Đúng nhất là nhịn vợ?

Khi nghe thấy quan điểm đấy, nhiều phụ nữ giật mình, nhưng rồi họ cũng tìm được lí do để phân tích: Có ai bắt các ông phải nhường nhịn đâu, chẳng qua các ông không đủ... vốn từ để nói lại mà thôi!

Nói đến đức hi sinh và nhường nhịn, mọi người đều nghĩ ngay đến phụ nữ, như một thuộc tính đặc trưng không ai thay thế được. Nhưng nhiều người đàn ông cho rằng, nói về sự nhường nhịn, có lẽ chẳng ai qua nổi các ông.

 

Nhất là trong các cuộc “xung đột” và hàng ngày phải chịu đựng sự cằn nhằn kinh niên của các bà vợ thì đức tính này lại càng được khẳng định chắc chắn thêm nữa.

 

Trong nhiều trường hợp, các ông chồng nghĩ “im lặng là vàng” và họ thường rút lui khỏi cuộc chiến về ngôn ngữ. Bởi đúng là các ông thường không có kinh nghiệm và không đủ vốn từ cũng như sự chịu đựng về những cuộc cãi vã.

 

Nhưng các bà vợ thì khác, ngay cả khi các ông chồng chọn phương án im lặng thì các bà vợ lại coi đó không phải là sự nhường nhịn, mà là sự bất hợp tác và coi thường. Người phụ nữ thường thích được đối thoại, cho dù cuộc đối thoại đó gay gắt và dẫn đến những kết cục xấu. Và cái vòng luẩn quẩn của nó là lại tiếp tục cãi vã, xúc phạm và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

 

Khoa học chứng minh rằng, nam giới chủ yếu sử dụng bán cầu não bên trái, trong khi nữ giới “tận dụng” cả hai bán cầu đại não cho các hoạt động liên quan đến ngôn ngữ. Điều đó giúp họ khả năng đặc biệt về sự vượt trội và lưu loát ngôn ngữ hơn chồng, nhất là trong vấn đề... cãi nhau. Trong các cuộc xung đột, cãi vã, phần mất mát thuộc về cả hai phía. Sự tổn thương khiến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, con cái và người thân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, sức khỏe của cả hai đều xấu, bầu không khí trong gia đình ngột ngạt...

 

Vì vậy,  do “ưu thế” lợi khẩu và ít có điểm dừng của phụ nữ, phương án tối ưu vẫn là chồng nhịn vợ. Đối với các bà vợ thích đối thoại hơn im lặng thì các ông chồng cũng nên cố gắng trò chuyện ngay sau đó để giải tỏa bức xúc cho vợ, hơn là im lặng khiến gia đình căng thẳng. Điều đó giúp nhà cửa êm ấm, giúp vợ chồng gần gũi và giúp cho ngôn ngữ có ích hơn là để cãi nhau.

 

Theo Nhật Hà

Gia đình & Xã hội