Dòng nhật kí đẫm nước mắt của đứa trẻ bị “cô đơn” trong gia đình mình
Rất nhiều bố mẹ thành đạt, con cái không hư nhưng chúng lại gặp cảnh cô đơn trong cuộc sống gia đình đã khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, trầm cảm.
Những dòng nhật ký đẫm nước mắt
Mới đây, một bà mẹ xin lời khuyên của cư dân mạng để giúp con mình vừa bị tai nạn đã gây nhiều sự chú ý. Chị kể, con chị đang học lớp 6, bỏ nhà đi mấy ngày và bị tai nạn đang phải điều trị ở bệnh viện. Những dòng nhật ký viết ít, không hết câu chuyện, nhòa nhoẹt nước mắt của chị và của con, nhưng đọc thấy xót xa khi con cô đơn, buồn bã đã không được giúp đỡ kịp thời.
Hai vợ chồng chị là những doanh nhân thành đạt, hai con cũng học hành chăm ngoan, giỏi giang. Chồng chị đi công tác triền miên, về nhà là say xỉn – do phải giao lưu với đối tác kinh doanh. Chị cũng mải làm ăn tối ngày để gia đình có cuộc sống dư giả hơn. Cuộc sống của họ xoay quanh cơm áo gạo tiền nên vợ chồng dễ mệt mỏi cáu gắt… Cả ngày con chỉ được gặp bố mẹ lúc ăn cơm, mà nhiều bữa bố mẹ càm ràm, cãi vã… và không ngờ áp lực kiếm tiền đã ảnh hưởng mạnh tới tinh thần con gái nhỏ mà chị mới biết qua những dòng nhật ký ngắn ngủi:
“Hình như gần 2 tháng nay bố mẹ không đưa con đi chơi”.
“Sáng nay con đã nhịn ăn sáng để mua hoa tặng mẹ, chắc mẹ sẽ rất vui”.
“Con không dám tặng hoa mẹ ngày 8/3 vì sáng nay mẹ đã lôi tay con xềnh xệch ra khỏi nhà. Con ghét mẹ”.
“Hôm nay con được cô giáo khen mẹ ạ. Con vui lắm, lúc về con muốn khoe với mẹ. Nhưng bố mẹ lại cãi nhau. Con nghĩ là con khoe mẹ cũng sẽ mắng con mất”.
“Chẳng ai quan tâm tới con cả. Hôm nay thằng H bảo con lấy cái bút của nó rồi giấu đi. Nó còn bảo cái bút đó bố nó mua tặng sinh nhật. Nhưng con không lấy cái bút đó dù nó màu tím rất đẹp. Chẳng ai tin con, thế là cô giáo bắt con mời mẹ lên nói chuyện”.
“Con muốn chuyển trường. Không ai tin con. Mẹ còn đánh con nữa”.
“Con ghét bố mẹ. Ghét tất cả”.
Theo các nhà tâm lý, cha mẹ ngày nay dành nhiều sự đầu tư hơn cho con cái trong chuyện học hành, dinh dưỡng. Thời gian biểu của trẻ ngoài học trên lớp, còn học đàn, múa, hát, bơi lội, năng khiếu… Nhưng sự quan tâm ấy là kỳ vọng của bố mẹ, với áp lực phải thành công, xếp thứ hạng cao đã vô tình đánh mất đi tuổi thơ và nụ cười hồn nhiên của các con. Và những thứ đó không thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ nhất giữa trẻ với bố mẹ.
Để những đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ, nhiều bố mẹ còn sắm cả iphone, ipad để con giải trí, cho thế là lợi cả đôi đường, trẻ được chơi và phát triển trí tuệ, bố mẹ được rảnh rỗi làm việc của mình. Cơm áo gạo tiền khiến bố mẹ lấy hết quỹ thời gian ít ỏi dành cho con, họ biện minh đó là làm việc vì gia đình, vì tương lai con cái. Nhưng sau tất cả những nỗ lực đó là khoảng cách bố mẹ - con cái ngày càng lớn dần với những hệ quả khó lường. Khi bố mẹ nhận ra nhiều trẻ đã rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực – trầm cảm.
Bố mẹ hãy chơi với con
Giáo sư Nguyễn Đình Cử (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội) từng kể rằng, ông là nhà nghiên cứu về các vấn đề xã hội, vợ là giảng viên đại học, nhưng từ khi con trai còn nhỏ mỗi lần ông đạp xe đi đón là hai bố con đi bộ, dạo quanh bờ hồ như tập thể dục và thư giãn. Thời điểm đó ông thủ thỉ chuyện trò với con trai như những người bạn. Vì thế bố con gần gũi nhau, gia đình gắn kết và con trai ông luôn là con ngoan trò giỏi.
Các nhà tâm lý học khuyên các bố mẹ trẻ hãy gạt tất cả mọi việc sang một bên để chơi với con nhiều hơn. Hãy dành thời gian cuối tuần cho trẻ, hòa vào những trò chơi vận động thể chất mang tính tập thể (như bơi lội, trượt cỏ, picnic… để cả nhà cùng tham gia, học cách chia sẻ và đoàn kết, để con cái cảm nhận được sự gần gũi của bố mẹ, là dịp trẻ dễ kể tâm sự thầm kín của mình.
Thực tế người lớn bận nhưng vẫn dành thời gian đi nhậu, đi chơi, cà phê, chat chít, tán gẫu với bạn bè. Họ không có sự giao lưu với xóm giềng nên phát sinh căn bệnh “tán gẫu trên toàn cầu”. Bố mẹ hãy bớt thời gian “tán gẫu” để chơi với con, đừng để trẻ lủi thủi một mình, hoặc phó mặc cho người trông trẻ, hoặc các “bảo mẫu công nghệ” máy tính bảng, iphone, Ipad… Hãy cương quyết không dán mắt vào những thiết bị công nghệ khi ở bên con, bởi như thế sẽ làm các thành viên ngày một xa cách và con trẻ khôn lớn sẽ không đọng lại kỷ niệm yêu thương nào để nhớ về bố mẹ.
Bác sĩ tâm lý y khoa Ấn Độ - Newton Kondaveti khi giảng về “Chữa lành và hàn gắn” ở Việt Nam đã chia sẻ, ở gia đình ông đã hình thành thói quen mỗi sáng dậy cả nhà thường ôm hôn nhau để có năng lượng yêu thương, cùng nhau ăn sáng rồi mới mỗi người mỗi việc. Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, nhưng các bố mẹ hãy dành thời gian vui chơi cùng con, nói những lời yêu thương từ tận đáy lòng. Hãy luôn nói “Bố mẹ yêu con nhiều lắm”. Hãy ôm hôn con mỗi ngày, hãy đặt những nụ hôn lên má trẻ mỗi sáng trước khi con đi học hay mỗi tối trước lúc con đi ngủ, hoặc trao một cái ôm thật yêu thương trìu mến. Chỉ cần vậy thôi trẻ đã cảm thấy ấm áp và hạnh phúc lắm.
Theo Uyển Hương
Gia đình và Xã hội