Để yêu nhau hơn khi có bé

(Dân trí) - Những áp lực mới nảy sinh khi có bé chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tình cảm gắn bó vợ chồng. Nhưng đừng lo, hai bạn có thể tham khảo những “bí kíp” dưới đây để đảm đang tốt “chức vụ” mới.

Để yêu nhau hơn khi có bé  - 1
 
1. Kiểm tra tài chính

 

Không ít cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh khó xử khi dự định sinh con sau một thời gian kết hôn. Họ thống nhất về việc sẽ sinh con, nhưng lại không thể dự tính về những khía cạnh tài chính liên quan.

 

Theo nhà tâm lý Meena Tiwari, có con là một sự kiện hạnh phúc trong cuộc đời của các cặp vợ chồng, nhưng việc này cũng yêu cầu hai vợ chồng phải điều chỉnh kế hoạch tài chính. Làm sao phải có sự ổn thỏa về tiền bạc để đón chào thành viên mới.

 

Xem nhẹ vấn đề tài chính có thể gây những áp lực khủng khiếp cho các ông bố bà mẹ trẻ. Do vậy, hai vợ chồng phải đặt ra kế hoạch chi tiêu. Có thể tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của những cặp đã sinh con.

 

2. Kiểm tra sức khỏe

 

Nhà dinh dưỡng học Radha Sharma khuyên rằng cả hai vợ chồng phải đảm bảo rằng sức khỏe của mình đủ điều kiện để sinh con. Đặc biệt, các bà vợ nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi dự định mang thai, có chế độ dinh dưỡng thích hợp với đầy đủ protein và chất sắt để thai kỳ được ổn thỏa. Thêm vào đó, cần có một chế độ tập luyện phù hợp.

 

3. Sự ủng hộ của người thân

 

Người già có nhiều kinh nghiệm sống quý báu, trong đó có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con. Do vậy, sự có mặt của họ sẽ giúp vợ chồng trẻ cảm thấy yên tâm hơn.

 

Nhà tâm lý Aakash Verma cho biết sự hỗ trợ của bố mẹ đóng vai trò chủ chốt đối với các cặp vợ chồng trẻ sắp có con. Do vậy, bà mẹ tương lai sẽ cảm thấy an lòng khi biết có bố mẹ hoặc người thân kề cận. Điều này cũng làm cho bà bầu cảm thấy hạnh phúc và thoải mái.

 

4. Cùng chăm con

 

Chăm sóc trẻ là công việc 24/24, đặc biệt trong những tháng đầu tiên khi bé mới chào đời. Các bà mẹ trẻ khó có thể tìm thời gian cho riêng mình khi bận rộn luôn tay với việc cho bé bú và thay tã. Do vậy, các bà mẹ trẻ luôn luôn cần sự hỗ trợ của người chồng.

 

Theo nhà tâm lý Aakash Verma, điều quan trọng đối với các ông bố bà mẹ trẻ là phải dành những khoảng thời gian chất lượng bên nhau. Hãy nhớ kết nối với nhau hàng ngày. Khi bé ngủ, hai vợ chồng hãy dành thời gian trò chuyện, củng cố mối quan hệ hai người. Đừng bao giờ quên rằng trước khi thành bố mẹ, các bạn là một cặp đôi quấn quýt. Việc cùng nhau chăm bé cũng là một cách để vợ chồng thêm gắn kết.

 

5. Thổ lộ với nhau về cảm giác

 

Có con là một thời điểm vừa hạnh phúc vừa đầy áp lực. Điều quan trọng là hai vợ chồng trẻ phải thổ lộ với nhau những cảm giác của mình. Và khi trò chuyện, nhớ thật cởi mở, rõ ràng. 

 

Nhà tâm lý Shubha Vaid nhấn mạnh, hai vợ chồng trẻ sắp có con phải chuẩn bị đối mặt với hàng loạt cảm xúc. Có thể, hai bên sẽ cảm thấy giận dữ, ghen tị và buồn bã khi người kia dành ít thời gian cho mình. Nếu không nói ra những cảm giác này, khó chịu tích tụ sẽ ảnh hưởng đến tình cảm.

 

6. Những hội chứng hậu thời kỳ sinh bé

 

Nhiều bà mẹ trẻ trải qua những cảm giác buồn bã, thay đổi tâm tính sau khi sinh con. Khoa học gọi đây là chứng trầm cảm sau sinh - kết quả của sự thay đổi tâm lý và hệ thống nội tiết.

 

Nhưng không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có thể mắc hội chứng này. Nhiều ông bố trẻ đã không dự tính được những vấn đề mình sẽ gặp phải khi có con, nhất là những lúc bé đau ốm, bệnh viện và những đêm không ngủ khiến họ bắt đầu cảm thấy việc có con không còn là niềm vui nữa.

 

Nhà tâm lý Shubha Vaid cho rằng: Sự trầm cảm của các bà mẹ thì dễ nhận ra trong những tháng đầu tiên. Trong khi đó, các ông bố thường không nhận ra rằng họ đang rơi vào trạng thái trầm cảm và khi nhận ra thì đã quá muộn. Dù gắn bó với bé con, họ vẫn thường tự xa cách người bạn đời, và điều này dẫn tới việc hai vợ chồng không hiểu nhau và sinh cãi cọ. 

 

Giải pháp cho tình trạng này là hai vợ chồng phải nói chuyện cùng nhau hàng ngày và dành cho nhau những khoảng không gian cần thiết. Đồng thời, nên tập trung vào những khía cạnh tích cực hơn là khoáy sâu vào những điều tiêu cực.  

 

7. Và chuyện “thân mật”

 

Sau khi có con, thông thường các bà mẹ quên hẳn việc “gần gũi” với chồng. Bận rộn chăm bé khiến họ cảm thấy không còn sức để làm bất cứ việc gì khác. Trong khi đó, các ông chồng vẫn muốn “thân mật” với vợ như trước đây, nhưng họ không thể hiểu được thái độ hờ hững hoàn toàn của vợ.

 

Điều này có thể gây ra cuộc chiến tranh âm thầm giữa hai vợ chồng, và phái mạnh cảm thấy niềm ham muốn của mình như nguội lạnh.

 

Theo nhà tâm lý Meena Tiwari, điều quan trọng là vợ chồng phải nhận ra rằng việc có con đã chiếm mất thời gian của họ. Phụ nữ sau sinh (nhất là sinh mổ) thường rất hoảng sợ nếu phải “gần chồng”. Nhiều bà vợ còn cảm thấy mình thiếu hấp dẫn khi dáng người bị “xổ”, quần áo rộng thùng thình và nhiều khi không gọn gàng, sạch sẽ do phải lo chăm sóc bé. 

 

Dù hai vợ chồng chưa thể “thân mật” thực sự, họ vẫn có thể dành cho nhau những giờ phút riêng tư. Những cử chỉ âu yếm và chăm sóc nhẹ nhàng rất quan trọng trong việc duy trì sợi dây cảm xúc.

 

 Và khi em bé đã lớn hơn, việc chăm bé đã trở nên nhẹ nhàng, người vợ đã sẵn sàng “đón nhận” chồng, thì hai người có thể trở lại thời kỳ “cuồng nhiệt” như trước.

 

Xuân Vũ

Theo Times Of India

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm