Ghen tuông bệnh hoạn

Phương từng du học ở Bungari nhưng không được “tây hóa” lắm. Phương có vợ tên là Minh Anh và một con gái 4 tuổi xinh xắn. Cuộc sống đang hạnh phúc thì Minh Anh được cơ quan cử đi Mỹ 3 tháng học nghiệp vụ. Cùng đi với cô còn một đồng nghiệp nam (đã có vợ con và kém cô 5 tuổi). Phương phản đối ra mặt.

Anh đến tận cơ quan gặp sếp của vợ, đề nghị cử người khác đi thay, nhưng không được. Phương bắt vợ bỏ việc ở nhà, Minh Anh không chịu.

 

Cực chẳng đã, Minh Anh đành nhờ hai bên gia đình nội ngoại can thiệp, khuyên bảo. Cuối cùng Phương cũng để vợ đi du học. Nhưng hiềm một nỗi, suốt 3 tháng “mợ nó đi Tây”, Phương như sống trên chảo lửa. Lúc nào anh cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ chắc hẳn giờ này vợ mình đang “hú hí” với tay đồng nghiệp trẻ.

 

Khi vợ trở về, thay vì mừng đón, Phương đóng cửa căn vặn, tra khảo cả đêm. Minh Anh hết sức thanh minh, nhưng có giải thích kiểu gì Phương vẫn một mực không tin. Hàng tháng liền như thế, anh biến gia đình thành địa ngục.

 

Phương còn tìm đến anh chàng đồng nghiệp kia gây sự. Cả cơ quan vợ anh ầm ĩ lên vì chuyện ghen tuông này khiến cô gặp ai cũng ngại. Đến nước này Minh Anh không chịu đựng nổi, viết đơn ra toà xin ly hôn. Vậy là, chỉ vì ghen tuông thái quá, anh chàng Phương đã mất vợ.

 

Một nạn nhân khác của thói ghen tuông vô cớ là Thu Mai. Chồng chị cũng là người ghen tuông đến mức bệnh hoạn. Chị Mai tâm sự: “Sau khi yêu nhau 8 tháng, chúng tôi quyết định góp gạo thổi cơm chung, đến nay đã được hơn 2 năm.

 

Sau 2 tuần chung sống, anh ấy suốt ngày tra hỏi tôi là đã yêu ai trước anh ấy chưa, nhiều khi còn dùng vũ lực hành hạ. Từ khi kết hôn, anh ấy không cho tôi đi làm và cấm liên hệ với bạn bè cũ.

 

Ban đầu, tôi nghĩ anh ấy quá yêu mình nên mới ghen như thế. Nhưng rồi, càng ngày tôi càng không thể chịu nổi khi anh ấy vu oan cho tôi đã ăn nằm với một người bạn cũ khi họ đã có vợ. Anh ấy nghi ngờ mọi việc tôi làm”.

 

Trước những trận đòn hành hạ, chị Mai đã tìm đến những người thân trong gia đình chồng nhưng không cải thiện được tình hình. Suốt hai năm qua, chị dùng tất cả các biện pháp từ quyết liệt đến mềm mỏng, thủ thỉ với chồng trong những lúc cả hai vui vẻ, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

 

Và cách đây 6 tháng, chị đã ký đơn ly hôn bỏ về nhà mẹ đẻ. Hậu quả từ thói ghen tuông thái quá của anh chàng Phương và chồng chị Mai mới chỉ là gia đình tan vỡ, nhưng còn có những kẻ ghen tới mức phạm tội hình sự, tạt axít, thậm chí giết người.

 

Mới đây ở Ứng Hoà (Hà Tây) xảy ra một vụ án mạng rùng rợn vì ghen tuông. Anh chàng thợ xây Nguyễn Văn Hòa, 37 tuổi, không còn dịp để sửa cái tính bông đùa tếu táo của mình nữa.

 

Số là Hoà đi xây nhà cho vợ chồng Thắng và Vân. Thấy Vân có nhan sắc, thỉnh thoảng Hoà buông vài lời đùa cợt lả lơi. Phải người khác thì lẳng lặng, hoặc quạt lại vài câu, đằng này Vân lại cười ra chiều thích thú, có vẻ đầu mày cuối mắt lắm (ấy là chồng cô nghĩ thế).

 

Nhiều lần Thắng hằn học, cảnh cáo vợ, nhưng Vân gạt đi rằng: “Ôi dào, người ta đùa tí cho vui ấy mà”. Thắng thì chẳng thấy “vui” tí nào. Vậy là trong cơn phẫn uất, Thắng đã hành động thiếu suy nghĩ.

