Ê chề cảnh chồng đưa bồ đi nghỉ mát, gặp vợ đưa trai đi tắm biển
Vào hè, anh chồng bí mật đưa "bồ" đi nghỉ mát ở Sầm Sơn ngờ đâu lại gặp vợ cũng đi tắm biển với "bồ". Cả hai coi như không nhìn thấy nhau nhưng về nhà không ai nhìn mặt ai nữa.
Qua nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội có thể thấy hiện tượng những ông chồng ngang nhiên "ăn chả", hoặc lén lút "ăn vụng" bị phát hiện xảy ra khá nhiều. Khi rơi vào tình trạng bị chồng "qua mặt" như thế, những người vợ ngày nay phản ứng như thế nào?
Có thể nhận thấy 3 dạng thường gặp sau đây:
Thứ nhất, giả đui giả điếc làm ngơ hoặc âm thầm chịu đựng, chỉ than thở với người thân hoặc chuyên viên tư vấn, không dám tỏ thái độ gì, vì nói ra còn bị chồng chửi mắng, đánh đập hoặc đe doạ ly hôn nên đành cam chịu. Có người hy vọng chuyện "bồ bịch" lăng nhăng đàn ông mấy ai chẳng có nhưng rồi cuối cùng sẽ quay về với vợ con. Những người vợ này đa số sống phụ thuộc vào chồng.
Thứ hai, làm đơn ly hôn ngay sau khi phát hiện chồng ngoại tình, dù chồng xin lỗi hoặc hứa sửa chữa cũng không chấp nhận. Cách này đang góp phần làm gia tăng tỷ lệ ly hôn. Những phụ nữ này phần lớn có học hành, có nghề nghiệp, có lòng tự trọng cao, họ có ý thức về bình đẳng nam nữ và có thu nhập đủ sống và nuôi con.
Thứ ba, trả đũa hành vi phản bội của chồng bằng cách "ông ăn chả, bà ăn nem". Một số người sống ly thân, mỗi người tự quản lý phần tài sản riêng của mình vì không tin tưởng người kia. Họ không ly hôn nhưng "cơm ai nấy ăn, bồ ai nấy cặp". Những gia đình như thế thường hai vợ chồng có mức thu nhập ngang nhau, trình độ học vấn và địa vị xã hội tương đương nhau, nếu chồng đòi ly hôn họ sẵn sàng chấp nhận.
Hè vừa qua, một anh chồng bí mật đưa "bồ" đi nghỉ mát ở Sầm Sơn ngờ đâu lại gặp vợ cũng đi tắm biển với "bồ". Cả hai coi như không nhìn thấy nhau nhưng về nhà không ai nhìn mặt ai nữa. Lại một anh đưa "bồ" vào khách sạn ra đến chỗ lấy xe gặp vợ cũng đi với "bồ" đang vào gửi xe cùng chỗ ấy nhưng không ai nói với ai câu nào.
Có người cho rằng việc "trả đũa" nhau như vậy có tác dụng giải toả sự căng thẳng thần kinh tránh khỏi bị stress. Bởi vì khi trả thù được nhau họ cảm thấy hả hê vì mình đã "ăn miếng trả miếng" và cho kẻ bội tình một bài học? Nhưng có một thực tế là, đa số những người đi "ăn nem" để trả đũa chồng, ý định ban đầu của họ thường chỉ là để "giáo dục" chồng, để "cho chồng một bài học" chứ có khi người chồng ấy họ vẫn yêu, chỉ muốn làm sao để chồng thức tỉnh đừng lăm le đá vào lưới người, có khi đối phương "sút tung lưới nhà” lúc nào không biết.
Đa số những chị em đó không có ý định ly hôn vì nhiều lý do, có thể do vẫn còn tình yêu, do thương con, không muốn sống đơn lẻ suốt đời. Nhưng điều đáng tiếc là đa số trường hợp "ông ăn chả bà ăn nem" thường dẫn đến ly hôn ngoài ý muốn của họ hoặc kéo dài cuộc hôn nhân lủng củng suốt đời.
Cho nên trong thực tế, sự "trả đũa" bằng ngoại tình thường chỉ là bước đệm của sự đổ vỡ hoàn toàn. Bởi vì một khi đã trả thù còn biết đâu là giới hạn? Có người lúc đầu chỉ định cặp kè với một bạn trai làm "động tác giả" để thức tỉnh chồng, nào ngờ khi đã đưa chân vào con đường ấy khó mà rút ra được. Một bộ phim tâm lý của Hàn Quốc mới chiếu trên truyền hình gần đây, có hai người bị phản bội lúc đầu chỉ định vờ liên kết với nhau để lôi kéo chồng và vợ về với gia đình mà cuối cùng chính họ lại không gỡ ra được nữa.
Thiết nghĩ, nếu như sự phản bội của một người đã đến mức người kia không thể chấp nhận thì như ai nói “trả thù tức là đứng ngang hàng kẻ thù”, để cả hai cùng lầm lỗi như nhau dẫn đến "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi" thì đâu phải là giải pháp đúng đắn, nhất là con cái họ sẽ nghĩ thế nào trong một gia đình mà cả hai bố mẹ đều sẵn sàng vứt bỏ tất cả để trả thù nhau?
Phải chăng khi tình yêu đã không còn, chỉ còn nỗi đau đớn của người bị phản bội đến nỗi không muốn nhìn mặt nhau nữa thì chia tay đâu phải giải pháp tồi, ít nhất cũng không tồi hơn là tự hạ mình xuống để trả thù nhau?
Theo Trịnh Trung Hòa
Dân Việt