Đừng làm khổ con thêm nữa!

(Dân trí) - Hôn nhân đổ vỡ, mỗi người một hướng đi riêng, chỉ còn lại đứa con vô tội hứng chịu hậu quả đau lòng. Theo mẹ thì mất bố, theo bố thì mất mẹ, tình cảm của con tổn thương nghiêm trọng.

Người đưa tin giữa cha và mẹ

 

Trẻ không thích cảm giác là người đưa tin giữa hai người đang căm thù nhau hoặc phải nghe cha/mẹ nói xấu, kể tội nhục mạ người kia với chúng.

 

Thật không công bằng khi lôi kéo trẻ vào cuộc chỉ vì bạn ghét “cái bản mặt” của đối phương đến nỗi không thể mở lời nói thẳng.

 

Dù mối quan hệ đã trở nên quá tồi tệ, bạn cũng nên trao đổi trực tiếp với người kia những vấn đề liên quan đến trẻ như lịch học, thói quen sinh hoạt, lịch thăm con, hoặc các vấn đề về trường học.

 

Tiền bạc

 

Không nên đề cập đến chuyện trợ cấp tiền nong nuôi dưỡng trước mặt trẻ. Hãy đặt địa vị mình vào con để hiểu cảm giác của nó thế nào khi cha và mẹ kỳ kèo từng xu về khoản trợ cấp nuôi con hàng tháng. 

 

Nếu trẻ nghe được sẽ cảm thấy là gánh nặng cho cha mẹ. Hãy để chuyện tiền nong là vấn đề của người lớn, đừng biến trẻ thành trung gian tranh cãi về tài chính.

 

Nghe bố mẹ mắng chửi nhau

 

Trẻ sẽ tổn thương nếu nghe hai người mình yêu thương và coi trọng chỉ trích lẫn nhau. Tốt nhất không nên nói xấu nhau trước mặt trẻ.

 

Tuyệt đối không trút giận lên đầu trẻ kiểu như: “Mày lười/ương bướng giống hệt mẹ/bố mày”, “Bố/mẹ con không yêu con nên bỏ con đi đấy”, “Đừng tin mẹ/ bố mày, chẳng tử tế gì đâu”, “Rồi cũng có ngày mày bỏ tao theo bố/mẹ mày thôi con ạ”.

 

Tất cả những lời lẽ đó sẽ in sâu trong óc trẻ khiến chúng tủi thân và xấu hổ.

 

Biến con thành “gián điệp”

 

Nếu trẻ muốn tâm sự về quãng thời gian trẻ đến nhà vợ/chồng cũ của bạn thì hãy lắng nghe rồi thôi. Không nên thăm dò, “khai thác thông tin” để thoả mãn trí tò mò về cuộc sống riêng của người kia.

 

Khuyến khích con yêu thương cả cha dượng/mẹ kế, đừng gieo vào đầu trẻ những suy nghĩ hẹp hòi kiểu “mấy đời bánh đúc có xương…”.

 

Trẻ không đáng phải hứng chịu những tội lỗi không phải do chúng gây nên, do đó đừng trút bực tức lên chúng. 

 

Đừng cướp đi sự hồn nhiên của con

 

Bạn than phiền với con không ngớt về sự cô đơn và những khó khăn gặp phải sau khi ly hôn. Làm như vậy khiến trẻ cảm thấy buồn bã, tội lỗi và muốn làm “cha mẹ” bạn.

 

Hãy để trẻ sống đúng với sự ngây thơ, hồn nhiên của chúng. Đừng lôi kéo chúng vào những hệ luỵ của các bậc làm cha làm mẹ.

 

Đe doạ chấm dứt liên lạc với con

 

Trẻ đã tổn thương quá nhiều sau khi hai người mà chúng yêu thương nhất chia tay, đừng làm chúng sợ mất cha/mẹ thêm một lần nữa chỉ vì người kia không thực hiện đúng những gì bạn yêu cầu. 

 

Những đứa con trong gia đình ly hôn thường có tâm lý bất ổn, dễ bị tổn thương và dễ sa ngã nếu thiếu sự quan tâm và giáo dục cần thiết của cha và mẹ.

 

Hãy để trẻ khôn lớn bình thường như những đứa trẻ khác. Các con bạn cần cả cha và mẹ với vai trò là người nuôi dưỡng và tấm gương tốt cho trẻ soi vào.

 

Hãy đem lại cho con những điều tốt nhất, bù đắp cho con những thiếu hụt tình cảm và tổn thương tinh thần. Thể hiện với con rằng dù cha mẹ không còn yêu nhau nữa nhưng cả hai vẫn luôn yêu thương con.

 

 

Thầm Anh

Theo Singlecafe