Gã đàn ông chặt dần tay, “quậy“ gia đình vì... thất tình

Là người có vẻ ngoài ưa nhìn, chăm chỉ, khéo léo và rất sòng phẳng trong các quan hệ ngoài xã hội thế nhưng khi ở nhà thì Việt lại là một đứa con ngỗ nghịch với những "quái chiêu" quậy phá không ai chịu nổi.

Mỗi lần không vui, Việt lại đập phá, hủy hoại mọi vật dụng xung quanh; mỗi lần giận một người thân trong gia đình, anh ta lại... chặt đứt một ngón tay của mình.

 

Mỗi lần bồng bột, một lần sa ngã

 

Bà Nguyễn Thị Sa (SN 1950, ngụ thôn Nam 1, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) có 10 người con, 5 nam, 5 nữ, trong đó Nguyễn Anh Việt là con thứ ba nhưng lại là trưởng nam trong gia đình. Lúc nhỏ, do gia cảnh nghèo khó lại đông miệng ăn nên Việt chỉ được học hết lớp 8.

 

Sớm phải bươn trải kiếm sống ngoài đời nhưng Việt khi đó rất chăm chỉ làm những việc vặt giúp gia đình. Còn ở ngoài xã hội, Việt được đánh giá là một người biết sống, biết chơi khá sòng phẳng, tuy nhiên, Việt cũng là người khá bốc đồng, ngổ ngáo vì thi thoảng anh ta cũng cùng chúng bạn tham gia vào một số vụ gây rối trật tự trên địa bàn xã.

 

Bà Sa diễn tả lại hành động Việt chặt cột

Bà Sa diễn tả lại hành động Việt chặt cột

 

Đến tuổi trưởng thành, Việt tham gia quân ngũ. Vào quân đội, Việt rất chăm chỉ luyện tập và lao động nên được các thủ trưởng khen ngợi. Những việc cấp trên giao phó, Việt đều hoàn thành xuất sắc. Trong những buổi luyện tập, hành quân, các bạn đồng ngũ của Việt mỗi người chỉ gánh được tầm 60, 70 kg là cùng, riêng Việt gánh được hẳn 1 tạ đồ.

 

Những tưởng Việt sẽ duy trì được những biểu hiện tích cực như vậy cho đến hết thời kỳ quân ngũ, ai ngờ, một hôm anh chàng này bất ngờ đào ngũ với lý do “nhớ nhà”. Đào ngũ bình thường đã đáng chê trách, nhưng Việt còn đáng trách hơn bởi anh ta mang theo cả súng ra khỏi doanh trại.

 

Thấy con trai về nhà, bà Sa mừng rỡ, tưởng con được nghỉ phép. Nhưng khi nghe Việt nói “con nhớ nhà quá nên trốn về” thì bà tá hỏa, bà bắt bằng được Việt lên xã trình báo. Trong lúc chờ xử lý, Ban quân sự xã phạt Việt đứng chào cờ giữa trưa nắng, lưng đeo ba lô nặng trĩu vai, trong đó có cả đồ dùng cá nhân và hoa quả bà Sa thương con nên nhét vào.

 

Tuy nhiên, chấp hành hình phạt được một lúc thì Việt “lủi” mất tăm. Chuyện này giống như “giọt nước tràn ly”, khiến sau đó Việt bị tước quân tịch và phải ra tòa án binh. Việt bị tuyên phạt 3 năm cải tạo tại Đà Nẵng.

 

Đấy là lần đi trại cải tạo đầu tiên của Việt. Sau khi trở về, Việt tỏ ra hối hận nên đã tu tỉnh một thời gian rồi đi làm ăn và cưới vợ. Thế nhưng, trong một lần gây rối trật tự trên địa bàn xã, Việt lại phải đi trại cải tạo lần thứ hai.

 

Và anh ta phải đối diện với nguy cơ đi trại cải tạo lần thứ ba vì có hành vi đe dọa nổ mìn giết cả nhà.

 

Trước đó, Việt cũng nhiều lần gây rối trật tự trên địa bàn xã, thậm chí còn tự chế ra những món “hàng” để tham gia vào những vụ gây rối. Không ít lần Công an xã Diên Sơn đến tận nhà Việt để tịch thu những chiếc mã tấu mà anh ta đã cất kỹ.

 

Trong nhà, “thành tích” đập phá của anh cũng khiến cả gia đình không ai chịu nổi. Ngày Việt chưa có “sở thích” phá phách vật dụng trong gia đình, nhà anh ta nghèo “rớt mùng tơi”. Ngày gia đình anh ta đã trở nên khá giả, mỗi lần nổi nóng là Việt lại “trút giận” lên các tài sản có giá trị mà cha mẹ đã khó nhọc mua bằng tiền mồ hôi nước mắt.

