Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6:

Đừng để trẻ “sống ảo” trong thế giới thực

(Dân trí) - Ít dần những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ - con cái, trẻ đắm chìm trong thế giới của internet, game, truyện tranh…Cuộc sống “ảo” nhiều hơn cuộc sống thực khiến nhận thức, hành vi của trẻ dễ có những lệch lạc, dễ khiến trẻ thành con người ích kỷ, chỉ biết bản thân.

 
Đừng để trẻ “sống ảo” trong thế giới thực - 1
Hãy quan tâm hơn tới con trẻ, để "đưa" trẻ trở về với cuộc sống thực, phát triển hoàn thiện cả thể lực và tâm hồn
 
 
Vì sao con cái xa bố mẹ?

TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, trước sự mở rộng, giao lưu của xã hội ngày càng mạnh mẽ, gia đình - một tế bào của xã hội ắt cũng phải có những đổi thay so với gia đình truyền thống, gia đình cũng “mở” hơn, hướng ngoại để phù hợp với xu thế xã hội.

Tuy nhiên, có một thực tế, đó là tính hướng ngoại trong gia đình hiện đại đã không còn cân đối với tính hướng nội, mà lấn át nhiều hơn. Trong khi đó, với gia đình, việc dành thời gian cho gia đình, cho những thành viên trong gia đình có ý nghĩa quan trọng để gắn kết các thành viên trong cùng một mái nhà.

Thực tế dễ nhìn nhận, đó là trẻ em thành phố không có những ngày hè, ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa bên cha mẹ mình. “Hè nhưng mình chỉ cho con nghỉ được 4 ngày đi nghỉ cùng gia đình, còn trường con vẫn nhận giữ trong suốt kỳ hè. Ngoài ra còn tổ chức 5 câu lạc bộ hè cho các con, từ câu lạc bộ Đồ rê mí, CLB Khéo tay hay làm, CLB Khám phá khoa học, CLB Bé yêu văn học, CLB Dancesport, mình đều cho con tham gia hết. Vì hai vợ chồng đi làm từ 7h sáng, tới 7h tối mới về, không có thời gian để trông bé. Suốt cả năm, bé đều là thành viên tích cực của lớp đón muộn của trường. Khi đón về, chỉ tắm giặt cho con, cho con uống cốc sữa rồi lại đi ngủ, mai bắt đầu ngày học mới. Biết là con thiệt thòi, không được gần bố mẹ nhưng hoàn cảnh công việc, mình cũng không biết tính sao”, chị Hải, mẹ của bé Anh Đăng 5 tuổi đang học tại một trường mầm non tư thục cho biết.

Còn với Hải Yến (phố Đại An, Hà Đông, Hà Nội), mỗi mùa hè, Yến đã quá quen thuộc với các câu lạc bộ ở cung văn hóa thiếu nhi. Bố mẹ đi làm cũng không đảm nhiệm được việc đưa đón bé mà giao hẳn việc đưa đón cho người hàng xóm làm nghề xe ôm.
 
Đừng để trẻ “sống ảo” trong thế giới thực - 2

Tạo cho con một môi trường vui chơi lành mạnh là điều cần thiết mà cha mẹ dành cho con trẻ. (Ảnh: Công Quang)

Theo TS Tuấn, ở thành phố, không khó để thấy các ông bố bà mẹ đi làm cả ngày giao con cái cho người giúp việc, học hành thuê gia sư, đẩy con cái đến các lớp học thêm, học năng khiếu… Còn ở nông thôn, gia đình cũng khó đoàn tụ bởi không bố thì mẹ đi làm ăn xa, thậm chí cả bố mẹ đi làm ăn để con cho ông bà chăm. Không có điều kiện tiếp xúc nhiều khiến sự gắn kết giữa con cái - bố mẹ ngày càng trở nên lỏng lẻo. Trẻ thực sự trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không có người để trò chuyện, tâm giao nên càng trở thành bạn thân thiết của máy tính, internet, game, truyện…

“Áp lực công việc, kiếm tiền, áp lực học tập của con cái không chỉ giảm sự tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái, mà nhu cầu học hỏi của con cái từ bố mẹ cũng không được đáp ứng. Trước “một rừng” những thắc mắc của con nhỏ mà không có thời gian giải đáp, trẻ sẽ phải tự tìm tòi, học hỏi, khám phá và phải tự thoải mãn nhu cầu đó nhờ máy tính, internet...”, BS Tuấn nói.
 
Cân bằng thế giới ảo - thực
 
Dù máy tính, internet mang đến nguồn kiến thức khổng lồ cho các bạn trẻ, nhưng với những người làm nghề trong lĩnh vực tâm lý thì internet, truyện tranh, game… mà nhiều bạn trẻ đắm chìm trong đó chí là thế giới ảo. “Khi điều kiện tiếp xúc của con cái và bố mẹ ngày càng bị hẹp lại lại càng kích thích đứa trẻ tìm đến cuộc sống ảo, tách rời với cuộc sống thực. Ở thế giới ảo, trẻ không được rèn các kỹ năng nói, nghe, ứng xử trong đời sống thực của gia đình, xã hội nên trẻ tự đưa ra những ứng xử của mình. Sự tự lập tự quyết định hành vi luôn được khuyến khích, nhưng với những trẻ này, kinh nghiệm thực tế lại không có nên dễ dẫn đến những lệch lạc về hành vi, sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn bản thân… Đó là một phần căn nguyên của những hành động bộc phát, bỗng dưng muốn có xe là có thể đi cướp xe, muốn có điện thoại sài thì đi cướp điện thoại… của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
 
 
Đừng để trẻ “sống ảo” trong thế giới thực - 3

Vì trong thế giới ảo của trẻ, trẻ tự chủ mọi vấn đề, thích đọc, thích xem cái gì là quyền của trẻ. Thói quen này dần tạo cho trẻ hành vi, lối sống, suy nghĩ mình là trung tâm, thành nếp quen đứa trẻ là trung tâm sẽ khiến trẻ bất chấp tất cả để thoải mãn, khiến trẻ trở thành đứa bé ích kỷ, chỉ biết mình bản thân.

“Chỉ khi lăn vào cuộc sống thực, sống, lớn lên trong thế giới thực trẻ mới rèn được cách sống thực, chứ không phải là trong môi trường ảo. Hành vi được điều chỉnh bởi cuộc sống thực, bởi chính sự uấn nắn của bố mẹ, ông bà chứ không phải là máy tính, gấu bông hay truyện tranh. Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp”, BS Tuấn nói.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm