Ghen tuông ở các cặp đôi đồng tính
Tìm được người yêu không dễ nên khi có lứa có đôi, những người đồng tính thường giữ chặt và ghen tuông rất dữ. Nhiều “ca” bạo hành kinh khủng từ đó mà ra.
Cơ quan điều tra từng cho biết về một vụ án giết người mà nạn nhân và thủ phạm là một cặp đồng tính, bi kịch xảy ra cũng liên quan đến “chữ tình”. Chàng thanh niên Phạm Văn Toàn đang thất nghiệp thì quen một chàng trai là Từ Bảo Lộc 27 tuổi. Mê Toàn, Lộc không chỉ dốc sức “cưa cẩm”, tỏ tình mà còn hứa sẽ cho tiền, mua xe, mua nhà để hai người sống chung. Toàn xiêu lòng và thế là hai người thành tình nhân. Một buổi tối, sau khi nhậu xong, trong lòng hưng phấn, Lộc muốn quan hệ tình dục nhưng bị từ chối, nên cưỡng ép bằng cách rút dao dọa giết. Toàn miễn cưỡng “mây mưa” với người tình, nhưng vẫn uất ức nên đợi lúc anh ta không để ý, Toàn chụp con dao và đâm liên tiếp mấy chục nhát vào người Lộc khiến anh ta chết tại chỗ.
Cặp đôi Nguyễn Thanh T. và Phan Văn H., đang chung sống “như vợ chồng” ở một khu nhà trọ sinh viên tại Thanh Xuân, Hà Nội, tuy yêu nhau mê mệt nhưng không ngày nào không cãi cọ ầm ĩ, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau. Nhiều lần H. “ra đòn” với người yêu khá nặng. Sau mỗi lần vậy, họ xin lỗi nhau, lại yêu thương nồng thắm để rồi hôm sau lại tiếp tục “chiến đấu”“. Cả xóm trọ đau đầu vì cặp đôi đồng tính này nhưng không thể can thiệp. Các “cuộc chiến” chỉ lắng dịu khi ông chủ nhà doạ đuổi, không cho hai người thuê nữa.
T. tâm sự: “Em yêu anh ấy. Em biết những người như chúng em khó được sự cảm thông trong xã hội lắm; nay có người đồng cảnh, hiểu nhau, thương nhau thì phải trân trọng nhau. Anh ấy cũng yêu em nhưng mỗi tội ghen tuông quá đỗi. Đi đường, em chỉ liếc người khác anh ấy cũng hậm hực, dừng xe cho ngay em cái tát”.
Nhiều lần H. doạ người yêu: “Em mà ngoại tình thì đừng trách anh đấy”. Lời dọa đi kèm với ánh mắt đáng sợ của anh ta làm T. luôn cảm thấy bất an, bởi không biết anh sẽ dám làm những gì khi tình cảm không “cơm lành canh ngọt”.
Dễ “nổi hung” do tâm lý bị dồn nén
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc chịu nhiều sự o ép về tâm lý khiến cho cách hành xử của một số cặp đồng tính trở nên khác người, mức độ bạo hành cũng nặng hơn bình thường. Trong trường hợp họ có người tình vốn không phải là đồng tính, hoặc phải yêu đơn phương, sự ghen tuông thường bùng nổ mãnh liệt hơn, cách giải quyết dễ thiên về bạo lực hơn.
Tuy nhiên, tình yêu của những người đồng tính rất mãnh liệt nên nhiều đôi vẫn yêu đương mặn nồng sau những lần “xô đũa xô bát”. Nói về những trận đòn ghen của người yêu, T. hồn nhiên: “Giờ anh ấy cũng bớt đi nhiều rồi. Chúng tôi đang cố gắng cải thiện để không mắc mớ với pháp luật. Còn ghen tuông thì cũng thường tình thôi, ai yêu cũng vậy”.
Những người đồng tính vì sức ép mà phải lập gia đình với người khác giới nhiều khi cũng bị bạo hành. Nhưng vì không có tình yêu, phải sống trái với giới tính của mình nên sự chịu đựng trở nên khó khăn và khổ cực hơn nhiều. Có cô gái không có cảm xúc nên rất hoảng sợ mỗi khi gần gũi chồng. Không chịu được, cô công khai mình là người đồng tính thì chồng không chấp nhận và thường xuyên hành hạ.
Theo nhiều người trong cuộc, những dồn nén tâm lý dẫn đến bạo hành ở các đôi đồng tính, hay việc những cô gái là lesbian phải chịu sự hành hạ của chồng như cô gái kể trên có một phần nguyên nhân từ sự kỳ thị của xã hội. Nhiều người vẫn coi đồng tính là một bệnh, một sự sa đọa đạo đức, dẫn đến khinh ghét họ. Nếu mọi người hiểu hơn về bản chất của hiện tượng đồng tính để có sự tôn trọng và thông cảm, những người đồng tính sẽ được sống đúng là mình, và những bi kịch do bạo hành cũng giảm đi.
Theo Đất Việt