"Đi sim" cùng thiếu nữ Pakô

“Đi sim” là tập tục lâu đời của người Pakô, Vân Kiều, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trai gái bắt đầu đi sim từ lúc 12, 13 tuổi. Đêm đến, trai gái rủ nhau tới ngủ tại nhà sim (nhà chung của cộng đồng). Nếu “ưng cái bụng” thì cưới nhau.

Những “cơn lốc” không thổi từ đại ngàn…

 

Trời vừa nhập nhoạng tối, ngoài đường, đoạn gần trung tâm xã Thanh - một trong những xã vùng sâu giáp biên giới Việt - Lào, đã có mấy nhóm thanh niên choai choai tụ tập. Họ đều mặc quần ống loe, áo chẽn “chim cò” bó sát thân. Có người còn xăm đủ thứ hình thù trên bắp tay; tóc nhuộm vàng hoe và xịt keo, vuốt thành từng chóp nhọn dựng đứng như quả cầu gai. Họ nói chuyện phiếm, phì phèo thuốc lá, rồi thi thoảng nghêu ngao những bài tình ca ẻo lả... “Rủ nhau đi sim đó” - bí thư đoàn xã Thanh nói.

 

Một lúc lâu sau, ngoài đường cũng xuất hiện các cô gái mới lớn dắt díu nhau đi theo từng nhóm. Ngay lập tức các chàng trai sà đến tán tỉnh. Có những nhóm đã quen nhau và những nhóm còn rất lạ. Họ làm quen với nhau rất nhanh và rất dễ trở nên thân mật.

 

Một số thanh niên khác, chắc từ xa đến, ăn mặc lố lăng, phóng xe máy chạy tới chạy lui tìm “đối tác”... Lát sau “sân chơi” thưa dần. Dần về đêm, những nhóm thanh niên tản đi. Nhưng thay vì đến nhà sim, họ dìu nhau mất hút trong màn đêm. Những đôi khác bình yên ngồi bên vệ đường tình tự.

 

Anh xe ôm ở ngã ba Tân Long kể: “Thỉnh thoảng có nhiều thanh niên vùng xuôi đến đây nhờ tôi chở đi sim. Nhưng phần lớn vẫn là mấy tay công nhân của các công trường xây dựng, nhất là cánh làm cầu đường. Trai công trường, anh biết đấy...” - anh ta bỏ lửng.

 

Còn anh bí thư xã Đoàn thì cho biết, rất nhiều gã trai lợi dụng sự cả tin của những cô thiếu nữ miền sơn cước mới lớn. Rồi khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, họ “quất ngựa truy phong”.

 

Một đêm tại nhà sim ở bản 10, xã Thanh. Ngoài trời mưa rả rích, trong nhà sim vắng ngắt, chỉ có một cô gái lặng lẽ ngồi đan lưới cùng mấy cụ già trong bản.

 

Anh Hồ Văn Đương, một thanh niên trong bản, cho biết: “Nhà này của ông nội miềng, ông sang chỗ miềng ngủ, nhường nhà cho thanh niên đi sim. Nhưng chừ thanh niên ít đến nhà sim. Nếu có thì một lúc sau là rủ nhau đi mất chứ không ngồi lại nói chuyện”.

 

Đương học hết lớp 9, năm nay 20 tuổi, có vợ là Hồ Thị Mặc, 19 tuổi, ở xã Thuận. Họ lấy nhau được hai năm và hiện có một con trai. Đương đi sim từ năm 16 tuổi và thường lang thang hết làng này đến làng khác, cho đến khi gặp Mặc. Rồi Đương rỉ rả kể chuyện đi sim...

 

Đương và người yêu hay đưa nhau đi chơi, ngủ với nhau qua đêm ngoài bờ sông hoặc nơi nào đó vắng người. Và họ thường xuyên làm “chuyện ấy”. “Phần lớn thanh niên chừ đều làm rứa!” - Đương phân trần.