 

Theo “thống kê” không chính thức của bà Sa thì có một số lần tiêu biểu Việt đập phá khiến bà không thể quên được như có lần Việt đập một lúc 7 chiếc quạt, có lần phá hủy cùng lúc 2 chiếc ti vi đắt tiền.

 

Trong nhà Việt, gần như góc nào, đồ đạc nào cũng có dấu tích do Việt đập phá. Cả nhà Việt sống trong sợ hãi, hàng xóm cũng chẳng dám đến can ngăn vì biết thanh niên này xuất thân quân ngũ, "sức khỏe như trâu mộng".

 

Từng ngón tay rời bỏ bàn tay

 

Tối 16/6/2012 vừa qua, trong khi Việt cùng ăn cơm với gia đình, gồm mẹ ruột, em ruột và con trai thì bị mẹ nhắc nhở. Sau khi lời qua tiếng lại "đốp chát" với mẹ, Việt bỏ vào trong nhà lấy ra một vật giống quả mìn tự tạo, ném vào giữa mâm cơm. Không rõ đó có phải là mìn thật hay không, nhưng may mà nó không phát nổ.

 

Dẫu vậy, hành vi của Việt cũng khiến những người thân của anh ta bỏ chạy tán loạn và được một phen sợ “xanh mắt mèo”. Bà Sa nói, khi Việt ném vật đó ra, ai cũng nghĩ đó là mìn bởi trước đây Việt đi theo người ta đánh cá bằng mìn trong suối nên những nghi ngờ của mọi người là không có gì phải bàn cãi.

 

Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Diên Khánh đã cử cán bộ điều tra đến khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, lúc này lực lượng công an đã không thể tìm ra “trái mìn” mà Việt đã sử dụng.

 

Mọi người thường nói, nguyên nhân của những hành động điên cuồng do Việt gây ra là vì rượu. Tuy nhiên, nhiều lúc Việt không uống rượu mà vẫn có những hành động phá phách đáng lên án. Thế nên ai cũng cho rằng Việt thay đổi tâm tính là do... lấy vợ. Cụ thể, trước khi Việt lấy vợ (lần đầu, năm 1998), anh ta không hề có những hành động quậy phá ở nhà như vậy.

 

Bà Sa nhớ lại, hồi Việt mới lấy vợ, hai vợ chồng Việt rất chăm chỉ làm ăn. Vợ Việt khi đó thuê một ki-ốt mặt đường ở gần nhà để mở một tiệm cắt tóc, gội đầu và làm móng, còn Việt làm thợ hồ với tay nghề rất giỏi. Căn nhà to đẹp, khang trang mà gia đình bà Sa đang ở cũng là do Việt xây dựng.

 

Tuy nhiên, xích mích của hai vợ chồng ngày càng trầm trọng khi mỗi lần mâu thuẫn với vợ, Việt thường xuyên lôi tên bố vợ ra để nói này nói nọ.

 

Vợ Việt thấy chồng nói tên bố vợ một cách khiếm nhã thì lên tiếng nhắc nhở, Việt không nghe mà còn trả đũa bằng cách quấy phá chuyện làm ăn của vợ. Việt không đánh vợ nhưng lại thường xuyên đập đồ đạc trong nhà, mỗi lần như vậy vợ con anh ta lại sợ hãi đến co rúm người.

 

Đỉnh điểm của sự phá hoại là có lần Việt mang 1 lít dầu đổ vào chiếc tủ sắt đựng quần áo của vợ rồi châm lửa đốt. Lần ấy, không những cả nhà được một phen khiếp vía mà cả xóm cũng nháo nhác.

 

Tủ quần áo khó khăn lắm mới được lôi ra ngoài đường nhưng cháy âm ỉ từ 2h chiều hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Sau vụ đó, vợ Việt đã hết kiên nhẫn nên bỏ về nhà cha mẹ đẻ, bỏ lại đứa con trai cho nhà chồng.

 

Chiếc bàn bếp nơi Việt chặt ngón tay

Chiếc bàn bếp nơi Việt chặt ngón tay

 

 Nhưng điều khiến những người thân của Việt xót xa nhất là việc anh ta không biết quý trọng bản thân, thường xuyên hủy hoại cơ thể của mình để làm đau lòng người khác. Cứ cãi nhau với người nhà là Việt lại kê ngón tay mình lên thớt rồi mắm môi mắm lợi bổ dao xuống, mắt không chớp, mặt không biến sắc.

