Em trai cá độ, mẹ chồng bán nhà trả nợ và đến ở cùng chúng tôi
(Dân trí) - Vợ chồng tôi giờ như nuôi thêm một em bé khi người em chồng không có trách nhiệm đóng góp, san sẻ nợ nần hay công việc gia đình.
Tôi luôn tự động viên mình chỉ cần cố gắng, mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng thực sự, chuyện nọ cứ nối tiếp chuyện kia khiến đầu óc tôi chưa bao giờ thanh thản.
Tôi và chồng đều là người tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập, lập nghiệp. Sau khi ra trường, chúng tôi đi làm, kết hôn và dành dụm được gần 400 triệu đồng. Thời điểm đó, nhà nước có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho những cá nhân mua nhà xã hội.
Chúng tôi may mắn vay được gói hỗ trợ đó, cộng với số tiền dành dụm, chúng tôi mua được một căn chung cư diện tích 75m2.
Năm 2016, chúng tôi dọn về căn nhà mới. Niềm vui nhân đôi khi sau đó tôi sinh con trai đầu lòng.
Từ khi có con, công việc của chồng tôi khá thuận lợi. Mỗi tháng anh dành khoảng 7 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Số thu nhập còn dư, chúng tôi gửi tiết kiệm. Vợ chồng tôi dự định khi nào tích cóp được một khoản đủ lớn sẽ đem trả trước hạn gói vay kia.
Nếu mọi chuyện cứ như dự tính thì tốt. Nhưng cuộc sống này vốn có những bất ngờ. Với chúng tôi, bất ngờ đó không lấy gì làm vui vẻ.
Nhà chồng tôi có hai anh em trai. Bố chồng tôi qua đời sớm nên một mình mẹ chồng nuôi các con ăn học.
Em trai kém chồng tôi 7 tuổi nên được mẹ chồng vô cùng chiều chuộng. Chồng tôi kể, bố qua đời khi em còn nhỏ nên mẹ như dồn hết nhớ thương vào chú ấy.
Em trai chồng tôi học cao đẳng nghề và đi làm ở một công ty trong khu công nghiệp gần nhà ở quê. Song có lẽ vì kém chăm chỉ, thiếu kiên nhẫn nên chú ấy thường xuyên nhảy việc.
Đã thế, quê chồng tôi từ ngày có một số công ty may mặc, linh kiện điện tử chuyển về, dân cư đông đúc, đủ các chuyện phức tạp xảy ra từ nghiện ngập, cờ bạc đến cá độ.
Em chồng ham vui nên cũng bị xoáy vào những cơn lốc đốt tiền đó. Mẹ chồng vì thế hết lần này đến lần khác vác tiền nhà đi trả nợ cho con.
Bà thậm chí còn dọa từ mặt nếu con trai tiếp tục sa đà vào cờ bạc, cá độ. Chồng tôi cũng nói hết nước hết cái nhưng chú vẫn bỏ ngoài tai.
Tôi bức xúc lắm vì đã phải chấp nhận dành gần hết số tiền dành dụm của hai vợ chồng để trả nợ cho em chồng. Vậy mà chú ấy vẫn "ngựa quen đường cũ".
Những người thua bạc càng thua, càng muốn gỡ. Đỉnh điểm cuối năm ngoái, em chồng đã vay tiền tín dụng đen để cá độ bóng đá. Nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con vì thế lên tới hơn 1 tỷ đồng. Không còn cách nào khác, mẹ chồng tôi phải bán căn nhà ở quê đi để trả nợ cho con.
Trước khi bán, mẹ chồng gọi chúng tôi về họp gia đình và mong muốn chúng tôi thông cảm. Tôi dù rất buồn, cũng không còn lựa chọn nào khác. Bởi dù sao lúc ấy, căn nhà cũng là tài sản giá trị nhất mà bà có thể bán để lấy tiền trả nợ.
Một số người thân gợi ý sao không cầm cố nhà vay ngân hàng. Tuy nhiên, vì số tiền nợ quá lớn, có vay cũng không đủ trả nên mẹ chồng tôi xác định bán nhà trả nợ, đưa em trai rời quê, xa cách hẳn những cám dỗ.
Vậy là từ Tết đến nay, chúng tôi sống cuộc sống của gia đình 5 người gồm 2 vợ chồng tôi, con trai tôi, mẹ chồng và em chồng.
Căn hộ của chúng tôi chỉ có 2 phòng ngủ nên chúng tôi để một phòng cho mẹ chồng và em chồng ngủ. Vợ chồng tôi và con trai ngủ một phòng.
Từ ngày lên đây, mẹ chồng sống trầm lặng hẳn. Bà ít nói, nghĩ ngợi nhiều. Hai tháng gần đây, bà chủ động xin chúng tôi đi giúp việc, trông trẻ cho một gia đình trong chung cư.
Bà bảo muốn đi làm cho khuây khỏa và giảm gánh nặng cho vợ chồng tôi. Mỗi tháng, bà còn phải gửi tiền trả một số chủ nợ cũ.
Vấn đề nằm ở người em chồng. Vài tháng đầu mới lên, cả nhà cứ ngỡ chú đã thay đổi tính nết.
Sau khi được chồng tôi mua cho một chiếc xe máy, em chồng đi chạy xe ôm công nghệ, vận chuyển hàng. Nhưng khi vào hè, em chồng bắt đầu lấy cớ trời nắng nóng, ở nhà nhiều và không chịu đi làm.
Có hôm chú ấy ở nhà ngủ cả ngày, bật điều hòa suốt cả buổi chiều. Đến chiều tối, chú ấy mới xách xe ra đường chạy vài cuốc rồi về ăn cơm đúng giờ.
Mấy tháng mùa hè, thanh toán tiền điện, tôi thấy ngao ngán. Vợ chồng tôi giờ như nuôi thêm một em bé khi người em chồng không có trách nhiệm đóng góp kinh tế, trả nợ hay san sẻ công việc gia đình. Tiền làm chẳng đủ tiêu, đôi khi chú ấy vẫn ngửa tay xin mẹ chồng tôi.
Chồng tôi đã nhiều lần góp ý nhưng có lẽ mọi lời khuyên ngăn, dạy dỗ với chú ấy giờ chẳng có tác dụng gì. Tôi không biết phải chịu đựng cảnh này đến bao giờ. Con trai đã lớn, tôi đang mong muốn sinh thêm bé nữa.
Song trong tình cảnh này, tôi chỉ sợ mình suy nghĩ, ức chế nhiều sẽ ảnh hưởng đến con. Nhiều lúc, tôi cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.