Ghen nhầm
"... Nhân lúc chồng tắm, Hoa lắp sim của chồng vào máy mình và “sập bẫy” - tin nhắn mùi mẫn đến rất đúng lúc trong sự tò mò tột độ của cô...".
Suốt 3 tháng sau khi “tranh” được ghế phó phòng, Mạnh liên tục bị các “bại tướng” (đồng nghiệp cùng phòng) ra sức “hãm hại”.
Để Mạnh không thể yên tâm với công tác mới, gia đình anh bị quấy phá đầu tiên... Trên đường về nhà hoặc sau giờ ăn cơm là điện thoại của Mạnh nhận được những tin nhắn “hươu vượn”, kiểu như: “Anh đi làm về mệt lắm không? Muốn anh ghé qua một chút nhưng sợ chị ấy lém hihi”; “Chị ấy nấu cơm ngon bằng em không?”; “Bà ấy rửa bát xong chưa? Chút nữa, mình nhắn tin tiếp nhé?”…
Mỗi ngày, số điện thoại đó đều bịa ra những chi tiết “yêu thương” tưởng tượng như... đúng rồi. Mạnh nghĩ, nếu có mang những tin đó ra khai với vợ thì cũng chẳng được tin, đổi số thì bất tiện, mang máy đi từ chối cuộc gọi thì cô nhân viên còn không tin rằng đó là thuê bao quấy rồi. Họ giải thích với Mạnh rằng, số tin nhắn ít, không phải là giờ đặc biệt và anh phải chờ họ thông báo với thuê bao kia trước khi tiến hành khóa số. Vậy là mạnh phải tiếp tục chịu đựng thêm... Cứ về đến nhà là Mạnh tắt máy, giấu di động vào ngăn kéo.
Hành vi “mờ ám” của Mạnh không qua được “giác quan thứ 6” của Hoa - vợ Mạnh. Nhân lúc chồng tắm, Hoa lắp sim của chồng vào máy mình và “sập bẫy” - một tin nhắn mùi mẫn đến rất đúng lúc trong sự tò mò tột độ của cô. Cãi vã, giải thích chán cũng không xong. Sau người ta thấy ông phó phòng mới lên chức đã có “tài xế riêng”, ngày nào Mạnh cũng phải đi chung xe với vợ đến cơ quan; chiều, chờ vợ đến đón về.
Tình ngay mà cái lý thì cong
Chương tình cờ gặp lại người xưa vào một sáng thứ 7. Hai người quen nhau từ khi còn học cấp 3 dưới quê. Bây giờ, mối tình đầu cũng đã có chồng và con trai 5 tuổi.
Sáng đó, cô ấy đưa con ra Hà Nội thăm sở thú và gặp Chương trên đường về, hai người cũng chỉ đứng ven đường hỏi han nhau mấy câu rồi đi. Thế mà, đen đủi, bị cô em vợ của Chương nhìn thấy. Thay vì đến hỏi rõ anh rể, cô em vợ phóng xe về nhà mách chị mình.
Kịch bản chồng có con riêng ám ảnh Nguyệt - vợ Chương. Cô “tra khảo” chồng bằng mọi biện pháp, khi không lấy được thông tin gì hơn ngoài mối quan hệ trong sạch ngày xưa, Nguyệt gào to: “2 mẹ con cô ta ở đâu, anh dẫn em đến đó. Đừng tưởng thủ tiêu hết mọi thứ là xong đâu!”.
Biết vợ “nói hớ”, Chương vừa buồn cười, vừa tức, vặc lại: “Em điên à? Anh thủ tiêu mẹ con người ta để đi tù à?”. Chuyện rồi cũng tạm lắng, nhưng đến giờ, Nguyệt vẫn giữ trong đầu mình quan niệm: “Chỉ khi nào các ông ấy “nằm xuống”, mình mới biết chính xác là ông ấy có bao nhiêu con mà thôi!”.
Bị ghen nhầm
Giang (một phụ nữ bị vợ bạn trai cũ đánh ghen nhầm) đến giờ vẫn chưa hết ấm ức: “Hôm đó, mình và anh ấy có hẹn để tìm cách giúp đỡ một cô bạn cùng lớp mắc bệnh hiểm nghèo. Đúng lúc anh ấy đưa tiền cho mình thì vợ anh và bà chị gái xồng xộc lao tới. Người túm tóc, người kéo áo, hỗn độn một góc quán. Đến khi bảo vệ ra tay, mọi chuyện mới tạm yên ổn”.
Giang cho biết thêm, cô vợ ấy có “máu Hoạn Thư” nên mọi lời giải thích chỉ như “nước đổ lá khoai”. “Cô vợ khăng khăng bảo mình “chài” tiền của trai. Có bằng chứng rõ ràng nên không thể chối cãi” - Giang bực mình phân trần. Sau bữa ấy, anh người yêu cũ có ý muốn gặp Giang xin lỗi nhưng nghĩ cảnh đánh ghen ầm ĩ nên Giang lại thôi.
Bình tĩnh để chồng khỏi “hàm oan”
Các chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, ghen là cảm xúc tâm lý bình thường của con người, “ớt nào cũng cay” nên chuyện ghen tuông với những cô vợ cũng là lẽ dĩ nhiên.
Nếu sử dụng đúng liều, ghen có thể giúp tình yêu thăng hoa nhưng nếu mù quáng, ghen tuông sẽ tiêu hủy hạnh phúc vốn có. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người vợ cũng nên cân nhắc thấu đáo cử chỉ ngoại tình của chồng để có kết luận chính xác.
Nếu không kiềm chế được bản thân, ghen tuông ầm ĩ (nhất là khi ghen nhầm) sẽ khiến người chồng thất vọng, sinh ra oán ghét vợ. Khi ấy, vấn đề chính không được giải quyết mà chỉ đẩy tình cảnh vợ chồng vào “bể khổ” mà thôi.
Ngay khi phát hiện được dấu hiệu khả nghi, người vợ nên bình tĩnh tìm cách giải quyết. Nếu muốn thẳng thắn “tra khảo” chồng, người vợ cũng nên sáng suốt, cân nhắc xem những lý giải của chồng có hợp lý không, anh chồng bị oan như thế nào và vì sao anh ấy phải dối vợ.
Tâm lý sợ vợ ghen tuông nên tìm cách nói dối khi anh nhà có một cuộc gặp mặt với một phụ nữ khác (đặc biệt là người cũ) khá phổ biến. Chính cái vòng tròn luẩn quẩn này sẽ đẩy chồng vào một mớ rắc rối không có nút thắt khi bị vợ hoạch họe: “Nếu anh trong sáng sao anh phải lén lút”.
Ít có người vợ nào chịu hiểu nỗi lòng “thương vợ nghĩ ngợi lung tung nên mới phải hành động bí mật” của chồng. Người vợ không nên vội vã quy tội chồng phản bội chỉ vì một vài bằng chứng bên ngoài. Nếu chồng thích “ăn chả”; chắc chắn, anh ấy sẽ lộ diện nhiều dấu hiệu đáng ngờ khác. Khi ấy, chuyện ngoại tình của chồng sẽ được sáng tỏ.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé