Đối tác ngoại tình, sao lại đổ lỗi cho bản thân?
(Dân trí) - Hãy nói thật lòng, bạn có từng cảm thấy mình có lỗi sau khi phát hiện nửa kia ngoại tình không? Bạn có cảm thấy tức giận, buồn khổ hay quá sức chịu đựng?
Người phản bội là nửa kia nhưng bạn lại đang tự trách mình. Bạn muốn tìm kiếm lý do tại sao chuyện đó lại xảy ra, bạn nghĩ rằng lẽ ra mình có thể làm gì đó để mọi chuyện khác đi. Quyết định đổ lỗi hoàn toàn cho bản thân không có lợi cho trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn, sẽ khiến bạn cảm thấy bế tắc, tự hỏi làm thế nào để thay đổi quá khứ.
Tại sao bạn có thể tự trách mình khi người lừa dối là người kia? Làm thế nào bạn có thể vượt qua cảm giác tự trách mình và tiến tới một mối quan hệ lành mạnh?
Dưới đây là những lý do vì sao bạn tự trách bản thân và cách làm lành vết đau của bạn:
Bạn cảm thấy bị vứt bỏ
Khi bạn phát hiện ra đối tác của mình lừa dối, điều đó thật kinh khủng. Bạn cảm thấy mình bị vứt bỏ, mình không đủ tốt.
Thử tưởng tượng một người vợ nghĩ rằng vợ chồng cô ấy hạnh phúc. Hai người vừa trở về sau một kỳ nghỉ mà họ thực sự đã rất thích và còn nghĩ rằng họ sẽ đi một chuyến khác. Thế rồi sau đó, cô nhìn vào điện thoại của chồng và thấy tin nhắn từ một người phụ nữ khác…
Tất nhiên là cô ấy sẽ tức giận. Nhưng đồng thời, cũng ngay lập tức đặt câu hỏi tại sao mình không đủ tốt với chồng. Tại sao anh ta phải đi tìm kiếm tình yêu và tình cảm ở một nơi khác? Có phải vì mình làm việc quá nhiều, tăng cân, hay dành quá nhiều thời gian cho bọn trẻ? Mình không còn trẻ hay đủ xinh?
Sự việc xảy ra vì nhiều lý do, nhưng thường lại không có lý do nào là điều bạn đã làm hoặc không làm. Mọi người bị thu hút bởi nhiều lý do khác nhau và sự hấp dẫn trong các cuộc tình thường không liên quan gì đến đối tác ban đầu - nó liên quan đến bong bóng mà những kẻ lừa dối tìm thấy khi mối quan hệ của họ phát triển.
Không phải những gì bạn không có hoặc đã làm gây ra sự phản bội. Chính những gì tồn tại trong mối quan hệ của người hai họ gây ra chuyện tình cảm ngoài luồng.
Bạn đổ lỗi cho mình nhẹ dạ cả tin
Thử thành thật nhé, có khi nào bạn tự hỏi “có chuyện gì đang xảy ra với người bạn đời của mình” hay không?
Bạn có cảm thấy họ đang xa cách, hay không phải lúc nào cũng về nhà đúng giờ, hoặc luôn khư khư ôm điện thoại? Bạn có để ý những điều đó nhưng lại đẩy đi những suy nghĩ không tưởng?
Hoặc có thể bạn thực sự đã không cảm thấy điều gì bất ổn, cho đến khi biết bị phản bội, bạn thấy mình ngu ngốc vì bỏ lỡ các dấu hiệu?
Nhiều người trong chúng ta như vậy. Chúng ta thậm chí không cho rằng nửa kia có thể thiếu chung thủy hoặc phớt lờ các dấu hiệu đỏ vì không nghĩ rằng đối tác của mình có khả năng lừa dối.
Rồi khi phát hiện họ lừa dối, chúng ta thậm chí lo lắng hơn vì mình đã không biết điều đó, người từng thề thốt yêu thương lại là kẻ lừa mình.
