Điên cuồng vì giai trẻ biến mất sau khi trao thân cho anh ta
Sống yên ấm với chồng con nhưng chị thấy tẻ nhạt, nên khi có gã trai kém chị 10 tuổi theo đuổi, chị thấy cuộc đời "thăng hoa" lần nữa. Và chẳng mấy chốc chị biến mình thành nô lệ của tình yêu.
Một chị 37 tuổi tìm đến trung tâm tư vấn khóc lóc. Chị cho biết, chị đã có gia đình yên ấm, chồng hiền lành, chỉn chu, chăm lo cho vợ con. Nhưng chị vẫn thấy cuộc sống nhạt nhẽo. Nên một ngày, bỗng nhiên chị gặp một gã đàn ông kém chị đến 10 tuổi theo đuổi mình. Ngây ngất trước những lời đường mật rót vào tai, chị đã nhẹ dạ trao thân cho hắn ở một nhà nghỉ ngoại ô.
Những ngày đầu của cuộc tình vụng trộm, chị thấy như mình đang từ mặt đất được một bàn tay vạm vỡ nâng lên lơ lửng chín tầng mây. Chị đã nghĩ đến việc ly hôn để 24/24h được ở bên người tình, được la to cho cả thế giới biết người đàn ông tuyệt vời của mình.
Nhưng đùng một cái, người tình của chị biến mất cũng nhanh như lúc hắn hiện ra. Chị đến nhà tìm hắn, người giúp việc bảo hắn đi vắng. Chị gọi điện thoại nhưng hình như cứ nghe tiếng chị là hắn cúp máy. Bây giờ chị lâm vào một tình trạng điên cuồng mà chính chị tự nhận là “sống dở chết dở”.
Nô lệ tình yêu
Lại một nữ kỹ sư 27 tuổi tâm sự, chị bị người tình bỏ rơi đã nửa năm nay. Nhưng cứ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống - là khoảnh khắc mà trước đây người yêu hay gọi điện - cô lại ngồi thẫn thờ nhìn cái điện thoại chờ đợi một cách vô vọng.
Ngay cả những người có vẻ cứng cáp, độc lập nhất cũng có nguy cơ bị “bẻ gãy” vào một ngày nào đó. Điều khủng khiếp nhất trong nỗi đau này là người ta không dự kiến trước được tình hình có thể xảy ra. Hầu hết những nạn nhân của sự lệ thuộc đều bị bất ngờ. Họ không hiểu tại sao cuộc đời lại tàn nhẫn với họ thế?
Những nạn nhân khốn khổ của sự lệ thuộc thường có cảm giác như mình là nô lệ hay bị bắt làm con tin. Họ thấy rõ mình thiếu thốn một ai đó đến không thể chịu nổi. Họ sợ hãi bị bỏ rơi, cảm thấy mình mất hết chỉ còn tay trắng. Họ bất lực khi phải tồn tại một mình.
Có người gọi điện đến các trung tâm tư vấn than phiền với chuyên gia tâm lý hàng giờ đồng hồ. Câu chuyện của họ tràng giang đại hải, lê thê trong tiếng thở dài não nuột hay tiếng khóc thút thít, nghẹn ngào.
Truy tìm nguồn gốc của tâm lý lệ thuộc, các nhà khoa học cho rằng nó thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Thuở nhỏ, ai chẳng lệ thuộc vào cha mẹ. Đứa bé biết rõ nó cần có mẹ để thoả mãn những yêu cầu tối thiểu như ăn uống, được chăm sóc, an toàn.
Một tuổi thơ càng đầy đủ càng làm con người bị lệ thuộc nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bị cai sữa một cách tàn nhẫn, hay không được chăm sóc đầy đủ do cha mẹ ly hôn, thậm chí phải tự kiếm sống từ nhỏ, thường có tính độc lập cao hơn.
Nó đã được vũ trang để chống trả những tổn thương tình cảm, những bất trắc của thế giới hiện thực. Từ đó suy ra, ngay cả người lớn cũng vậy, sự lệ thuộc về vật chất bao giờ cũng kéo theo lệ thuộc về tinh thần.
Đừng vì yêu mà đánh mất lòng tự trọng. Ảnh minh họa
Đừng vì yêu mà quên tất cả
Cho nên, trong bất cứ trường hợp nào, con người nên cố gắng độc lập về kinh tế. Những phụ nữ bỏ việc làm để sống bám vào người đàn ông dù đó là chồng mình vì tin chồng nói “nghỉ việc ở nhà anh nuôi” sớm muộn sẽ nhận ra sai lầm mà rồi đến một ngày chính mình sẽ phải trả giá.
Một điều cần chú ý nữa là, khi bạn đang có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, bạn chớ vội nghĩ rằng chẳng cần gì đến các mối quan hệ khác nữa. Cha mẹ, anh em, bạn bè, người quen mà chúng ta đã có những mối quan hệ tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thực ra đó là cái bệ luôn nâng đỡ chúng ta về tinh thần, tình cảm.
Điều đó có tác dụng cân bằng cảm xúc khi chúng ta bị hẫng hụt. Phải chăng những người bị bội tình, cảm thấy mình rơi vào tình trạng cô lập, chính vì khi có người yêu, có vợ, có chồng, họ quá mải vui, không dành thì giờ, công sức đầu tư vào các mối quan hệ khác?
Ngay trong cuộc sống lứa đôi, để không bị lệ thuộc thái quá, chúng ta phải luôn giữ được bản lĩnh của mình, không răm rắp tuân theo sự điều khiển của chồng (vợ) như con rối bị giật dây.
Có những cặp yêu nhau mà chỉ vì sợ tan vỡ, người ta sẵn sàng chấp nhận cả những điều mà lẽ ra không nên chấp nhận. Người ta nhượng bộ nhau chỉ vì muốn tránh xung đột, cãi vã.
Thậm chí có người vợ giả đui, giả điếc khi chồng có nhân tình, chỉ vì nghĩ rằng “méo mó có hơn không”, chấp nhận ngoại tình còn hơn chấp nhận ly hôn, còn một nửa còn hơn mất tất. Nhưng thực ra, chính sự nhượng bộ đó đã là dấu hiệu của sự lệ thuộc. Nó sẽ dẫn đến những lệ thuộc sâu hơn.
Cho nên, cần phải là chính mình, cần phải có giới hạn của những cái chấp nhận được và những cái không chấp nhận được.
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Dân Việt