1. Dòng sự kiện:
  2. Kết hôn lần hai
  3. Vợ cũ/Chồng cũ

“Ghét của nào, trời trao của ấy”

Hắn làm nhà thơ? Cái nghề mà tôi ghét nhất trong những nghề tôi ghét.

Hắn ngồi bất động trước tôi, trông chỉ khác vị La Hán chùa Tây Phương ở bộ quần áo người trần tục. Hai cánh tay hắn như hai khúc củi khô gắn vào thân cây mốc thếch, mà thân cây ấy là cái thân hình lẻo khoẻo bất động kia. Đã thế đầu lại trọc lốc khiến tôi không dám nhìn lâu.

 

Nếu không xuất hiện một người phụ nữ có lẽ là vợ hắn thì tôi không biết hắn đang làm thơ và thấy hắn như vừa miêu tả. Lúc ấy, tôi và hắn cùng ngồi chờ rửa xe máy ở vỉa hè một hiệu rửa xe. Hắn ngồi lặng phắc trước tờ giấy nhàu nhĩ, hình như là chiếc vỏ bao thuốc lá với mẩu bút chì trên tay. Tôi thì nhìn ra đường phố đông vui nườm nượp dòng xe cộ.

 

Bỗng nhiên, có tiếng phụ nữ hét lên làm tôi và mọi người ở đó giật bắn mình: “Giời ơi! Người ta gọi đến lượt rồi mà không thấy, ai ngờ trốn đến đây làm thơ hả giời?”. “Anh đang chờ rửa xe cho em đấy thôi”. Khi hắn ngẩng lên thốt lời thanh minh thì mọi người mới ớ ra là người phụ nữ kia nói hắn chứ không phải nói ai.

 

Thấy nhiều người đang nhìn mình, người phụ nữ từ tốn nói với hắn: “Cái xe còn sạch sẽ thế làm sao phải rửa trong lúc đang bận túi bụi?”. Vừa nói cô ta vừa lừ lừ tiến đến, thò tay vào túi áo ngực hắn rút chiếc chìa khóa, rồi quay ra chỗ chiếc xe máy đang chờ, mở khóa, ngồi lên xe và ra lệnh: “Anh không về còn ngồi đấy à?”. Thế là hắn bất đắc dĩ đứng dậy, ngoan ngoãn ngồi sau xe cho vợ đèo thẳng, mất hút.

 

Họ đi được một lúc thì tôi phát hiện ra cái mẩu giấy nhàu nhĩ trên tay hắn lúc nãy bị đánh rơi dưới chân chiếc ghế nhựa hắn đã ngồi. Tò mò, tôi cúi xuống nhặt xem thử thì hỡi ôi, chữ trong đó là thơ thật. Tôi vốn chúa ghét thơ, càng không cảm tình với những người làm thơ, nhưng hôm nay bỗng nhiên thấy rung cảm trước những vần thơ của hắn:

 

“Em còn đợi chuyến đò sau

Hay là không thể đợi nhau chuyến này?

Thôi, về lấp tóc, chẻ mây

Buộc anh đứng lại làm cây cột buồm”.

 

Câu thơ hay thật, đọc rồi tôi cầm luôn. Nhưng sau đó vài ngày tôi lại đánh rơi mất. May mà tôi đã nhập tâm thuộc lòng những câu thơ ấy. Trước đây, đã có lần bà ngoại ngồi khuyên giải tôi về việc con gái đến tuổi thì phải lấy chồng và chọn người như thế nào, tôi đã bảo: “Đàn ông con ghét nhất người làm thơ, thứ nhì người bán hàng, thứ ba thầy dạy học”.

 

Bà xua: “Thôi thôi, cô đừng tuyên bố kẻo rồi ghét của nào, Trời trao của ấy”. Tôi cãi: “Thà chết chứ con không thể lấy nhà thơ. Hâm lắm!”. Bà bảo: “Con người ta có duyên số. Muốn nó hay tránh nó cũng không được”.

 

Chẳng biết lời bà ngoại nói có đúng không mà đến giờ tôi vẫn chưa gặp duyên. Tôi thích kiểu người ra đấng nam nhi, làm nghề kỹ thuật hay bộ đội cho khỏe mạnh. Thì cũng đã gặp rồi. Đó là Võ Cường Dũng. Tên rất nam tính, người cao to, rắn chắc, là kỹ sư xây dựng hẳn hoi. Thế mà không sao chịu nổi.

