Đi dễ, khó về

(Dân trí) - Quệt nước mắt, Kiều Mai ấm ức chạy lên tầng, bỏ lại đằng sau tiếng bấc tiếng chì của mẹ chồng. Bà đủng đỉnh thả từng câu đủ cho con dâu nghe thấy: Phận làm con, cha mẹ nói phải nghe..."

“... Không muốn cũng phải ngồi nghe cho hết. Con bỏ đi như vậy là không tôn trọng mẹ. Đừng để mẹ nghĩ là cha mẹ con không dạy con đến nơi đến chốn”.

  

Tự ái dâng cao khi nghe mẹ chồng làm tổn thương đến bố mẹ đẻ, Mai quay lại đáp trả: “Nếu con không được như mẹ mong muốn thì đó là lỗi của con. Mẹ không được đụng đến bố mẹ con. Con làm con chịu”.

 

Những cuộc va chạm “nhẹ” như thế này thường xuyên xảy ra như cơm bữa. Vẫn là sự đểnh đoảng của Mai và thái độ miệt thị của mẹ chồng.

 

Giọng Mai như nghẹn lại. Cô chạy lên phòng vơ vội mấy bộ quần áo bỏ vào túi. Giờ này trong đầu cô chỉ có một ý nghĩ là rời khỏi căn nhà này trở về với nơi yên bình, ấm áp đầy tình yêu của mọi người dành cho cô.

 

Bước chân ra đến cổng cô chợt nhớ, mình còn có một người chồng. Nhưng Hải, chồng cô, có bao giờ bênh vợ? “Mẹ con nhà họ cùng một giuộc với nhau, có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Vắng mình vài ngày Hải sẽ phải gọi điện cầu xin vợ trở lại…” - vừa tự nhủ, Mai vừa rảo bước, để lại phía sau căn nhà đã nửa năm gắn bó với cô.

 

Về đến nhà Mai ào ngay vào lòng mẹ ấm ức khóc. Nhìn thấy con, mẹ cô đã hiểu hết sự tình. Bà ôm con mà nước mắt tuôn chảy. Bà quá hiểu tính con gái. Bà lo hành động trở về bồng bột thiếu suy nghĩ của nó liệu có cơ hội để quay về với tổ ấm được không?

 

Hải không đến cầu xin như Mai nghĩ. Một tuần, hai tuần trôi qua vẫn im lặng. Mai gọi điện cho chồng thì nghe đầu dây bên kia tiếng Hải: “Cô muốn đi thì giờ đã được ra đi. Có ai níu giữ đâu”.

 

Mẹ Mai nhìn cái thai trong bụng con lớn dần mà thương con thương cháu, đành hạ mình gọi điện cho thông gia: “Con dại cái mang. Cháu Mai nhà tôi về bên nhà mà không xin phép bà đó là lỗi của tôi không dạy cháu tử tế. Tôi xin bà cho cháu trở về bên đó cho vợ chồng nó được đoàn tụ”.

 

Mẹ Hải ở đầu dây bên kia nhả giọng thong thả: “Nhà tôi không phải nhà văn hoá ai thích đến thì đến, ai thích đi thì đi. Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Cháu tôi thì chúng tôi nhận, còn dâu thì chúng tôi không có con dâu như vậy. Mong bà hiểu và thông cảm”…

 

Ở vào cảnh tương tự như Mai, nhưng nguyên nhân của Tú bắt nguồn từ xung đột với chồng.

 

Trong những cuộc cãi cọ bất phân thắng bại, lúc nào Tú cũng đem việc bỏ nhà ra đe doạ. Một lần quá sức chịu đựng, Tuấn, chồng Tú, đuổi thẳng cổ vợ về nhà mẹ đẻ. Được thể, Tú xách túi, xách con đi luôn.

 

Vì quá tức giận nên cô cũng chẳng đủ tỉnh táo để chào bố mẹ chồng một câu. Giờ thì chồng giận, bố mẹ chồng cũng giận. Tú mắc kẹt ở nhà mẹ đẻ. Con nhớ bố, nhớ ông bà khóc quấy hàng đêm mà cô thì chưa biết phải quay về bằng cách nào.

 

Lời bàn

 

Chưa quen với lối sống và tính cách của chồng cũng như những thành viên trong gia đình chồng, không ít cô dâu muốn được trở về cuộc sống tự do như ngày chưa kết hôn. Họ thường có những hành động “bỏ về nhà mẹ” rất bồng bột và nông nổi, ít khi nghĩ đến hậu quả.

 

Song một khi đã bỏ đi, chuyện không còn đơn giản là giữa vợ và chồng, mà còn ảnh hưởng đến nền nếp của cả một gia đình. Nàng dâu hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi làm bất kỳ điều gì. Nếu bạn muốn ra khỏi nhà cho khuây khỏa, nên có lời xin phép bố mẹ chồng và chồng, khi nào cảm thấy tâm trạng thoải mái hơn có thể trở về nhà.

 

Diễm Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm