Đi lao động nước ngoài trở về, tôi không được con trai gọi là mẹ nữa
(Dân trí) - Thời gian ở Việt Nam của tôi sắp hết. Con sống cùng tôi chắc chắc sẽ tốt hơn ở với người bố rượu chè, nhưng tôi lại không thể đến gần thằng bé.
Đến bây giờ, khi tôi 37 tuổi mới thấu hiểu học hành và sự hiểu biết có giá trị thế nào. Tôi chính là điển hình của việc vì thiếu hiểu biết mà dẫn tới những sai lầm không hồi cứu vãn. Tôi sinh ra trong gia đình khó khăn, bố rượu chè, mẹ vất vả gồng gánh gia đình, ai thuê gì làm nấy, thiếu trước hụt sau nên chị em tôi không có điều kiện học hành.
Mẹ tôi tốt tính nhưng những gánh nặng biến bà thành người phụ nữ ghê gớm, cay nghiệt, lúc nào cũng mắng mỏ, chửi bới, không khí gia đình tôi chưa bao giờ dễ thở. Năm 16 tuổi, tôi được người bà con đưa lên thành phố phụ quán cơm cho họ.
Trong quãng thời gian ở với cô chú, tôi nhận lời cưới một người hơn tôi 3 tuổi, cũng là lao động nghèo như tôi. Tôi không có nhiều lựa chọn, vả lại tôi cũng nghĩ đơn giản là hoàn cảnh chúng tôi như vậy phù hợp để về chung một nhà.
Nhưng kể từ ngày lấy chồng, tôi không có được phút giây nào gọi là hạnh phúc. Chồng tôi vũ phu, lạnh lùng, cục tính, sẵn sàng đánh chửi tôi bất kể vui buồn. Chồng đã vậy, gia đình chồng cũng không khá hơn. Mẹ chồng lúc nào cũng hằn học, ghét bỏ tôi. Bà kêu gia đình đã quá nghèo khổ lại vác theo đứa vô dạng như tôi về, không khác gì mang nợ.
Em trai chồng liên mồm mắng tôi như con ở, còn thách thức tôi biến ra khỏi nhà. Tôi không hiểu tôi đã gây ra lỗi lầm gì để bị ghét bỏ như vậy.
Chỉ có thể lý giải là do chồng tôi vốn dĩ đã không làm được gì, lại còn thường xuyên gây họa nên tôi cũng trở nên chướng mắt trong suy nghĩ của mọi người. Cứ vài bữa lại có người qua đòi nợ, đe dọa đủ điều, cuộc sống của chúng tôi vô cùng ngột ngạt.
Tôi như kẻ bơ vơ, lạc lõng, không có một chút ánh sáng nào để dựa dẫm hoặc hy vọng bám víu. Ngày tôi sinh con, chồng tôi không biết, một mình tôi tự xách làn quần áo chuẩn bị từ trước tới bệnh viện xong lại tự bế con về, không có một ngày nào được hưởng chế độ bà bầu, bà đẻ. May là khi con tôi bắt đầu bi bô tập nói, sự đáng yêu của con trẻ có lẽ khiến không khí gia đình tốt hơn.
Mẹ chồng tôi bắt đầu quan tâm đến thằng bé. Việc chửi mắng tôi bà vẫn không quên nhưng rõ ràng vui vẻ, chịu chơi với con tôi hơn trước. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngừng bị đối xử tệ hại, dù lao động như một con thiêu thân. Quá hờn tủi, tôi đã có suy nghĩ nông cạn là bỏ nhà đi ra ngoài làm ăn. Mục đích chính của tôi chỉ đơn giản là để xem bọn họ sống ra sao nếu không có mình.
Và tôi quyết định để con nhỏ lại cho bà nội và bố để đi ra ngoài bươn chải. Tôi tin nếu chỉ có mình tôi, tôi sẽ kiếm được tiền, ít nhất là dễ dàng hơn nuôi cả một đống người bọn họ.
Đợi một thời gian, có chút vốn liếng trở về, tôi sẽ đàng hoàng lên mặt với những người coi tôi như kẻ ăn người ở. Tôi sẽ đường hoàng nhận lại con, ban ơn cho những người đã trót coi thường tôi ngày trước.
Tôi nghĩ chỉ đi tầm 1-2 năm là đủ vốn liếng tôi cần. Ai dè cuộc đời đưa đẩy tôi, có người mách mối sang nước ngoài kiếm được nhiều tiền vậy là tôi đi. Ở nơi đất khách quê người, tôi không nề hà làm bất cứ việc gì, dành dụm đợi ngày trở lại.
Thời điểm đó, tôi không liên lạc được với ai ở Việt Nam. Đó là khoảng thời gian tăm tối, cùng cực của tôi vì nhớ con mà không có cách nào trở về, chỉ biết cắm đầu vào làm lụng để quên đi thời gian.
Sau đó, nhờ may mắn, tôi được một người đàn ông ngoại quốc yêu thương. Anh ấy lớn tuổi, chân thành, hiểu biết, hiểu hoàn cảnh của tôi. Anh gợi ý đưa tôi về Việt Nam làm thủ tục ly hôn và đưa con sang ở cùng tôi. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, tôi gặp phải vấn đề trước đó chưa hề nghĩ tới: Con trai nhất định không nhận mẹ.
Mẹ chồng tôi đã qua đời. Người chồng rượu chè, cờ bạc của tôi vẫn say ngất ngưởng, hết đánh đuổi tôi lại đòi tiền tôi. Tôi đưa anh ta một số tiền lớn để nhận được cái gật đầu chấp nhận ly hôn, nhưng với con trai thì tôi không có cách nào giải quyết.
Suốt vài tháng ở quê nhà, tôi không sao gần gũi được con. Cứ đến gần là con la hét, bỏ chạy, tôi toàn phải đứng từ xa ngắm nhìn con trai mình.
Nhìn con mình gầy gò, bé xíu so với lứa tuổi, tôi thương con vô cùng, không ngừng tự trách móc mình. Tôi đã làm một việc tệ hại, không thể nào tha thứ là bỏ lại con từ lúc mới chập chững biết đi. 6 năm qua đã khiến tôi trở thành người xa lạ, thậm chí thành nỗi uất hận trong lòng con nhỏ.
Thời gian ở Việt Nam của tôi sắp hết, nhưng tôi vẫn không biết làm gì để có thể giải quyết được tình trạng bế tắc hiện tại. Con ở với tôi chắc chắc sẽ có cuộc sống và tương lai tốt hơn ở với người chồng cũ nghiện ngập, nhưng tôi lại không thể đến gần thằng bé.
Nghĩ đến con, tôi chỉ biết khóc mà không biết phải làm gì. Làm thế nào mới là đúng nhất đây?
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.