 

Ngón tay đầu tiên Việt chặt là sau khi cãi nhau với cha. Hồi ấy, cha Việt còn sống, ông có trồng một thửa rau muống cạnh nhà. Hôm đó Việt đang xem tivi trên nhà thì ông gọi Việt ra nhờ múc nước vào bình để tưới rau. Việt cằn nhằn: “Ai trồng rau, người đó đi mà tưới” rồi nhất quyết ngồi lì tiếp tục xem tivi.

 

Bị cha nhiếc móc, Việt điên tiết hét lên: “Ông sai tui hoài à! Đã thế tui chặt tay cho ông hết đường sai!”. Nói đoạn, Việt chạy xuống bếp, cầm dao chặt phăng một ngón tay. Chứng kiến cảnh ấy, cả nhà Việt ai nấy đều kinh hãi, phải mất một lúc lâu mới trấn tĩnh lại được để đưa Việt đi bệnh viện.

 

Ngón tay thứ hai rời bỏ bàn tay của Việt là do xích mích với em trai tên là Nguyễn Anh Vinh (SN 1976). Do tính cách của Việt rất hay nổi khùng và làm những chuyện quậy phá gia đình nên ai cũng khuyên can. Nhưng càng khuyên can thì Việt càng không nghe và càng nổi điên.

 

Bà Sa kể: “Thằng Vinh khuyên anh nó hoài không được nên mới khùng lên nói hỗn: “Mày khỏi làm anh tao, để tao làm anh cho!” rồi hai đứa lao vào đánh lộn. Thằng Việt lại chạy xuống bếp kiếm con dao chặt thêm một ngón tay để cắt đứt tình anh em”. Tuy nhiên, khi cả hai bên bớt nóng cái đầu thì tình cảm anh em cũng đã được hàn gắn trở lại.

 

Lần thứ ba xảy ra sau khi Việt ly dị người vợ thứ hai vào cuối năm 2011. Cũng như người vợ đầu, vợ hai của Việt đã bỏ anh ta vì không chịu nổi tính cách cục cằn và thói quen phá hoại của chồng dù hai người đã có một con trai chung 6 tuổi. Quá giận vợ, một lần nữa Việt đã “tự xử” thêm một ngón tay của mình.

 

3 lần mâu thuẫn với người trong gia đình bởi những chuyện hết sức đời thường, vậy mà Việt lại giải quyết bức xúc của bản thân bằng cách tự hủy hoại cơ thể mình. Hành động ấy khiến người thân của Việt đau xót, còn người ngoài ai nhìn vào cũng phải lắc đầu ngao ngán.

 

Tự hủy hạnh phúc vì... thất tình

 

Người khổ sở vì Việt nhiều nhất từ khi Việt có mặt trên cõi đời này chính là bà Sa, người mẹ đã dứt ruột đẻ ra anh ta. Đã không biết bao nhiêu lần bà khóc vì hậu quả sự phá hoại của Việt trong căn nhà, khóc vì sợ hãi những lúc Việt nổi điên, khóc vì thương đứa con không ít lần chịu kham khổ trong trại cái tạo, khóc vì xót xa trước cảnh “cục thịt đỏ hỏn” này nào của mình nay cứ tự hủy hoại thân xác...

 

Có lẽ cũng vì quá thương con nên bà mới giận Việt khi Việt bỏ nhà ra đi để trốn công an chứ không dám đối diện thực tế, thay đổi tâm tính để trở lại là một công dân lương thiện, đàng hoàng.

   

Bà “mắng vốn” con mà nước mắt cứ lã chã ướt mặt: “Nói các chú nghe thì có vẻ không đúng đạo lý, nhưng mà từ khi nó bị công an vào nhà khám và trốn đi, 1 tháng nay cuộc sống của tôi thoải mái lắm. Có nó trong nhà, cuộc sống của tôi rất áp lực bởi không biết khi nào nó lại đập phá. Bình thường thì nó rất hòa nhã, rất hiền lành nhưng khi nó đã quậy thì không ai cản được”.

 

Dẫn khách đi một vòng quanh nhà mình, bà Sa đã chỉ ra được một lô một lốc những “dấu tích” phá hoại của Việt trong căn nhà mới xây này.

 

Những cây cột nhà từng bị Việt chặt chỉ còn lõi thép, những chiếc ghế đẩu bị chân Việt đá cho lệch lạc tứ tung, những cạnh tường sứt mẻ, những cánh cửa lồi lõm vết chân, những nơi bà phải cất dao thật kỹ, chiếc máy may một thời bà dùng để mưu sinh cũng không còn nguyên vẹn...