 

Đã đi uống nước, xem ca nhạc, hát karaoke với nhau, nhưng cứ mỗi lần đi về là một lần tôi thất vọng. Lúc thì anh ta uống ừng ực, ăn hùng hục, lúc thì nói năng thô thiển, lúc lại ứng xử tèm nhèm như đàn bà. Lần cuối cùng là cái hôm anh ta uống say quá nôn thốc vào cốc nước tôi đang uống thì tôi ghê hẳn. Thế là “tạm biệt chim én”.

 

Còn một anh bộ đội tăng thiết giáp tên gọi Cao Mạnh Hùng. Tên và nghề thì hùng dũng như thế mà tính cách thì “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”. Tôi và anh ấy quen nhau do chồng cô bạn tôi giới thiệu. Buổi làm quen đầu tiên chúng tôi đi uống nước, anh ấy chỉ ăn kem trong khi tôi và vợ chồng anh bạn kia thì cà phê.

 

Đã thế, anh còn dùng một chiếc điện thoại di động màu hồng có chiếc dây đeo óng ánh khiến tôi không ưa tý nào. Chưa hết, lần thứ hai chỉ có tôi và anh đi uống nước với nhau, anh mặc thường phục nhưng lại quấn chiếc khăn len sù sụ ở cổ. Tôi gọi hai cốc cà phê nóng liền bị anh xua tay: “Anh xin cốc kem ba màu và đĩa hạt dưa thôi”.

 

Đang ăn, anh cứ nhìn chằm chằm vào lọ hoa hồng của nhà hàng đặt trên bàn mà chê họ cắm hoa xấu. Rồi như không chịu nổi, anh rút hẳn tất cả hoa ra khỏi lọ và cắm lại. Cắm xong anh khoe: “Phòng anh ở đơn vị, bao giờ cũng có hoa tươi do anh mua và tự cắm. Sau này ra quân anh sẽ mở cửa hiệu bán hoa tươi và cắm hoa nghệ thuật. Anh mê công việc ấy lắm”. Tôi hôm ấy cứ yên lặng uống, yên lặng nghe và rồi...

 

Còn bây giờ thì tôi đang vào một tình thế không ngờ. Thằng cháu ruột tôi năm nay xin thi vào trường Kiến trúc. Muốn vậy, nó phải thể hiện tài năng trên những bức tranh khi thi năng khiếu. Nó cậy cục làm quen được một ông họa sĩ để nhờ bồi dưỡng giúp đỡ. Nó khen ông này giỏi nhưng khó tính lắm. Ông ấy mà thích ai thì dạy cho bằng đỗ và dạy không lấy tiền thù lao. Ông ấy đã không thích thì lạy van ông cũng không dạy.

 

Cháu tôi còn kể, ông họa sĩ này đã bán cái nhà đang ở giữa thành phố để dùng nửa số tiền đi tìm mộ đồng đội ở Trường Sơn, tiền còn lại ông mua căn nhà nhỏ tận ngoại thành để ở.

 

Đêm ấy, cháu tôi còn đưa tôi đọc tập thơ của cái ông họa sĩ mà nó ca ngợi kia. Không ngờ thơ ông có rất nhiều bài làm tôi xúc động phát khóc, nhất là bài nói về mối tình của người con gái yêu anh bộ đội Trường Sơn, khi anh ấy hy sinh rồi chị vẫn chờ đợi không lấy ai.

 

Rồi tôi bắt gặp một bài ca ngợi nghề bác sĩ, cái nghề mà chính tôi đang làm. Tôi thích thú vô cùng với cái câu:

 

“Áo em trắng một màu tinh khiết

Muôn sắc phố phường tôi vẫn nhận ra

Giữa bao bụi, khói, sương nhòa

Vẫn nguyên giữ được màu hoa chanh vườn”.

 

Thằng cháu bố trí cho tôi gặp ông họa sĩ để có lời nhờ vả hộ nó vì mẹ nó góa bụa, quê mùa lại ở tận quê. Tôi thấy ngại vô cùng, vì lĩnh vực này chẳng biết gì mà hầu chuyện.

 

Quán nước gần hồ trông rất thơ mộng. Khi cô cháu tôi bước vào, ông thầy đã có mặt đang chờ. Ông ta trẻ, đầu tóc gọn gàng, ăn mặc phong độ chứ không như tôi tưởng. Nhìn còn thấy quen quen như đã gặp ở đâu. Anh nói chuyện rất vui, nhất là các chuyện tiếu lâm về xã hội.

