Bạn đọc viết
Đơn côi trong hạnh phúc mới
(Dân trí) - "Tôi cảm thấy lạ nhưng vẫn tin rằng ông là người tốt và rất có tình cảm. Đôi khi con người ta có nhiều chuyện buồn phiền khiến họ trở nên suy tư..."
Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội, tôi lớn lên trong căn nhà nhỏ cùng mẹ và bà ngoại. Trước đó bố tôi cũng từng chung sống với hai mẹ con trong 10 năm. Nhưng 10 năm là một thời gian khá dài cho một sự bất hạnh và căng thẳng trong gia đình. Rồi bố mẹ tôi chia tay.
Tòa án đã trao quyền nuôi nấng, dạy dỗ tôi cho mẹ. Thời gian trôi, dần dần bố mẹ cũng tự tìm được hạnh phúc riêng cho mình.
Ba năm sau khi chia tay, bố tôi tìm được người thay thế vị trí của mẹ. Cô ấy rất tốt với tôi, họ thực sự là một gia đình yên ấm, hạnh phúc, với tiếng cười khóc của người em trai duy nhất tôi có. Tôi từng có lúc ở cùng gia đình ông bà nội và bố một thời gian ngắn, tôi cảm giác như đó là gia đình thực sự mà mình hằng mong ước. Tiếng cười nói vui vẻ và rôm rả của ông bà, bố dì và em tôi, một sự ấm cúng đến khó tả.
Vài ba năm sau cũng là lúc mẹ tôi đi tiếp bước thứ hai trong cuộc đời. Bố dượng tôi đến từ một xứ sở Bắc Âu giàu có, văn minh và hiện đại. Tôi đã không hề cảm thấy khó chịu hay khổ tâm khi thấy mẹ quyết định đến với hạnh phúc mới, ngược lại, tôi rất vui sướng và hân hoan khi biết rằng bố dượng là người phương Tây. Tôi cũng từng chat với ông qua mạng và thấy rằng ông là người dễ mến. Khi ấy tôi 13 tuổi, ngây thơ nghĩ về một tương lai tươi sáng.
Rồi một ngày, tôi vui mừng khôn tả khi được mẹ quyết định đưa sang châu Âu sinh sống cùng bố dượng. Tạm biệt gia đình và họ hàng, tôi cùng mẹ lên đường vào mùa hè năm ấy.
Sang đến nơi, tôi nhận thấy rằng ở hai thế giới khác nhau, internet và ngoài đời, bố dượng tôi là hai con người hoàn toàn khác nhau. Ông không vui vẻ như tôi nghĩ. Nhưng tôi đoán rằng đó chỉ là cách ông thể hiện bên ngoài, thực sự con người ông rất tốt và nhiệt tình.
Vào những ngày đầu mới đến, theo thói quen tôi thường hay vào phòng mẹ chơi và nói chuyện. Có một vài lần, tôi không nhận được sự đáp lại tiếng chào của tôi khi ông mới về. Điều đó làm tôi cảm thấy lạ nhưng vẫn tin rằng ông là người tốt và rất có tình cảm.
Vài tuần sau đó vào một buổi sáng, tôi xuống phòng mẹ và đã sững người khi đọc được dòng chữ viết bằng tiếng Anh dán trên cửa phòng: “Không ai được quyền vào phòng này ngoại trừ bà D (mẹ tôi) và ông E (bố dượng tôi)”.
Câu trả lời cho sự lạnh nhạt và cách cư xử khác thường của dượng tôi đã rõ. Tôi thấy lòng tê tái khi nhìn vào những dòng chữ ấy, ứa nước mắt chứa đầy nỗi thất vọng sau bấy lâu mong chờ vào một hạnh phúc gia đình mới.
Từ đó mà tôi cũng biết rằng dượng luôn khó chịu với sự có mặt của tôi trong nhà. Cũng chính vì điều đó mà mẹ và ông ấy cãi nhau. Mẹ bắt đầu nhận được những lời phàn nàn từ ông về tôi trong khi ông chưa một lần trực tiếp “dạy bảo” tôi. Ông bắt đầu phân biệt đối xử với tôi thấy rõ, và lúc nào cũng so sánh tôi với các con riêng của ông. bới móc từng chi tiết nhỏ nhặt và vặt vạnh để cho rằng tôi có lỗi.
Những hành vi thiếu tôn trọng tôi đã trở thành cơm bữa. Những tờ giấy, hay đúng hơn là những tấm biến được dán ở những điểm bắt mắt trong nhà ngày một nhiều và tất nhiên hướng đến một người không ai khác là tôi.
Không khí gia đình trở nên nặng nề. Càng ngày tôi càng không thể chịu nổi sự vô lý đến quá quắt. Mẹ và tôi đã nhiều lần nói lên những điểm sai của ông, nhưng ông luôn lấy lý do rằng đây là nhà ông và ông có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn.
Ngôi nhà đã bị ông làm mất đi cái không khí gia đình. Nó như nơi công cộng dán đầy biển và một “người lạ” là tôi phải đọc và “biết điều”.
Đã có lúc tôi mong mẹ nghĩ lại, để tôi có thể có một cuộc sống yên bình hơn. Nhiều năm trôi qua, mọi chuyện không có gì tốt đẹp hơn. Mẹ tôi lại cho rằng tôi và dượng chưa hiểu nhau để có thể sống chung, bà còn nói rằng chúng tôi cần thời gian để có thể thông cảm cho nhau.
Nhưng với tôi, từng ấy năm trời đã quá đủ. Mọi hy vọng về một mái ấm gia đình mới đã tan biến từ rất lâu. Giờ đây khi đã là một con người biết suy nghĩ, tôi vẫn thường nghĩ, giá như năm xưa tòa án trao quyền nuôi dạy tôi cho bố thì có lẽ tôi đã không phải cầm giấy bút để viết lên những dòng này …
ndl.alex...@gmail.com