 

Trưa ấy, Thắng thủ một cái lê AK, gọi Hoà sang nhà “nói chuyện”. Hoà vừa sang đã bị Thắng đâm liên tiếp nhiều nhát vào người. Vân hốt hoảng, chạy ra can thì Thắng “tiện tay” đâm cho vài nhát vào ngực. Hai người chết ngay trên đường đi cấp cứu. Sau khi hành hung vợ và “tình địch”, Thắng tự đâm 6 nhát, nhưng không chết. Rồi đây, Thắng sẽ phải ra trước vành móng ngựa, để trả giá cho hành động tội lỗi của mình.

 

Theo một nhà tâm lý học người Đức, ghen chính là tín hiệu báo động, biểu hiện dưới dạng lo sợ, hoặc đau đớn. Nó cảnh tỉnh chúng ta chuẩn bị năng lượng để đấu tranh quyết liệt, nhằm đạt mục tiêu.

 

Ghen trong tình yêu rất mạnh mẽ, đau đớn và có sức tàn phá mãnh liệt. Cái ghen của đàn ông, đàn bà đều giống nhau. Tuy nhiên, khi ghen quá mức, người ta thường mất lý trí, làm cho bản thân mình và người thân phải sống trong cảnh địa ngục.

 

Nguyên nhân của tình trạng ghen tuông này xuất phát từ sự thiếu tự tin. Một số người mắc chứng tâm thần hoang tưởng, lúc nào cũng ngỡ mình bị bạn đời lừa dối.

 

Trong y học tâm thần, người ta chia thần kinh của người làm 4 loại: thần kinh khỏe, thần kinh yếu, thần kinh nghệ sĩ và thần kinh nghệ sĩ yếu. Trong đó, người hay ghen là người có thần kinh nghệ sĩ yếu, dễ bị tác động từ ngoại cảnh, hay nghĩ ngợi, suy diễn.

 

Trường hợp của chị Xoan, 51 tuổi, có chồng làm ở Nhà máy Cao su Sao Vàng là một minh chứng. Hai anh chị có 3 mặt con, các cháu đều đã lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Ấy nhưng từ mấy năm nay, chị Xoan bỗng nhiên dở chứng ghen rất vô lý.

 

Chị thậm chí không cho chồng xem phim Hàn Quốc chỉ vì anh... khen các cô diễn viên xinh đẹp. Có lần chị còn mang quần áo của chồng ra băm nát... cũng bởi quá ghen. Chị bắt chồng phải về hưu sớm, dù anh mới ngoài 50 tuổi. Chiều vợ, anh xin nghỉ hưu, mở một cửa hàng bán tạp hoá.

 

Thế nhưng, mọi chuyện cũng chưa yên, chị vẫn canh chồng, chặt hơn canh tù. Hễ có khách hàng nữ nào cười cười, nói nói, đưa mắt với chồng là chị lại lườm nguýt, chửi đổng. Nếu tối nào ngủ say là y như rằng, sáng dậy chị bù lu bù loa, chồng lừa mình uống thuốc mê để trốn đi với gái.

 

Gia đình phải đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần, bác sĩ kết luận chị bị tâm thần dạng nhẹ, phải điều trị mấy tháng. Hú vía là chị chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng.

 

Chuyện của ông Phan Anh trú tại quận Bình Thạnh (TPHCM) lại khiến người ta dở khóc dở cười. Vợ ông cũng là người mắc bệnh ghen tuông hoang tưởng. Hễ thấy ông ra khỏi nhà là bà vợ giữ xe lại, không cho đi.

 

Có lần bà bắt gặp ông đang chỉ đường giúp một cô gái, không cần biết đầu cua tai nheo thế nào, ba máu sáu cơn nổi lên, bà lao tới, lu loa rằng bắt được quả tang ông đang... mặc cả với cave. Không những thế, bà còn thuê thám tử theo dõi ông. Đỉnh điểm của cơn ghen là bà lừa cắt... của quý của chồng.

 

Hậu quả ghen tuông gây ra khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, phạm pháp, người bị thương, hoặc bỏ mạng, kẻ phải đi tù. Vẫn biết, ghen đôi khi là gia vị giúp tình yêu thêm mặn nồng, nhưng với điều kiện được nêm vừa đủ. Hãy để tình yêu luôn thăng hoa, không còn cái chép miệng, đáng tiếc “bởi vì ghen”.

 

Theo Sức khỏe Gia đình