 

Khi tôi gợi ý việc của thằng cháu, anh xua ngay: “Tôi đã hứa kèm cặp giúp là giúp. Học tôi thì quyết phải đỗ. Không phải chạy chọt biếu xén gì. Tôi chúa ghét cái cách đó”. Xong, anh lại quay ra đọc mấy câu thơ hài hước về tình cảnh thi cử thời nay làm cô cháu tôi buồn cười quá.

 

Cuối cùng anh tiết lộ: “Vì tôi phát hiện ra nhóc Quang này là con liệt sĩ. Xem lý lịch nhận ra bố nó hồi Trường Sơn cùng Trung đoàn, tôi mừng lắm. Tôi hứa sẽ giúp nó thi bằng được vào trường Kiến trúc như bố nó đã từng mong ước ngày xưa”.

 

Tôi cảm động lắm chẳng biết nói gì, bỗng nhớ đến tập thơ của anh liền nhỏ nhẹ khen: “Anh giỏi thật đấy, còn sáng tác được cả thơ, mà thơ anh cũng rất hay”. “Sao nhóc Quang này bảo cô chúa ghét thơ và người làm thơ? Nó xin, tôi cho nhưng không nghĩ cô lại đọc”.

 

Họa sĩ nói thế làm tôi nóng ran mặt. Nhưng chính vì câu chuyện đó mà tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ nhặt được ngày nào và nhận ra anh chàng họa sĩ này chính là tên nhà thơ năm nào đi rửa xe.

 

Tôi thích chí đọc to mấy dòng thơ đã thuộc lòng hồi ấy. Họa sĩ reo to: “Ôi thế thì đúng thơ của tôi rồi. Hôm ấy, tôi đang đóng phim nên bị cắt trọc đầu, trông gớm ghiếc lắm hả?”. Họa sĩ còn giải thích thêm: “Chiều đó tôi đang xúc động về một tứ thơ hay, nên tiện lúc giải lao, trốn đoàn giả vờ đi rửa xe hộ một cô để ngồi làm thơ. Ai ngờ cô ta lùng sục được. Sau đó, tôi tìm mãi những vần thơ đó đấy!”.

 

Họa sĩ đang say sưa nói bỗng nghe ngoài đường có tiếng kêu thất thanh. Chúng tôi cùng nhìn ra thì thấy một cô gái bị tai nạn giao thông đang nằm bất tỉnh giữa đường bên chiếc xe máy méo mó. Mọi người rất đông xúm đến, nhưng chẳng ai biết phải làm gì. Lập tức, anh họa sĩ lao vọt ra, anh đứng giữa đường giơ tay chặn chiếc taxi vừa đi tới, rồi bế thốc cô gái lên xe và đi ngay cùng cô gái đến bệnh viện cấp cứu.

 

Thế là cuộc chuyện trò của chúng tôi giải tán luôn từ lúc đó. Tôi hỏi thằng cháu: “Họa sĩ này đã có vợ chưa?”. Nó cười khanh khách: “Làm gì đã có vợ. Cô nào cũng chê chú ấy mộng mơ không thực tế. Họ sợ, lấy chú ấy sẽ chết đói vì chú ấy hào hiệp lắm, làm ra bao nhiêu tiền cũng giúp người hết”.

 

Rồi nó quay sang tôi thì thầm: “Chú này hiền lắm cô ạ và sống rất ga lăng, rất đàn ông. Cháu thấy hợp với người lý tưởng của cô đấy”. “Này, thôi đi! Con người ta có duyên số, gặp duyên khắc hợp, không đợi ai phải vun!”.

 

Tôi vừa cười, vừa mắng thằng cháu thế và nó cũng cười nham nhở. Câu đùa của nó không ngờ làm tôi suy nghĩ suốt đêm hôm ấy. Không hiểu sao từ lúc nói chuyện và chứng kiến việc làm nghĩa cử của người họa sĩ kia, tôi lại thấy rất cảm tình với anh. Lòng tôi tự nhiên trào dâng một tình cảm mơ hồ khó tả. Ừ, biết đâu duyên phận đang đến với tôi đây.

 

 Theo Hạnh Hoa

Hạnh phúc gia đình