Kiến thức giới tính

“Đèn đỏ” không xuất hiện: Bệnh nguy hiểm nhưng dễ nhầm lẫn

Nếu trẻ gái đến tuổi dậy thì, nhiều lần đau bụng kinh nhưng “đèn đỏ” không xuất hiện, người lớn nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị sớm.

 
“Đèn đỏ” không xuất hiện: Bệnh nguy hiểm nhưng dễ nhầm lẫn


Theo các chuyên gia y tế, khi có biểu hiện trên, nhiều khả năng trẻ bị tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh hoặc bất sản âm đạo. Khi mắc bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị nhiễm trùng, viêm nội mạc tử cung, thậm chí vô sinh. Tuy là bệnh khá nguy hiểm nhưng bất sản âm đạo dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm ruột thừa hoặc u nang buồng trứng xoắn. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), trong các ca dị dạng âm đạo được tuyến dưới chuyển đến 5 năm qua, 78% là chẩn đoán sai.

 

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và tạo hình âm đạo cho cháu N.H., 13 tuổi, ở TPHCM. Bệnh nhân này bị bất sản âm đạo bẩm sinh. Trước khi đến bệnh viện, cháu H. thường bị đau bụng theo chu kỳ hằng tháng. Mỗi đợt đau kéo dài khoảng 3 - 4 ngày liên tục như đau bụng kinh nhưng cháu không thấy “đèn đỏ”. Những đợt đau bụng theo chu kỳ ngày càng nặng, cháu H. còn khó đi tiểu. Gia đình đã đưa H. đến một bệnh viện tuyến quận. Các bác sĩ chẩn đoán màng trinh của cháu không có lỗ để thoát máu kinh và dịch ra ngoài nên đã phẫu thuật rạch mép màng trinh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn bị đau bụng dưới và bí tiểu nên phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhân H. bị bất sản âm đạo nên dẫn đến ứ máu kinh trong tử cung. Vì thế, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy máu và tạo hình âm đạo cho bệnh nhân.

 

Phát hiện và điều trị sớm

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh là dị tật bộ phận sinh dục của bé gái, có tần suất khoảng 1/4.500 trẻ gái sinh ra. Bệnh có thể do màng trinh kín, không có vách ngăn âm đạo và do bất sản âm đạo. Tắc nghẽn âm đạo có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc khi đến tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, do âm đạo bị tắc nên gây cản trở bài tiết dịch và máu kinh. Vì thế, lượng dịch và máu kinh sẽ đọng ở vùng âm đạo. Lâu dần sẽ tràn ra vòi trứng, thậm chí chảy ngược vào ổ bụng... Ngoài ra, lượng máu kinh ứ đọng quá nhiều còn chèn ép gây bí tiểu hoặc hình thành khối u ở bộ phận sinh dục hay vùng hạ vị.

 

Hiện hầu hết dị dạng ở âm đạo có thể phát hiện bằng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, X-quang hệ tiết niệu đường tĩnh mạch... Những dị tật bẩm sinh trên đều có thể phẫu thuật nhưng càng sớm càng tốt, vì có thể giúp bé gái bảo tồn khả năng sinh sản về sau. Còn không sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Trong trường hợp màng trinh không thủng, bác sĩ sẽ mở màng trinh; còn nếu không có vách ngăn âm đạo, bác sĩ sẽ cắt vách ngăn và khâu với niêm mạc âm đạo qua tầng sinh môn; bất sản âm đạo thì có thể phẫu thuật tạo hình âm đạo. Sau khi được xử lý, chức năng sinh sản của những bệnh nhân vẫn được duy trì.

 

Theo các chuyên gia y tế, trẻ đến tuổi dậy thì, đau bụng theo chu kỳ hằng tháng nhưng không có kinh nguyệt còn có thể bị dị dạng tử cung âm đạo đôi. Vì thế, khi trẻ đến tuổi dậy thì đau bụng nhưng không có “nguyệt san”, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh.

 

Theo PNVN