnh phúc có là quá nhiều? Nếu không có khoảng thời gian đó cho nhau, bạn chỉ là hai kẻ độc thân sống chung một nhà, nếu không xung đột thì cũng hững hờ với nhau, tạo tiền đề cho sự chán chường, rạn nứt.

Theo Trịnh Trung Hòa
PNO