"Đừng lên giường khi còn đang tức giận"

Huyền Anh

(Dân trí) - Bạn từng nghe điều đó từ ông bà, cha mẹ, hay rút ra từ kinh nghiệm bản thân, nhưng khoa học đã cho thấy đây không chỉ là "kinh nghiệm cá nhân" mà thực sự có cơ sở để chứng minh nó tốt cho sức khỏe.

Đừng lên giường khi còn đang tức giận - 1

Ảnh minh họa

Một nghiên cứu mới đây của Đại học bang Oregon (Mỹ) đã tìm thấy rằng khi con người cảm thấy các cuộc tranh cãi đã được giải quyết, thì những cảm xúc tiêu cực đi cùng cuộc tranh cãi đó cũng giảm xuống đáng kể nếu không muốn nói là biến mất hoàn toàn. Nhờ đó cảm giác stress cũng tan biến và điều này có lợi cho sức khỏe của chúng ta về lâu về dài.

Nghiên cứu đo cảm xúc của 2000 đối tượng tham gia trong 8 ngày, đánh giá phản ứng của họ đối với các cuộc tranh cãi hay những tình huống gây ra cơn nóng giận.

Nghiên cứu đã so sánh phản ứng của những người tham gia - cảm giác của họ vào ngày tranh luận so với cảm giác của họ trong những ngày sau cuộc tranh luận - được gắn nhãn là "tàn dư".

Kết quả cho thấy vào ngày tranh luận, những người cảm thấy rằng cuộc tranh cãi của họ đã được giải quyết sẽ có phản ứng bớt khó chịu hơn một nửa so với những người mà cuộc tranh cãi của họ chưa được giải quyết.

Vào ngày tiếp theo, những người cảm thấy vấn đề đã được giải quyết không còn thể hiện sự leo thang của phản ứng tiêu cực.

Điều này là do những người đã giải quyết các cuộc tranh cãi trước khi đi ngủ không dành cả đêm (một cách có ý thức hoặc vô thức) cố gắng vượt qua cơn giận một mình.

Một nghiên cứu khác cho thấy khi chúng ta ngủ, bộ não sắp xếp lại cách lưu trữ các cảm xúc tiêu cực, khiến chúng trở nên khó phá bỏ hơn trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với chúng ta không chỉ thức dậy tức giận hơn, mà còn có thể mang sự tức giận đó vào các bất đồng mới.

Đi ngủ khi chưa giải quyết mâu thuẫn phá hủy quan hệ của chúng ta thế nào?

Về mặt cá nhân, những căng thẳng còn sót lại từ việc kìm nén sự phẫn nộ có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Và các cảm xúc tiêu cực này cũng có thể tạo ra những tổn thương lâu dài trong mối quan hệ của bạn.

Carolyn Hidalgo, một chuyên gia về tình yêu và cuộc sống, cho biết: "Sự tức giận không được giải tỏa trước khi đi ngủ sẽ lưu giữ năng lượng xấu trong cơ thể bạn và làm cho cuộc tranh cãi tiếp theo trở nên tồi tệ hơn".

Các nguồn năng lượng chưa được giải quyết sẽ tích tụ, sau đó giải phóng theo cách biến thành cuộc chiến quanh việc "máy giặt được sử dụng thế nào" trong khi vấn đề thực sự nằm ở việc "không cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe".

Chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực không được giải quyết hoặc tìm cách giải quyết có thể khiến bạn trở nên nhỏ nhen và tức giận ngay cả trước những bất đồng nhỏ nhặt nhất.

Chuyên gia tư vấn hôn nhân Keith Dent cũng có quan điểm tương tự: "Cất giữ bực bội trong lòng có thể khiến một cuộc tranh cãi trở nên tồi tệ hơn, vì thực tế là bạn không thể giải quyết vấn đề trước khi đi ngủ. Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp, mối quan hệ hai người sẽ bền chặt hơn".

Nhưng Dent cũng thừa nhận rằng khác biệt lối sống, lịch trình làm việc và thời điểm xảy ra các cuộc tranh cãi bất ngờ có thể khiến một số cặp đôi không còn cách nào khác ngoài việc đi ngủ trong lúc bất đồng quan điểm.

Trường hợp nào giấc ngủ có thể giải quyết được bất đồng?

Cố thức khuya để giải tỏa mọi hiểu lầm không phải lúc nào cũng là một lựa chọn cho các cặp vợ chồng. Thêm vào đó, đôi khi tất cả những gì chúng ta cần chỉ là không gian và thời gian để bình tĩnh lại.

Dent cho rằng việc nghỉ ngơi có thể là cần thiết "khi cuộc tranh cãi đi vào bế tắc và không thể giải quyết được. Điều này đặc biệt quan trọng nếu một trong hai người hoặc cả hai người đều đang mệt mỏi. Bạn sẽ không thể suy nghĩ rõ ràng nếu đang kiệt sức".

Giải pháp tốt trong trường hợp này là cố gắng đi ngủ với mức độ tĩnh tâm cao nhất, ngay cả khi cuộc tranh cãi chưa hạ hồi phân giải. Hãy tìm ra điểm nào đó ở người bạn đời khiến bạn cảm thấy biết ơn, nói ra với nhau hoặc giữ lấy điều đó trong tâm để tìm kiếm sự tĩnh tại khi đi ngủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm