Đêm giao thừa

(Dân trí) - “Chị ơi, tết nay về ăn tết ngoại, chị em mình lại được cùng nhau đón giao thừa rồi. Em vừa bảo mẹ, giao thừa nhớ mừng tuổi cho tụi con như khi còn nhỏ nhé”. Dòng tin em nhắn ngắn ngủi mà như mang theo cả bầu trời kí ức quay về khiến lòng tôi nôn nao nhớ.

Đêm giao thừa - 1

Những đêm giao thừa khi tôi còn nhỏ thật nhớ biết bao nhiêu. Tâm trạng tôi thường háo hức từ chiều ba mươi khi nhà nhà rộn ràng cúng tất niên. Rồi tối theo người lớn ra sân đình làng xem mọi người chơi trò “hái hoa dân chủ”.

Một cây đào thật to trưng giữa sân đình, trên đó treo những bông hoa giấy nhỏ có ghi câu hỏi ở trong. Ai lên hái bông hoa nào thì trả lời câu hỏi đó. Trả lời xong thì được lấy một món quà cũng gói treo trên cây, có thể là lát giò, điếu thuốc, cái kẹo. Cái không khí khi một người trả lời một câu hỏi đầy hài hước, những người xem nghiêng ngả ôm bụng cười khiến tôi nhớ mãi.

Khi cuộc vui tàn, mọi người ai về nhà nấy để lo mâm cỗ cúng giao thừa. Giao thừa năm nào chị em tôi cũng nói rằng sẽ cố thức đợi, nhưng rồi năm nào cũng leo lên giường ngủ lúc nào không hay. Để đến lúc giấc đang say, nghe tiếng mẹ lay gọi “Hai đứa dậy đi, giao thừa đến rồi. Dậy mẹ mừng tuổi cho nào”. Như chiếc lò xo, chị em chúng tôi bật dậy. Tiếng pháo đang nổ ran khắp xóm nhỏ, tiếng người nói người cười từ nhà hàng xóm vọng sang.

Mẹ lấy áo mới, mặc cho từng đứa một, sau đó lấy hai đồng tiền nhỏ mừng tuổi cho chúng tôi: “Mẹ chúc các con sang năm mới thật ngoan, học thật giỏi nhé”. Chị em chúng tôi hân hoan chạy ào ra sân. Tôi còn nhớ cảm giác thời khắc đó, thời khắc giao thừa đất trời như hòa làm một. Những hạt mưa nhỏ rắc xuống sân, chiếc áo hoa mới trên người tôi không đủ ấm.

Bố tôi đi làm xa, tết năm về năm không, nhà có mấy mẹ con, cũng không tránh khỏi những tủi buồn. Có lần tôi thấy mẹ vừa lúi húi trong bếp vừa khóc. Tôi hỏi mẹ vì sao. Mẹ nói “mẹ nhớ bố. Tết nhà người ta đông đúc sum vầy, nghĩ bố con nơi xa, đón giao thừa không người thân bên cạnh chắc buồn và cô đơn lắm”. Cảm giác đó, mãi sau này khi đã lấy chồng tôi mới hiểu. Còn lúc đó, chỉ nghĩ rằng ở đâu mà chẳng có tết, tết ở đâu lại chẳng vui như nhau.

Khi lớn lên, giao thừa mỗi năm mỗi khác. Nhưng tôi vẫn đón đợi đêm giao thừa. Không phải để được mặc áo mới mẹ mua như khi xưa, không phải để nhận tiền mừng tuổi, không phải để rón rén bóc những gói kẹo ít ỏi mẹ cất trong chum gạo. Chỉ là không hiểu sao tôi thích tắm mình trong thời khắc trời đất giao chuyển giao năm cũ năm mới ấy.

Tôi thích đứng ở sân, nhìn lên bầu trời đêm, để những hạt mưa xuân phun lên mặt mình, nghe tiếng đì đoàng pháo hoa nhà ai đó lóe sáng một góc trời, nghe tiếng nhạc hân hoan chúc mừng năm mới, nghe tiếng bố thì thầm khấn vái trước ban thờ tổ tiên và tiếng cười của mẹ như trong trẻo hơn, vui vẻ hơn những ngày thường.

Bảy năm đón giao thừa ở nhà chồng, tôi cũng không nhớ rõ những giao thừa đi qua như thế nào. Có năm thì nằm ru con ngủ rồi thiếp đi, giao thừa qua lúc nào không hay. Có khi thì giao thừa, ông bà nội lo khấn vái, hai vợ chồng đứng ở ngoài thềm, lặng lẽ quàng tay nhau. Tôi không biết lúc đó chồng mình nghĩ gì, chỉ lặng nắm lấy tay anh, thấy may mắn vì đã có nhau trong đời. Cũng có những đêm giao thừa sau khi cả nhà chúc tụng nhau, nhìn ai cũng vui bỗng khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ.

Năm nay, chồng tôi nói cả nhà sẽ về ăn tết bên ngoại: “Ông bà ngoại nhiều tuổi rồi, chắc cũng mong một cái tết sum vầy, giao thừa đủ con đủ cháu”. Tôi đã rơi nước mắt khi anh nói như thế. Đó là niềm mong ước của tôi bao nhiêu năm nay mà vì phận làm dâu xứ người, nỗi niềm nhiều khi đành giấu kín.

Bố mẹ đã ngoài bảy mươi rồi, chẳng biết có thể đón được bao nhiêu giao thừa nữa. Nghĩ đến đó, tự nhiên nước mắt tuôn rơi.

Lê Giang