Già cậy con

“Trẻ cậy cha, già cậy con” - đúc kết ngắn gọn này của ông bà ta như một cẩm nang ứng xử gia đình. Tuy nhiên, với người già, hai chữ “cậy con” không hẳn hàm ý nhờ vả…

 
Già cậy con - 1


Mưu sinh tuổi già

 

Ông Bùi Công Tiếu, ngụ ở Q.3, TPHCM năm nay 75 tuổi. Vợ chồng ông là giáo viên đã nghỉ hưu. Ông có năm con gái, đều nối nghiệp cha mẹ, một con trai là kỹ sư môi trường. Các con trưởng thành, có thu nhập ổn định, hằng tháng gửi tiền cho ông Tiếu tiêu xài dư dả. Thế nhưng, mặc con ngăn cản, ông Tiếu vẫn duy trì công việc giao báo hằng ngày.

 

3 giờ sáng, ông lụi cụi thức dậy, chất giỏ đựng báo, chạy xe đến các điểm phát hành nhận báo. Sau đó, ông đi giao báo tới 6 giờ sáng. Đến trưa, ông Tiếu đi thu hồi báo cũ ở các sạp và chiều đến các tòa soạn để đặt số báo tới. Công việc này ông làm đều đặn 35 năm nay. Có thời điểm, ông giao đến 10 ngàn tờ báo/tuần. Ông nói: “Chỉ có những người cao tuổi như tui mới hiểu làm việc vui thế nào”.

 

Bà Huỳnh Lệ Phượng, 73 tuổi, có ba người con. Hai con gái của bà đều là chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty kinh doanh thực phẩm. Con trai là tổng giám đốc một công ty bảo hiểm. Các con bà rất hiếu thảo, không muốn mẹ vất vả nên đã hùn nhau mua cho cha mẹ căn hộ tiện nghi ở khu Phú Mỹ Hưng. Thế nhưng, bà Phượng vẫn duy trì quán cà phê nhỏ trước căn nhà cũ ở Q.1. Doanh thu hằng ngày của quán không đủ trả lương người phụ việc. Tối nào cũng nghe mẹ gọi điện than thở, các con bà lại bàn nhau cho thuê căn nhà, để thêm tiền cho mẹ an hưởng tuổi già. Vậy nhưng, khi có tiền thuê nhà trong tay, bà Phượng chỉ nghĩ đến việc kiếm chỗ thành lập một hội quán của người già. Ngày nào cũng thấy mẹ đón xe ôm đi tham quan các mô hình hoạt động của người cao tuổi, rồi thấy mẹ đăm chiêu, bóp trán, trầm tư… các con bà không biết cách nào giữ được mẹ ở nhà nghỉ ngơi.

 

Người già mong gì?

 

Trong xã hội không thiếu những người con hiếu thảo. Cha mẹ họ được quan tâm một cách đầy đủ theo những chuẩn mực chung. Tuy nhiên, đôi khi sự quan tâm của con cái ít nhiều làm người già “khó chịu”. Bà Phượng than thở: “Căn hộ các con mua cho tôi trị giá gần ba tỷ đồng. Hồi ở nhà phố, sáng nào tôi cũng cầm chổi ra quét trước nhà, tán chuyện với hàng xóm. Còn bây giờ, ở chung cư cao cấp nhưng cứ như bị giam lỏng trên cao…”.

 

Ông Tiếu tâm sự: “Thấy tôi thức khuya dậy sớm, các con thỉnh thoảng chất vấn: “Tuổi ba bây giờ còn đi giao báo làm gì?”. Chúng không hiểu công việc không chỉ khiến tôi khỏe như đi tập thể dục mà còn là cách tránh sự nhàm chán. Người già rất sợ cô độc. Mỗi lần giao báo, nói chuyện được với người này người kia, tôi thấy cuộc đời còn nhiều điều vui”.

 

Ông Tiếu cho biết, cô con gái đang du học ở Canada cứ thuyết phục ông ngưng việc giao báo. Ông không giấu sự băn khoăn, bởi muốn con vui thì ông sẽ buồn, còn muốn con không buồn thì mình sẽ kém... vui. Ông nói: “Con cái cần hiểu người cao niên thường có những sự thay đổi do tuổi tác như hay cau có, gắt gỏng, thay đổi tính nết, hay quên, ít ngủ, biếng ăn…

 

Các con đừng cho rằng đó là cách bố mẹ dỗi hờn. Con cái nên lắng nghe người già nói và kiên nhẫn ghi nhận, thay vì tìm cách chứng minh cha mẹ sai lầm hoặc thuyết phục họ theo ý mình. Người già chúng tôi dễ tủi thân vì cho rằng con cái không còn kính trọng mình. Và nếu quan tâm đến người già, hãy tạo điều kiện cho họ làm những gì họ muốn. “Cậy con” không chỉ là nhờ vả con mà còn là trông vào sự ủng hộ của con cái trước nhu cầu của người già”. 

 

Hai năm trước, từ ý tưởng đoạt giải ba của chương trình sinh viên khởi nghiệp, Nguyễn Thị Khánh Vân, sinh viên Đại học Marketing TPHCM đã thành lập một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cho “nhu cầu của người cao tuổi”. Mục tiêu của công ty này là thay mặt con cái họ, tạo sân chơi cho người già sống vui, sống khỏe, sống có ích. Mới đây, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đã tổ chức lớp “Học làm người già” dành cho bạn trẻ với mục tiêu trang bị thêm những hiểu biết về đời sống tâm lý, nhu cầu của người già và cách ứng xử phù hợp để tránh làm họ tổn thương.

 

Những khởi động này và tâm tư của người trong cuộc cho thấy: Người già đang trông cậy vào sự hiểu biết của con cái để yên vui tuổi già.

 

Theo Nguyễn Thiện

PNO