Tôi có thể cam đoan rằng bạn không hề là người nhẹ dạ cả tin, bạn không ngu ngốc khi hoàn toàn không biết về những gì đang xảy ra sau lưng mình. Chẳng qua bạn là người đang cố gắng làm những điều tốt nhất, trở thành người tốt nhất mà bạn có thể trong một mối quan hệ và tin tưởng đối tác của mình.
Đối tác của bạn đã nói dối. Họ đã lừa bạn. Đó không phải lỗi của bạn - vấn đề nằm ở phía họ!
Niềm tin của bạn bị phản bội
Khi bạn phát hiện ra đối tác của mình lừa dối, bạn đơn giản là không thể tin đó là sự thật. “Đây là người đàn ông của tôi, đã đứng trước mặt bạn bè và gia đình tôi hứa yêu thương tôi mãi mãi. Làm thế nào mà người tôi đã chung sống nhiều năm lại có thể phản bội tôi hoàn toàn như vậy?”…
Trớ trêu thay, chính niềm tin này lại là lý do bạn đang tự trách mình sau khi bị bạn đời lừa dối. Bạn được lập trình để yêu và tin tưởng đối tác, nên bản năng hướng về những khiếm khuyết của bản thân là một bản năng sâu sắc.
Khi biết chồng cũ ngoại tình, tôi cũng rơi ngay vào cảm giác tối tăm đó. “Đây là cha của các con tôi, một người đàn ông mà tôi vô cùng kính trọng, người mà tôi đã chung sống. Anh ấy phản bội tôi theo cách đó khiến tôi nghi ngờ mọi thứ về bản thân mình”.
Nhưng bây giờ tôi biết rằng, chồng cũ của tôi đã ngoại tình, cuộc tình đó không làm mất đi mọi thứ trong quá khứ của chúng tôi. Anh ấy đã làm tôi thất vọng nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về hành động của anh ấy. Những gì anh ấy làm đều là do anh ấy.
Ảnh hưởng đến con cái
Nạn nhân lớn nhất của sự không chung thủy là bọn trẻ. Tôi là đứa con có cha mẹ ly hôn và không hề muốn điều đó xảy đến với các con của mình. Khi tôi phát hiện ra người bạn đời của mình lừa dối và muốn ly hôn, tôi nghĩ ngay đến các con, nghĩ đến gia đình mà chúng sẽ mất.
Tôi đã hứa với các con rằng mình sẽ làm mọi thứ trong khả năng để cố gắng giữ gia đình, nhưng tôi thất bại. Tất cả những nỗ lực của tôi đều vấp phải sự tức giận và thiếu tôn trọng, cuối cùng tôi phải từ bỏ.
Trong nhiều năm, tôi tự trách mình vì đã lấy đi gia đình của bọn trẻ. Nhưng bây giờ tôi biết rằng điều đó không phụ thuộc vào tôi. Chồng tôi là người lạc lối ngay từ đầu. Anh ấy sẵn sàng từ bỏ gia đình vì ham muốn ích kỷ của bản thân. Dù tôi cố gắng sửa chữa mọi thứ, tôi chẳng thể làm được một mình. Đổ lỗi cho bản thân thật lãng phí thời gian, giờ tôi đã nhìn ra điều đó.
Tự trách bản thân khi bị lừa dối là một phản ứng phổ biến
Cảm giác bị vứt bỏ, trách mình cả tin, thấy mình có lỗi khi để mất gia đình… sẽ thường xuyên xuất hiện khi bạn đang vật lộn với hậu quả của cuộc ngoại tình. Tất cả những điều đó làm lu mờ khả năng phán đoán và khả năng suy nghĩ sáng suốt của bạn.
Hãy cố gắng đẩy lùi cảm giác tự trách bản thân. Đây không phải lỗi của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong mối quan hệ, chứ không thể chịu trách nhiệm với hành vi gian dối của đối tác. Càng sớm thấy điều này, chấp nhận nó, bạn càng sớm tiến được về phía trước và bắt đầu làm lành vết thương.