 

Căn bếp là ký ức kinh hoàng nhất, khi vết dao chặt ngón tay và vết máu lau không sạch của Việt vẫn còn hiển hiện...

 

Nhưng chuyện đau lòng nhất mà bà Sa nhớ lại phải là chuyện vừa xảy ra hơn 1 năm trước. Khi đó, chồng bà bị ốm một cơn khá nặng, đúng lúc ông cần sự quan tâm chăm sóc và sự yên tĩnh để nghỉ ngơi thì Việt liên tiếp quậy phá. Những chậu cây cảnh do đích thân ông trồng đều bị Việt đạp đổ và đập vỡ hết.

 

Sau 3 ngày Việt quậy phá liên tiếp như vậy, người cha đã qua đời. Nhiều người trong gia đình cho rằng, do tính khí Việt như vậy đã khiến người cha không muốn sống nữa nên mới vội vã đi về thế giới bên kia.

 

Chuyện đến đấy tưởng như xong, nào ngờ ngót 1 năm sau, sát ngày giỗ đầu của cha, Việt còn đòi dẹp bỏ ban thờ cha ở trong nhà. Quá phẫn nộ với hành vi ấy, nhiều anh chị em trong gia đình đi làm ăn xa đã không muốn về nhà khi có sự hiện diện của Việt.

 

Một người con gái của bà Sa đang sinh sống bên Mỹ, sắp đến ngày giỗ đầu cha nhưng cô bảo: “Có anh Việt ở nhà thì con không về đâu!”. Dắt khách vào căn phòng của Việt, đó là một căn phòng trống rỗng, không có gì ngoài một chiếc tủ đựng quần áo và một cái giường. Trên tường là những dòng chữ và hình vẽ nguệch ngoạc.

 

Những dòng tâm sự của Việt trên tường...

Những dòng tâm sự của Việt trên tường...

 

 Bà Sa chỉ vào những dòng chữ và nói rằng đó là nét chữ của Việt, còn những hình vẽ là của con trai Việt. Việt đã viết gì?. Thì ra đó là những dòng tâm sự của Việt viết cho người vợ thứ hai: “Từ ngày bà ra đi, tinh thần của tôi suy sụp nhiều lắm, nhưng tôi không biết làm cách nào để quên đi những ngày tháng sống cùng với nhau.

 

Giờ đây, tôi muốn quên bà chỉ có ly rượu. Nếu một ngày nào đó tôi có chết đi thì bà đừng làm phiền con và gia đình tôi. Vì sao?. Vì không có người đàn bà nào lại bỏ con như bà cả. Tôi buồn và buồn nhiều lắm, vì con cho nên tôi ở tới giờ này.

 

Bà có hiểu cho tôi không?. Giờ đây căn phòng này trống rỗng, không có một lời nói của bà nữa. Đây là những lời tâm sự của tôi trong những lúc đau buồn. Còn đây là những hình vẽ của con...”.

 

Thì ra cội nguồn của mọi trò phá phách điên loạn của Việt cũng chỉ xuất phát từ một chữ tình. Anh ta bắt đầu biết đến quậy phá từ khi cuộc hôn nhân thứ nhất không đem lại ngọt ngào, hạnh phúc như ý muốn. Anh ta điên cuồng hủy hoại bản thân, trút mọi tai ương khủng khiếp nhất lên người thân từ khi cuộc hôn nhân thứ hai có vị đắng, như một sự trả thù đời.

 

Thì ra mọi hành vi “nổi loạn, khủng bố” của Việt bắt nguồn từ một nội tâm luôn buồn phiền, đau khổ. Cùng chìm trong miên man suy nghĩ, khách đọc và ghi những dòng chữ trên tường, tay chạm vào những nét vẽ của con trẻ, còn bà Sa đứng lặng giữa căn phòng với đôi mắt ngấn lệ.

 

Giá như Việt có thể cảm nhận hết được nỗi đau mà những người thân trong gia đình anh ta đã phải gánh chịu. Giá như Việt hiểu vì sao họ luôn khuyên bảo anh, vì sao họ sợ hãi và ghét bỏ anh.

 

Và giá như Việt biết dù có ghét bỏ đến đâu đi chăng nữa, nhưng trong sâu thẳm mỗi người thân của anh ta luôn là sự thứ tha và cầu mong anh mau chóng trở thành người bình thường để chung sống với gia đình...

 

Theo Pháp luật Việt Nam