Góc tâm hồn

Đoàn văn công ngày ấy

(Dân trí) - Vào thời điểm mỗi gia đình chạy gạo lo từng bữa thì việc vui chơi giải trí là một vấn đề tưởng chừng rất xa xỉ. Thế mà mỗi lần nghe loa báo có đoàn văn công về làng là lũ trẻ chúng tôi hồ hởi như sắp được dự lễ hội lớn.

Cứ đợi đến lúc mùa gặt vừa xong, xem như nhà nông có thời khắc nhàn rỗi là các đoàn văn công thay nhau về làng quê biểu diễn. Hồi đó người dân quê tôi gọi là văn công, giờ đây thì người ta gọi là đoàn văn nghệ. Những đứa trẻ con nhà nông như chúng tôi có bao giờ đi xa được khỏi lũy tre làng nên làm gì biết đến thứ giải trí xa xỉ này. Có đứa con nhà khá giả, tối đến được bố mẹ đèo xe đạp lên tận thị xã Quảng Trị cách hơn 15 cây số mới xem được. Đứa nào lên được thị xã, về quê thường khoe thứ này thứ kia, nào là được nhìn thấy diễn viên nhiều người hâm mộ, được tặng hoa, được bắt tay. Còn những đứa trẻ như tôi thì mường tượng mà mơ ước…

 

Khi nghe loa phóng thanh râm ran ngoài đường cái quan, lũ trẻ xì xào về một buổi tối được thoả cái lỗ tai nghe nhạc. Chiều hôm đó làm gì thì làm cũng phải nịnh mẹ việc gì cũng làm để tối mẹ cho đi xem. Người lớn cũng vui chẳng kém. Mỗi khi cái loa phóng thanh của làng vang lên: “Alô, alô tối nay đúng 7 giờ 30 phút tại sân bóng của làng sẽ có đoàn văn công X đến biểu diễn, kính mời bà con…” là các bác làm vườn ngưng tay cuốc nghe ngòng rồi lại bàn tán về diễn viên này, ca sĩ kia.

 

Trên một bãi đất khá rộng mà lũ trẻ chúng tôi thường đá bóng mỗi chiều, người ta dựng lên sân khấu, vây màn xung quanh rồi biểu diễn. Trẻ con thường được đi kèm với người lớn mỗi khi vào cổng mà không mất tiền. Có đứa còn nhỏ được ba mẹ bế trên tay, có đứa được ngồi trên vai. Chúng tôi lúc nào cũng muốn chen tới đằng trước để xem cho rõ. Đó là những vở kịch với các diễn viên trang điểm loè loẹt trông thật vui mắt hay là những ca khúc hát về đồng quê được bà con nhà nông ưa chuộng. Xong mỗi bài hát, mỗi vở kịch là tiếng vỗ tay rầm rộ, ai ai cũng phấn khởi, vui vẻ sau một ngày mệt nhọc. Vui nhất là những bà mẹ quá đam mê văn công bế đứa con trên tay ngủ gà ngủ gật mà gắng xem cho hết chương trình mới ra về.

 

Thế rồi điện kéo về làng, kinh tế khấm khá hơn nên nhà nhà có TV, có đầu đĩa tuỳ thích nghe nhạc, xem phim. Lâu dần những đoàn văn công ngày xưa không về làng diễn nữa. Lũ trẻ chúng tôi cũng lớn lên người Nam, kẻ Bắc. Mỗi lần trở về quê vào những dịp lễ, Tết làng thường tổ chức đêm liên hoan văn nghệ. Nhìn những đứa trẻ con chen chúc, vui vầy bên nhau xem ca múa hát mà thấy mình trở lại những ngày thơ. Lòng bùi ngùi nhẫm lại câu thơ cũ của Nguyễn Bính: “Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”.

 

Yên Mã Sơn