Đi dễ, khó về

Vợ tôi vốn vui tính, chịu khó, và cũng khá thoải mái với chồng trong việc quản lý quỹ thời gian sinh hoạt. Tôi cho rằng mình may mắn. Còn nhớ, nhiều lần tôi về khuya, cô ấy chỉ mắng yêu: “Anh về trễ quá, ngày mai còn đi làm sớm nữa”.

Dù khuya, vợ vẫn chờ cơm, rồi còn chịu khó nghe tôi kể chuyện bên ngoài, dù chỉ là chuyện của mấy ông bạn nhậu hay chuyện công ty, chuyện thời sự. Nghe xong, vợ lại còn phát biểu, nhận xét, chứ không giận dỗi, càm ràm.

 

Nhớ có lần, mấy ông bạn đồng nghiệp nhắc khéo vợ: “Sao em không quản lý thời gian của chồng. Dạo này anh ấy bắt đầu đi hoang rồi đấy!”. Vợ vốn vui tính nên hồn nhiên trả lời: “Hổng lẽ để chồng ôm riết cái que củi khô này sao! Ngoài vợ con, anh ấy còn nhiều mối quan hệ, miễn sao không quá đáng là ổn rồi”. Mọi người xuýt xoa tôi có phước, họ ước chi vợ của họ cũng “lỏng lẻo” như vợ tôi.
 
Đi dễ, khó về


Thấy vợ dễ dãi, bao dung, tôi không ngại đi sớm về khuya. Và rồi tôi có bồ nhí. Xưa nay tôi đi đứng thất thường, nên vợ đã quen với nếp sinh hoạt này. Cô ấy quá chủ quan, chẳng mảy may đề phòng. Tôi bắt đầu qua đêm, viện cớ này nọ không về nhà. Tuy nhiên, sự quá đáng của tôi cũng không thể qua mắt được người vợ vốn vô tư, thoải mái. Từ chỗ dễ dãi, dễ cảm thông, cô ấy trở nên lạnh lùng đến không ngờ. Với tính cách của vợ, tôi nghĩ mình “đi” dễ và “về” cũng dễ. Vợ tôi không tỏ ra ghen tuông, mà suốt ngày im lặng. Đi làm về, vợ tạt đón con, rồi vào bếp, không còn đợi cơm như trước. Tôi hạn chế về trễ nhưng vẫn chưa dễ dứt tình với người mới. Thời gian này, mỗi khi bước chân về nhà, tôi cảm thấy ngột ngạt bởi những biểu hiện của vợ, thế là tôi lại nhanh chóng quay gót. Tình cảm vợ chồng bắt đầu tuột dốc.

 

Tất nhiên, phận làm chồng, tôi biết dùng mọi lời hay ý đẹp để vỗ về vợ, rằng vợ con là số một, việc chồng lang thang bên ngoài cũng chỉ là cách giảm stress… Dù vậy, nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi thấy thương vợ vô cùng. Cô ấy gầy đi nhiều, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Nhưng không hiểu sao, thay vì nhận lỗi để mong được tha thứ, tôi lại trách ngược vợ là cô ấy quá dễ dãi, không nhạy cảm để nhận biết sự thay đổi của chồng mà có “biện pháp” lôi kéo chồng về nhà. Đấy cũng là “lỗ hổng” của vợ trong việc quản lý chồng. Cái sự “phủ đầu” ấy khiến vợ cười nửa miệng, rằng “lưỡi không xương”, rằng đã “được ăn” lại còn “được nói”…

 

Tôi biết mình thật vô lý khi vợ luôn tạo điều kiện cho tôi tự do, vui vẻ, được nở mày nở mặt với thiên hạ. Chỉ vì xem nhẹ sự hy sinh của vợ, nên tôi lâm cảnh “khó về”. Giờ đây, tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Sợ rằng, những sai lầm ấy sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và cả sự nghiệp, làm tổn thương đến vợ, nên dù “khó về”, tôi vẫn quyết “về” để chuộc lỗi.

 

Lê Khanh

PNO