Ép ăn quá hóa hại con

“Béo khỏe, béo đẹp” đó là tiêu chí nuôi con của nhiều bà mẹ Việt Nam, kể cả những bà mẹ thuộc thế hệ 9X, mà không biết rằng với những đứa trẻ “em chã” con đường tiếp cận với kho tàng trí tuệ trở nên khó khăn hơn…

“Cháu ăn tốt không? Nặng mấy cân rồi?”

Đó là câu cửa miệng mỗi khi người Việt hỏi thăm về một đứa trẻ. Ngắm một đứa trẻ bụ bẫm, hồng hào, người lớn thường thể hiện sự ngưỡng mộ bằng những lời xuýt xoa tán thưởng “Nhìn núng nính đáng yêu thế!”, “Trộm vía, em bé bụ bẫm quá! Trông cứ như tranh vẽ”… Chính những lời khen kiểu này đã đẩy những bà mẹ vào “cuộc chiến cân nặng”, “cuộc chiến ăn uống”, còn những đứa trẻ biến thành nạn nhân của “sát thủ thức ăn”. 

Ép ăn quá hóa hại con


Một bà mẹ đã chia sẻ trên diễn đàn mạng rằng, nghe lời mẹ đẻ và mẹ chồng và cũng để thực hiện giấc mơ về đứa con trong tranh bụ bẫm, đã cắt dần các cữ bú của con từ 3 tháng để bắt con ăn dặm. “Ban đầu Su ăn nước cháo rây pha với sữa bột, trộm vía tháng đó tăng liền 1kg, cả nhà ai cũng thích, cũng hỉ hả lắm. 7 tháng Su ăn 3 bữa cháo, 2 bữa phụ là hoa quả, váng sữa, sữa chua, 2 bình sữa ngoài và bú mẹ. Su nặng 9,5 kg, ai nhìn cũng khen mẹ khéo nuôi con, con xổ sữa. Su là “hình mẫu” của cả khu phố” - bà mẹ này sung sướng khoe. 

Rồi trong một bữa giỗ cả gia đình họ hàng gặp nhau. Nhìn kiểu mẹ nhồi con, bà nhồi cháu và so sánh cảnh hai đứa trẻ cùng 9 tháng nhưng đứa còi hơn thì đã bò nhoay nhoáy, trùn đít tự ngồi, còn bé bụ bẫm chỉ biết mỗi động tác trườn, thậm chí trườn mệt quá khóc váng lên để người lớn đỡ dậy chứ không tự lật được, một bà bác đã kêu toáng lên: “Ối giời ơi, 9 tháng mười cân rưỡi rồi cơ à, béo quá béo quá. Cháu ơi, mày nuôi con chứ có phải nuôi heo đâu mà cân kéo, nhồi nhét con suốt ngày thế hả? Sao thanh niên đời mới mà tư duy cổ hủ thế!”.
 
Một bà mẹ khác để chữa căn bệnh lười ăn cho con đã chia sẻ “bí kíp” nghe mà rùng mình: “Dù con có ăn vặt ngang dạ cỡ nào, bữa trưa mình lại ép bé tô cơm đầy đủ rau, thịt. Bé ăn ngậm, ăn rất lâu, cả tiếng mới hết, mình để sẵn cái roi (như mẹ Hổ bên Tàu), cứ ngậm là mình... vụt. Mình và bé học đếm, mình giao hẹn đếm đến 1 con số hợp lý là bé phải nuốt xong, không là mình tét đít. 
Bé cũng chạy đua với mình, vì ăn đòn đau rồi nên biết sợ. Đến giờ ngủ, mình ép bé uống 1 ly sữa nhỏ từ 50 - 100ml. Chiều, mình cho bé ăn bữa phụ, cháo, mì, bún, chút hoa quả rồi để kệ bé tiếp tục ăn vặt. Bữa tối mình lại tiếp tục nhồi nhét bé bát cơm đầy, rồi lại để tự do cho con ăn vặt, kể cả sắp đến giờ đi ngủ...”.

Béo quá lú mề?

Câu chuyện của các bà mẹ trên đây cũng là chuyện thường ngày của đa số các bà mẹ Việt. Phải chịu sức ép từ định kiến xã hội rằng “cân nặng” của con chính là thước đo đánh giá hiệu quả nuôi con của mẹ, rồi sức ép từ suy nghĩ chủ quan của bản thân rằng con “ăn càng nhiều càng tốt, ăn càng nhanh càng ngoan”, nên để dụ con ăn, phụ huynh Việt có thể kiên nhẫn chạy theo con hàng giờ với đủ chiêu trò như cho trẻ xem ti vi, chơi điện thoại; không ngại dọa nạt, quát mắng... miễn sao trẻ ăn thật nhiều. Nhưng không nhiều bà mẹ Việt hiểu rằng ép con ăn quá nhiều sẽ đồng nghĩa với việc “tước bỏ” trí thông minh của con, hay như cách nói dân gian là “béo quá lú mề”.

Tháng 3/2013, kết quả sau một năm thực hiện thí điểm chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng nhanh và đạt tỷ lệ báo động 10-15%. Trẻ em mắc bệnh béo phì sẽ dẫn đến mắc các căn bệnh khác như: tiểu đường, loãng xương, mù lòa và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển về sinh lý, ngoại hình và trí tuệ. 

Mới đây, nghiên cứu của Trường Đại học Essex, Anh được thực hiện trên 10.419 trẻ em cũng cho kết quả rằng những đứa trẻ được cho ăn theo nhu cầu sẽ có IQ cao hơn các trẻ ăn theo lịch trình là 5 điểm.

Sự khác biệt này cũng xuất hiện trong cuộc thử nghiệm với những trẻ 5, 11 và 14 tuổi khi trẻ đi học. Rõ ràng việc để trẻ được quyền quyết định món ăn và số lượng ăn có vai trò quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. 

Như vậy, rõ ràng là tư duy về dinh dưỡng của các bậc phụ huynh Việt đang có vấn đề. Hay nói như thạc sĩ Trịnh Hồng Sơn - Viện Dinh dưỡng) thì nguyên nhân chủ yếu là người chăm sóc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học về dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực. Được biết, Viện Dinh dưỡng đang thảo luận cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng tới trong tương lai mỗi trường sẽ có một giáo viên dinh dưỡng.

Theo Cẩm Lệ
Pháp luật Việt Nam