 

Nhưng theo Đương, không phải đôi trai gái nào sau khi “ngủ với nhau” cũng đều tiến đến hôn nhân. “Ngủ thì ngủ, nhưng không thích nữa là bỏ. Có đứa, con trai cũng như con gái, đi sim với hết người này đến người khác” - Đương khẳng định.

 

Ông nội Đương bảo ngày xưa trai gái yêu nhau không như thế. Ông bảo chắc chắn là do tivi, phim ảnh và lối sống đó do người nơi khác mang đến.

Lời ru buồn trên nương

"Đi sim" cùng thiếu nữ Pakô - 1

Đi sim và tảo hôn đã đẩy gia đình Hồ Văn Dân và Hồ Thị Bươn đến chỗ đông con và nghèo khó.

Tôi đến xã Thuận đúng lúc mọi người đang xôn xao bàn tán về chuyện tan vỡ của một cặp vợ chồng trẻ con. Anh Hồ Giỏ - phó chủ tịch UBND xã, cho biết: Hồ Ing (ở bản 5) và Hồ Thị Krai (ở bản 2) lấy nhau vừa được sáu tháng, khi cả hai đều ở tuổi trên dưới 16.

Đám cưới tổ chức vội vàng vì cái thai trong bụng Krai đã quá lớn, kết quả của việc “ăn cơm trước kẻng” trong lúc đi sim. Cách đây mấy hôm, Krai quyết định chia tay Hồ Ing và ôm đứa con đỏ hỏn trở về nhà bố mẹ đẻ trong tâm trạng tuyệt vọng.

Theo anh Giỏ, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ con đã tan vỡ như vậy, lý do chính là cả hai còn quá trẻ, kinh tế chưa có, lại không biết lo toan và giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong gia đình.

Cũng theo anh Giỏ, tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người Vân Kiều, Pakô vẫn phổ biến và không ít trường hợp kết hôn khi tuổi đời còn rất nhỏ, thậm chí mới 12 tuổi.

“Xã không cho phép nhưng họ cứ lén lút cưới hoặc khai thêm cho đủ tuổi để cưới” - Giỏ bức xúc. Bấm đốt ngón tay, anh tính sơ sơ xã này có cả chục phụ nữ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã là mẹ của... một đàn con.

Điển hình như Hồ Thị Chơn (bản 7) 28 tuổi có tám con; ở bản 6 có Hồ Thị Phượng 22 tuổi đã sáu con và Hồ Thị Soa 20 tuổi có bốn con. “Khiêm tốn” nhất cũng như Hồ Thị Lơ (bản 3), lấy chồng năm 15 tuổi, đến nay 23 tuổi và có ba con...

Theo y sĩ Lý Thanh Thư - trạm trưởng y tế xã Thanh, phần lớn phụ nữ làm mẹ lần đầu ở tuổi 15, 16, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện nên rất khó sinh đẻ. Phần lớn phụ nữ và trẻ em đều bị suy dinh dưỡng và tỉ lệ phụ nữ bị bệnh cao gấp đôi nam giới.

Cũng theo y sĩ Thư, tỉ lệ nữ có thai trước hôn nhân tăng lên. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là những biến tướng và sự thoải mái quá trớn của tục đi sim.

Nạn tảo hôn đang đẩy không ít gia đình đến tình trạng đói nghèo. Gia đình Hồ Văn Dân và Hồ Thị Bươn (thôn Aho, xã Thanh) là một trong số đó. Khi lấy nhau, Dân mới 18 tuổi còn Bươn chưa đầy 16.

Do còn quá trẻ, không biết tính toán làm ăn lại “ham” đẻ nên đời sống gia đình luôn thiếu đói. Hai vợ chồng và ba đứa con phải bữa đói bữa no trong căn nhà sàn xiêu vẹo, dột nát. 

Theo Đại Dương
Tuổi Trẻ